Thương binh Đào Duy Cử: Còn sức là còn tìm đồng đội

2021-03-07 07:46:44 0 Bình luận
Nguyên Tiểu đội phó thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320, Quân khu 8. Chiến tranh kết thúc, ông đi học rồi trở thành cán bộ ngành điện lực, trong lòng luôn trăn trở nỗi niềm: “Là hạt gạo trên sàng, tôi tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Tôi sẽ tiếp tục đi tìm, đưa các anh về quê hương”.

Tự đặt trọng trách lên vai mình

Trận Trung đoàn 320 (Quân khu 8) chiến thắng lẫy lừng, xóa sổ tiểu đoàn 2 (trung đoàn 10, sư đoàn 7 ngụy Sài Gòn vào ngày 11-3-1975 tại cánh đồng xã Hậu Mỹ Nam, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho-nay là Tiền Giang), có công lớn của bộ phận số 2, gồm 13 người do Thiếu tá Đào Trọng Hà, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320 trực tiếp chỉ huy, trong đó có Tiểu đội phó Đào Duy Cử. Bộ phận này làm nhiệm vụ chặn đầu đội hình địch. Bởi vậy, đối phương đã tập trung hỏa lực hòng "mở đường máu", nên khi trận đánh kết thúc, chỉ duy nhất Đào Duy Cử còn sống và tỉnh lại sau những phút bị choáng do sức nổ của đạn cối. Khi đơn vị thu dọn trận địa, nhìn thi thể 12 đồng đội trên chiếc xuồng do các du kích địa phương đưa đi chôn cất, Cử nghẹn ngào: “Kết thúc chiến tranh, nếu Cử còn sống, nhất định sẽ đưa các anh về quê hương!”. Cử càng xót xa vì bộ phận số 2 được tổ chức gấp rút đáp ứng yêu cầu tác chiến nên ngoài tên gọi ra, cả 13 người đều chưa kịp biết thêm về nhân thân của nhau.

Đất nước thống nhất, Đào Duy Cử được đi học rồi công tác trong ngành điện lực. Ngay từ sớm, anh lập chương trình vừa học, vừa công tác, vừa tìm đồng đội. Bắt đầu bằng việc dành dụm từng đồng tiền nhỏ, đồng thời với việc theo dõi tin tức đơn vị cũ, những đổi thay về địa giới, tình hình xã hội ở xã Hậu Mỹ Nam (nơi 12 đồng đội anh hy sinh); xây dựng mạng liên lạc gồm những người dễ có cơ duyên với việc tìm hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó, anh hạn chế tham gia các chuyến du ngoạn chưa cần thiết, nhằm tích lũy cho việc đi tìm đồng đội khi thời cơ đến.

Ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào TP Hà Nội. Hai tuần sau đó, Tập đoàn Tuấn Ân (về thiết bị điện) ở TP Hồ Chí Minh mời giám đốc một số công ty điện lực (CTĐL) ở Hà Nội vào tham quan và du lịch miền Nam. Ông Cử, Giám đốc CTĐL Phú Xuyên; ông Ngọc, Giám đốc CTĐL Ba Vì; ông Thắng, Giám đốc CTĐL Thường Tín... cùng đi chuyến này và một điều ngẫu nhiên đã xảy ra.  

Ông Đào Duy Cử với bạn trẻ yêu lịch sử quân đội.

Sau khi đi thăm chợ nổi Cái Bè trên sông Tiền, đoàn từ TP Mỹ Tho đi thăm Tràm Chim ở Đồng Tháp. Gần tới nơi, ông Thắng mới ngớ ra, đã bỏ quên máy ảnh tại nhà hàng gần chợ nổi. Rất may, ông Ngọc có số điện thoại của một cô nhân viên nhà hàng ấy, nhờ đó mà biết chiếc máy ảnh đang được nhà hàng cất hộ. Trước sự việc ấy, người dẫn đường hiến kế: “Từ Tràm Chim có lối đi tắt về thị trấn Cái Bè khá gần. Vậy bác Ngọc nhờ cô nhân viên gửi máy ảnh về quầy bán vé tham quan chợ nổi ở thị trấn Cái Bè. Ta về đấy nhận mà không phải qua nhà hàng, vẫn bảo đảm thời gian”. 

