Tấm gương sáng của một người lính già

2018-01-09 08:39:00 0 Bình luận
Cuộc đời của người lính già Nguyễn Hữu Thùy (tên thường gọi Nguyễn Hữu Ý), thương binh hạng ¼ ở thôn Bích La Thượng, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị khiến ai cũng nể phục. Tuổi xuân ông hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đến nay, ông vẫn không ngơi nghỉ, lo cho quê hương và đồng đội.

Buổi sáng, tôi tìm đến nhà ông Thùy nhưng ông không có nhà. Con dâu ông Thùy bảo: "Bố em lên huyện từ sớm. Anh để lại số điện thoại, lúc nào ông về em báo cho!". Ông Thùy năm nay đã 87 tuổi vẫn có thể lên huyện hơn 10 cây số bằng xe đạp.

Giống với tôi hình dung, ông có dáng người to cao, khuôn mặt hiền từ, mái tóc đã bạc trắng. Câu chuyện cuộc đời ông cuốn hút người nghe đến lạ. Năm 19 tuổi (1949), ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, đảm nhận chức vụ Xã đội trưởng, ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã Triệu Quang (nay gồm các xã Triệu Long, Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Giang, Triệu Thuận, huyện Triệu Phong - Quảng Trị). Ông chỉ huy du kích địa phương đánh nhiều trận khiến giặc Pháp kinh hãi. Trận đánh làm ông nhớ nhất là trận phục kích địch tại Vệ Nghĩa.


Ông Nguyễn Hữu Thùy được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương.


Hôm đó, tầm cuối tháng 9-1950, du kích phát hiện chừng 300 tên lính Pháp di chuyển từ Đại Hào lên thị xã Quảng Trị. Nhận được tin báo, ông báo ngay lại tin này cho Trung đoàn 95 để phối hợp chiến đấu. Quân ta đã nhanh chóng bao vây diệt địch.

Nhưng tầm 30 phút sau đó, bị pháo địch ở Cửa Việt và Triệu Nguyên bắn yểm trợ nên ta hy sinh 23 cán bộ, chiến sĩ. Riêng ông bị đạn, mảnh pháo địch găm khắp người, nặng nhất là vùng đầu và vùng lưng. Khi tỉnh lại, ông thấy anh em đồng đội ngồi cạnh bên, cười với mình nên biết mình còn sống!

Năm 1953, người Xã đội trưởng quả cảm ấy được rút lên làm Tổ trưởng Quân báo huyện đội Triệu Phong. Một năm sau, ông được ra miền Bắc, biên chế về Trung đoàn 271, Quân khu 4. Với trí thông minh, lòng dũng cảm, ông được cấp trên giao làm nhiệm vụ trinh sát.

Từ đó, ông có mặt trên khắp các chiến trường miền Trung và miền Nam, luồn sâu vào lòng địch, nắm bắt tình hình để có các phương án đánh địch hiệu quả. Với nhiệm vụ này, ông đã lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Trinh sát Mặt Trận 7 Quảng Trị, Trưởng ban Trinh sát tỉnh đội Quảng Trị…

Ở mỗi vị trí công tác, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ông nhớ nhất trận đánh Mỹ năm 1967 ở chiến khu Ba Long xưa (nay thuộc 3 xã Hải Phúc, Ba Lòng, Triệu Nguyên, huyện Đakrông). "Lúc đó, Mỹ, quân đội Sài Gòn lập đồn bốt, án ngữ cả 4 hướng; chủ công của chúng là pháo tầm trung và tầm xa. Muốn đánh bật lực lượng này ra khỏi Ba Lòng, trước tiên phải nhắm đánh các khẩu pháo của chúng. Nhưng các khẩu pháo đều được chúng xây dựng, ngụy trang rất kỹ ở khắp nơi, khiến ta khó nắm bắt một cách chính xác.

Sau nhiều ngày nghiên cứu tình hình, tôi và các anh em trong đơn vị quyết định dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, sông suối sâu, luồn sâu vào đó để nắm bắt thực tế, vẽ lại bản đồ một cách chính xác nhất", ông nhớ lại.

"Sau liền 10 ngày đêm, chúng tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Sau đó, tôi báo cáo lại và phối hợp với các đơn vị để chiến đấu diệt địch. Kết quả, chỉ sau 3 ngày đêm đầu tiên, các khẩu pháo của địch đã bị ta đánh trúng, làm chúng tê liệt, tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh của ta xông vào đánh bật chúng ra khỏi căn cứ".


Ông Thùy kể lại những năm tháng chiến tranh với tác giả.


Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ông tiếp tục đảm nhận các vị trí cao như Thị đội trưởng thị xã Đông Hà, Huyện đội trưởng huyện Triệu Phong, Phó hiệu trưởng trường Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên cho đến lúc nghỉ hưu năm 1982. Rời quân ngũ, nhưng ông không ngơi nghỉ, ngày đêm vẫn đau đáu nỗi lo cuộc sống cho người dân được tốt hơn.

Ông làm liên tiếp 2 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã Triệu Long, rồi lần lượt Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội cựu chiến binh (CCB) huyện Triệu Phong. Ở mỗi nhiệm vụ công tác, ông đều làm việc hăng say và hết mình, luôn được bà con tin yêu và nể phục.

Đặc biệt trong hơn 16 năm làm công tác CCB, ông đã dành nhiều thời gian đi khắp nơi để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. "Có những đồng đội hy sinh do chính tay tôi chôn cất, số lớn khác tôi có biết vị trí chôn cất nên lúc tôi làm công tác CCB đã có thời gian và điều kiện để đi tìm, cất bốc anh em về.

Hơn 1 năm đầu, tôi làm công việc này một mình, cất bốc được 62 hài cốt liệt sĩ. Về sau, tôi nhận thấy mình tuổi đã cao không còn đủ sức, hơn nữa cần có thông tin, sự phối hợp với nhiều đồng đội cũ khác, thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Vì vậy, tôi đã chủ động liên hệ đặt vấn đề và động viên anh em CCB ở các xã cùng làm", người lính già tâm sự.

Suốt 16 năm làm công tác CCB và gần 10 năm nữa sau này, những chiến trường xưa từ vùng núi cao đến vùng đồng bằng và vùng biển, như Cây Da, Cây Vịt chiến khu xưa Ba Lòng; ngã ba Long Hưng, Thành cổ Quảng Trị, xã biển Thâm Khê, huyện Hải Lăng… đều có dấu chân ông và đồng đội cũ.

Họ đồng thời để lại những tình cảm, kỷ niệm không thể nào quên trong lòng người dân những nơi họ đến, về những người lính luôn nặng nợ nghĩa tình với đồng đội của mình, những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ông nhấp một ngụm nước chè xanh đặc quánh, bồi hồi kể cho tôi nghe kỷ niệm trong một lần tìm mộ đồng đội. "Cách đây đã mấy năm, chúng tôi về xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong để quy tập 3 hài cốt liệt sĩ. Nhưng hiện trạng lúc đó đã khác rất nhiều so với lúc đang bị chiến tranh. Chúng tôi đào bới, tìm kiếm tại nhiều điểm, nhưng vẫn không thấy tăm tích gì.

Chợt phát hiện một ngôi nhà bỏ hoang ở gần đó, chúng tôi hỏi bà con xung quanh, họ cho biết người trong nhà này đã đến nơi khác ở. Như có linh tính mách bảo, chúng tôi quyết định xin phép chính quyền khai quật nền nhà này. Rồi chúng tôi tìm được 3 bộ hài cốt liệt sĩ ở độ sâu gần 1 mét. Chúng tôi vỡ òa niềm vui!".

"Suốt hơn 25 năm qua, không biết bao lần chúng tôi vui buồn theo từng kỷ niệm tìm kiếm hài cốt đồng đội. Buồn cũng nhiều vì địa hình, nơi chôn cất liệt sĩ bị bom đạn cày đi xới lại nhiều lần. Mà vui cũng nhiều vì sau nhiều lần mình cất công tìm kiếm, quyết tâm tìm cho bằng được rồi cũng tìm thấy. Đó là lần tìm kiếm 17 anh em chiến đấu cảm tử, hy sinh ở đồi Đá Đứng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong. Lần đó, chúng tôi cả đi lẫn về hơn 20 lượt, đến lượt thứ 21 thì mới may mắn tìm thấy các anh em nằm sâu dưới một trạm phẫu giả chiến hồi đó, bị bom đánh bồi lấp lên cao hơn 2m", ông trầm ngâm nhớ lại.


Ông Thùy trước ngôi nhà văn hóa thôn khang trang do vợ chồng ông hiến đất xây dựng.


Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Triệu Phong, đến nay người lính già Nguyễn Hữu Ý và các đồng đội cũ của ông đã tìm kiếm, cất bốc được hơn 250 hài cốt liệt sĩ, đưa về các nghĩa trang liệt sĩ an táng.

Những trường hợp có tên tuổi, quê quán, ông chủ động liên hệ với gia đình thân nhân liệt sĩ để họ có sự lựa chọn nơi an nghỉ, hương khói cho liệt sĩ theo tâm nguyện của gia đình.

