Tiệm giặt là đặc biệt giữa lòng Hà Nội, nhân viên giao tiếp bằng giấy bút
"Tiệm giặt là của người điếc" nằm ở số 7, thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Tại này, khách hàng và nhân viên sử dụng phương thức giao tiếp chủ yếu qua giấy và bút. Chủ nhân tiệm giặt là chị Lương Thị Kiều Thúy (SN 1991).
Chị bị khiếm thính từ nắm 10 tuổi, tuy nhiên không khuất phục số phận, chị quyết tâm học hành với ước mơ trở thành nhà báo. Học hết cấp 3, chị Thuý thi đỗ trường Cao đẳng truyền hình, bước đầu của ước mơ đã được thực hiện. Thế nhưng, khi hoàn thành chương trình cao đẳng, chị Thuý nhận ra nghề báo không dành cho người khiếm thính.
Từ bỏ ước mơ, Thuý tập trung vào bán hàng online rồi lấy chồng, sinh con. Đến năm 2018, Thúy bắt đầu đi làm photoshop tại một công ty xã hội. Tại đây, chị đã được tiếp cận nhiều dự án về "nghiên cứu việc làm của người điếc".
Kết thúc dự án, chị Thuý biết đến công việc giặt là qua kết nối của một người bạn khuyết tật. Sau khi trải nghiệm công việc trên qua 2 cơ sở giặt là bình dân và cao cấp, chị đã hạ quyết tâm phải xây dựng một mô hình thông minh, tạo cơ hội việc làm cho người điếc và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững.
Đầu năm 2020, chị Thuý tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Trải qua 8 tháng vất vả, vượt qua hàng trăm hồ sơ từ khắp mọi miền Tổ quốc, chị Thúy đã đạt giải "Cánh Én vàng".
Tháng 10/2020, chị Thúy tiếp tục tham gia chương trình Ươm tạo và khởi nghiệp, tạo tác động xã hội do Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức. Với ý tưởng kinh doanh "giặt là sáng", chị đã đạt giải Best Performance. Tháng 12/2020, chị cùng với 2 người bạn sáng lập "Tiệm giặt là của người điếc".
Theo chị Thuý, từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại giặt đến hơn 10 lần, nhiều khách hàng dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp với người Điếc và còn tương tác qua lại, vẫy tay chào các bạn khi ra về. Tiệm giặt là của chị Thuý không chỉ là cơ sở kinh doanh mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho những người Điếc, giúp họ tự tin hơn.
"Hiện tại, mình tập trung 100% cho tiệm giặt nhưng vẫn hoạt động các dự án khác nhau trong cộng đồng để có thể kết nối nhiều hơn. Như Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật là dự án của Hội NKT thành phố Hà Nội. Đây không phải là nghề có thu nhập nhưng mình muốn học để làm vì nếu có nhiều người xin việc ở tiệm giặt nhưng không phù hợp thì mình có thể hướng nghiệp cho họ đến các công việc khác phù hợp hơn. Và các nhân viên của mình cũng được định hướng công việc lâu dài, ổn định cuộc sống tốt hơn", chị Thuý tâm sự.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, chị Thuý bộc bạch, bản thân sẽ nghiên cứu, mở rộng mô hình này để dạy nghề cho người Điếc vì khi có nghề nghiệp, người điếc có thể tự làm chủ cuộc sống hoặc tự phục vụ bản thân mình với nhu cầu xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.