Rời Tràm Chim lúc chiều tà, đoàn đi theo lối tắt đã định. Được một đoạn, bên đường là trụ sở UBND xã Hậu Mỹ Phú, ông hét lên: “Dừng lại!”, rồi ra khỏi xe, òa khóc như trẻ con. Trấn tĩnh, ông nói với mọi người: “Đây rồi! Đồng đội tôi đã chiến đấu và ngã xuống ở đất này! Hồi ấy thuộc xã Hậu Mỹ Nam, quận Cái Bè, Mỹ Tho, sau đổi thành Hậu Mỹ Phú và xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Tôi đau đáu hơn 30 năm rồi...". Mọi người quây quanh ông Cử, ngập tràn xúc động. Ông Thắng nói to: “Giời xui đất khiến. Từ cái máy ảnh của em đấy!”... Trời tối, không thể ở lại. Đoàn lên xe... Ông Cử tự nhủ: “Phải khẩn trương trở lại đây để tìm đồng đội”.

Trước đó, khi nước nhà vừa thống nhất, ông đã trở lại nơi này và được biết đồng chí xã đội phó xã Hậu Mỹ Nam cùng với du kích chôn cất đồng đội của ông. Từng ngôi mộ có tên liệt sĩ do đội tải thương của đơn vị cung cấp. Nhưng khi quy tập vào nghĩa trang, liệu có vấn đề gì không...

Vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10-2008, Tổng CTĐL Hà Nội tổ chức cho các cựu chiến binh đi du lịch phía Nam. Ông Cử nhẩm lịch trình: Ngày đầu ra Côn Đảo, sau đó về khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), Tòa thánh Tây Ninh, mũi Cà Mau- những địa danh ông hằng mơ ước đến. Song đây cũng là thời cơ để ông tìm hài cốt đồng đội. 

Buổi tối ở Côn Đảo, ông báo cáo trưởng đoàn, xin không đi những nơi còn lại nữa vì có việc riêng. Hôm sau, về đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông về ngay xã Hậu Mỹ Phú, liên hệ với chính quyền địa phương và rất xúc động vì hài cốt đồng đội đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ của xã. Ông đến đó thắp hương rồi vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đánh dấu, ghi danh tính đồng đội trên các phần mộ.

Nghĩa cử cao đẹp, tri ân đồng đội

Đầu tiên phải tìm thân nhân của các liệt sĩ, một việc đầy gian nan. Dễ nhất là với Thiếu tá Đào Trọng Hà, vì ông làm Tiểu đoàn phó, nhiều người biết. Vậy mà tìm quê của ông, phải khảo sát 7 địa danh (theo thứ tự thông tin về những mối quan hệ của ông Hà mà đồng đội cũ còn sống cung cấp) là: Thạch Hà (Hà Tĩnh), Ý Yên (Nam Định), Cao Lãnh (Đồng Tháp), TP Hồ Chí Minh; nhóm địa chỉ trên đất Thanh Hóa gồm: Số 222 phố Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa; huyện Thạch Thành... Cho đến khi gặp được ông Đãi-nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 320 mới có kết quả: Ông Đào Trọng Hà quê xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Suốt gần hai năm trời, ông Cử dành tất cả các ngày nghỉ cuối tuần cho việc tìm thân nhân đồng đội. Ông nhờ đồng nghiệp, kể cả những nhân viên thu tiền điện ở khắp nơi vào cuộc giúp. Riêng tiền để gọi điện thoại cho công việc này cũng lên đến hàng chục triệu đồng.

Năm 2010, ông Cử tổ chức đưa đoàn đại diện của 9 gia đình đồng đội mà ông đã tìm được vào xã Hậu Mỹ Phú nhận mộ người thân. Toàn bộ chi phí cho việc ăn ở trong chuyến đi, ông xin được bảo đảm. Bà con không nghe. Ông thành thực khẩn khoản: “Tôi làm những việc này là làm thay cho những đồng đội của tôi đã khuất!”. Không ai dám cản ông nữa.  

Trở về, ông hướng dẫn từng gia đình làm các thủ tục hành chính rồi tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Được sự quan tâm, tận tình giúp đỡ của chính quyền và nhân dân xã Hậu Mỹ Phú, mọi việc diễn ra rất thuận lợi.