Nói đến việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, người lính già lại rưng rưng đôi mắt, thương nhớ khôn nguôi người vợ đã quá cố. "Bà ấy luôn ủng hộ, động viên tôi rất nhiều. Bà thường nói với tôi, mình sống là một may mắn lớn. Anh em bộ đội hy sinh chưa tìm được hài cốt, nằm dưới đất đai lạnh lẽo lắm. Ông cố ráng nhớ những nơi nào đánh, hy sinh và chôn cất để tìm kiếm họ về cho được ấm cúng".

"Bà nó lấy chồng mà có mấy ngày được sống trọn vẹn bên chồng đâu. Khi đứa con gái đầu lòng mới vài tháng tuổi thì tôi đã ra Bắc. Sau này, trở lại chiến trường Quảng Trị, nhiều năm làm nhiệm vụ trinh sát với không ít lần đi ngang qua nhà, thấy vợ con đó, nhưng không thể vào nhà mình vì sợ bị lộ. Hơn 20 năm sau đó, đất nước giải phóng, tôi mới gặp lại được bà ấy".

Khi đó, ông đã 45 tuổi, vợ ông cũng đã 44 tuổi, vì hoàn cảnh chiến tranh trên bom dưới đạn, khiến mái tóc bà mới ngày nào còn xanh dài chấm tới ngang lưng đã điểm bạc đến mấy phần. Hai ông bà sau này hạnh phúc sinh thêm được một người con trai là anh Nguyễn Hữu Thắng. Anh Thắng nay là Phó bí thư Thường trực Thị ủy thị xã Quảng Trị. Ông bảo với tôi cuộc đời được như thế là đã viên mãn lắm rồi!

Còn có một kỷ niệm đẹp khác của vợ chồng người lính ấy, là lúc vợ ông còn sống, vì xã Triệu Long không có chỗ đất đẹp để xây dựng nhà văn hóa thôn Bích La Thượng, hai ông bà đã bàn bạc, vui vẻ hiến tặng 1.000m2 đất nông nghiệp duy nhất của gia đình nằm ngay vị trí mặt tiền đường liên thôn, xã để chính quyền địa phương xây cất công trình trên.

Ngày nay, mỗi khi đến dự họp thôn, xã hay đơn giản chỉ mỗi lần đi ngang qua nhà văn hóa ấy, là bà con nhân dân thôn Bích La Thượng lại nghĩ đến, thầm cảm ơn công lao của ông bà. Vì quê hương đất nước, vì niềm hạnh phúc của người dân mà ông bà đã không lấy bất cứ một thứ gì cho riêng mình!

Nói như ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị: "Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cứu nước, người bộ đội Cụ Hồ quả cảm, kiên trung Nguyễn Hữu Ý đã sống, chiến đấu theo đúng nghĩa của một chiến binh. Thời bình, tư chất ấy không hề phai nhạt trong ông!".

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Công an Quảng Trị dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Hướng tới dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/71947 – 27/7/2025), Công an Quảng Trị tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và Bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn.
2025-07-04 17:37:57

Vũ Phi Hổ vị quan thanh liêm

Trước khi bỏ cấp huyện, thành phố Hạ Long đầu tư 29 tỷ đồng, xây dựng con đường 4 làn xe lòng đường rộng 26m, dài 500m nối đường QL279 với đền thờ “Anh nghị Đại vương” Phó đô Ngự sử, tiến sĩ Vũ Phi Hổ tại xã Lê Lợi.
2025-07-04 10:26:00

Quy định mới về giá bán, thuê mua nhà ở xã hội

Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
2025-07-04 09:19:13

Tổng thống Hoa Kỳ thông báo đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thông báo đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
2025-07-03 18:55:07

Hạ tầng APEC trăm nghìn tỷ đổ bộ, Phú Quốc cất cánh siêu đô thị tương lai

Hàng loạt dự án hạ tầng chiến lược với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đang được triển khai tại Phú Quốc nhằm phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027, tạo cú hích cho Phú Quốc chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành một đô thị biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm tài chính – du lịch mới của khu vực
2025-07-03 14:27:52

Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 tại Hà Nội

Ngày 2/7, tại Hà Nội, RX Tradex Việt Nam tổ chức Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025. Sự kiện mang chủ đề “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam: Ứng dụng Al, Tự động hóa và Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”, đây là hoạt động mở màn cho chuỗi hội thảo chuyên ngành trong khuôn khổ triển lãm quốc tế NEPCON Vietnam 2025 sẽ diễn ra từ ngày 10-12/9/2025 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội.
2025-07-03 10:28:45
Đang tải...