Hằng năm, kỷ niệm ngày “đồng ngũ”, ông Cử đi thăm hỏi, tặng quà thân nhân của các liệt sĩ vốn cùng nhập ngũ với ông. Mỗi năm hai lần, ông đến thăm mẹ ông Hoàng Văn Tương ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà (Hải Dương) và mẹ ông Đào Trọng Hà ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Hai cụ là mẹ liệt sĩ, còn sống mà ông tìm được. Ông đến thăm, biếu các cụ quần áo, thuốc bổ và tiền mặt “cốt để các cụ cảm thấy như có hơi ấm của con trai mình!”.

Lần đầu tiên gặp ông, mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Tương đưa cho ông 40 triệu đồng, nhờ ông vào Nam đưa hài cốt con trai cụ về quê. Ông thưa với cụ rằng: “Đưa anh Tương về quê là việc của con. Tiền ấy, cụ đề bồi dưỡng sức khỏe. Cụ khỏe để còn đón anh Tương...”. 

Tết năm 2010, mẹ của liệt sĩ Đào Trọng Hà vào tuổi 99. Gia đình làm lễ mừng thọ cụ. Ông vào biếu cụ quà. Mồng 4 Tết năm sau, UBND xã Hà Vinh tổ chức mừng cụ đại thọ 100 tuổi. Ông trực tiếp đưa cụ đi dự lễ. Nhìn ông bế cụ lên xe, xuống xe, ai cũng cảm động. Ông thì nghĩ, mình thay đồng đội chăm mẹ già...

Ngày thứ bảy 4-1-2014, nhận cuộc gọi từ em trai liệt sĩ Đào Trọng Hà: “Sáng sớm nay mẹ em nói mẹ nhớ anh lắm!”. Ông Cử tức tốc mua quần áo, khăn, toàn bằng vải nhung, quà bánh, chất đầy ghế sau chiếc xe 4 chỗ ngồi, rồi chạy một mạch vào Hà Vinh. Bà cụ ngồi ngắm ông một lúc rồi giục con trai bắt gà Đông Tảo nhà nuôi để ông mang về cho gia đình ăn Tết. Ai ngờ, đúng một tuần sau, 4 giờ sáng thứ bảy 11-1-2014, ông đang ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp dự cưới con của bạn thân thì nhận được tin cụ tạ thế. Ông bàng hoàng, nắm thêm tình hình rồi thuê xe về sân bay Tân Sơn Nhất, kịp gửi ông Hải (em trai kế của ông Hà) một số tiền, mang về trước để hộ tang cụ. Còn mình thì tìm cách về nhanh nhất...

Biết gia đình CCB Trần Tươi-Thanh Mai ở Long An chồng cụt một chân, vợ mắc bệnh hiểm nghèo, ông vừa mua gửi tặng anh chị cái máy lau sàn nhà. Ông cũng đã vận động cộng đồng cùng với ông làm 3 nhà tình nghĩa tặng 3 gia đình có công ở huyện Phú Xuyên và huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Đã qua tuổi 65 nhưng việc đưa hài cốt của đồng đội ở chiến trường về quê hương vẫn ngày ngày thôi thúc ông Cử. Ông bảo: “Chưa xong việc ấy, tôi không yên lòng”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa gặp mặt doanh nhân và Tọa đàm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2024), tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024) và kỷ niệm 11 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa (13/10/2013 - 13/10/2024), đồng thời nhằm phát huy vai trò của các luật sư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa tổ chức Hội nghị tọa đàm với nội dung “Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.
2024-10-10 19:35:10

Loạt sao trẻ xuất hiện tại Prime’s Night – đêm nhạc “mở màn” VPIM 2024

Prime’s Night là đêm nhạc nằm trong khuôn khổ Lễ khai mạc VPBank Hanoi International Marathon 2024 (VPIM 2024) và cũng là sự kiện kỉ niệm sinh nhật 3 năm VPBank Prime - thương hiệu tài chính dành cho người Việt trẻ dám lựa chọn sự bứt phá để bắt đầu.
2024-10-10 11:50:22

Lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích sẽ bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hành vi lấn đất chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn có mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng với tổ chức.
2024-10-09 19:31:20

Đại thực cảnh "Ngày về chiến thắng"

Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới cho chúng ta những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng – ngày 10/10/1954. Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
2024-10-09 18:05:00

Ngừng miễn phí đường bộ với xe chở hàng cứu trợ

Từ ngày 13/10, các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ sẽ không được miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí.
2024-10-09 11:27:40

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN

Trong chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), sáng 9/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet ăn sáng và làm việc.
2024-10-09 09:48:56
Đang tải...