Tin tức kinh tế, tài chính ngày 1/8/2021: Giá vàng vẫn chưa chịu dừng lại
Giá vàng hôm nay 1/8: Đồng loạt dự báo tăng trong tuần tới
Ngày 1/8, giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước có xu hướng ổn định. Cụ thể, giá vàng SJC được niêm yết quanh 56,55 triệu đồng/lượng mua vào, 57,25 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng đứng yên khi được niêm yết mua vào 51,1 triệu đồng/lượng, bán ra 51,7 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng PNJ cũng không thay đổi và đang được niêm yết ở mức 51,3 triệu đồng/lượng mua vào, 52,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo giới kinh doanh, việc giá vàng trong nước ít biến động là điều dễ hiểu khi mà nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp, tiệm vàng tạm đóng cửa hoặc chuyển sang giao dịch trực tuyến nhưng lượng giao dịch cũng không đáng kể so với trước.
So với cuối tuần trước, giá vàng SJC chỉ giảm khoảng 200.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng trang sức, giá vàng PNJ lại tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay tăng 12 USD/ounce so với cuối tuần trước và hiện ở mức 1.814 USD/ounce. Trong tuần, có thời điểm giá vàng thế giới nhảy vọt lên 1.831 USD/ounce nhưng rồi lại giảm ngay sau đó.
Hiện chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế đang ở mức 92,09 điểm, tăng 0,23 điểm so với phiên cuối tuần nhưng vẫn thấp hơn so với tuần trước là 92,88 điểm.
Dù vậy, giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong gần 6 tuần qua và tiếp tục duy trì trên ngưỡng 1.800 USD/ounce giúp giới phân tích lạc quan với xu hướng đi lên của kim loại quý trong tuần tới.
Theo đó, tại cuộc khảo sát về xu hướng giá vàng tuần tới do chuyên trang về vàng Kitco.com thực hiện ở Phố Wall (Mỹ), có 79% ý kiến trong số 14 chuyên gia phân tích thị trường tham gia cho rằng giá vàng sẽ tăng, không ai dự đoán giá vàng giảm và 21% tin ràng giá vàng sẽ đi ngang.
Tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street cũng do Kitco thực hiện, với 862 nhà đầu tư trả lời, trong đó cũng tới 70% người được hỏi cho rằng giá vàng sẽ tăng, chỉ 18% dự đoán giá vàng giảm và số còn lại dự đoán giá vàng sẽ đi ngang.
Theo giới quan sát, giá vàng đang được hưởng lợi khi thông tin mới đây từ lãnh đạo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy cơ quan này chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ, thay đổi lộ trình nâng lãi suất trong bối cảnh kinh tế nước này chưa thật sự khả quan. Điều này rất khả quan đối với vàng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 50,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC gần 7 triệu đồng/lượng.
“Cá mập” chứng khoán là ai mà khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ lao đao?
“Cá bé” thường là những nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ; hay những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường chưa lâu vốn dĩ lưng vốn không nhiều, non kinh nghiệm và cũng không có nhiều kiến thức chuyên môn.
Các vụ việc bị cho là thao túng giá trên thị trường chứng khoán qua các giao dịch vi phạm từng xảy ra và bị xử lý. Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư dù là khối ngoại, khối tự doanh của các công ty chứng khoán hay những nhà đầu tư lớn cá nhân, đều hoạt động giao dịch chứng khoán tuân thủ theo các quy định hiện hành.
“Cá mập” cũng có lúc thua lúc thắng chứ không thể thắng tuyệt đối hay chỉ có thua.
Đơn cử, năm 2020 tính từ tháng 4 khi thị trường chứng khoán với VN-Index hồi phục, khối ngoại được cho là chậm chân, “lỡ tàu” khi liên tục bán ròng rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, bỏ lỡ nhịp hồi phục và khoản lợi nhuận đáng kể vào những tháng tiếp theo sau đó.
Tuy nhiên, tuần cuối tháng 7/2020 khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt bán ra vì thị trường lao dốc do thông tin bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, khối ngoại lại mua ròng hàng nghìn tỉ đồng, và bán chốt lời ngay sau đó 2 tuần với mức lợi nhuận bình quân từ 8-10%.
Tiếp đến, đợt giảm giá mạnh trên thị trường chứng khoán vào tuần cuối tháng 1.2021, chỉ số VN-Index mất tổng cộng hơn 110 điểm tương ứng giảm 9%, “cá mập” xuất hiện để mua vào không chỉ là khối ngoại mà cả các nhà đầu tư lớn trong nước.
“Cá mập” trên thị trường chứng khoán thường ra tay khi thị trường giảm mạnh và giảm sâu vì những nguyên nhân có tính chất đột biến, bất thường khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hứa hẹn cơ hội lợi nhuận tốt hơn một khi thị trường hồi phục.
3 mốc thị trường lao dốc mạnh mẽ nhất trong khoảng 1 năm qua đã thể hiện rõ như một chu kỳ đến hẹn lại lên: Cuối tháng 7.2020 - cuối tháng 1.2021 - đầu tháng 7.2021. Mỗi chu kỳ trong khoảng từ 5-6 tháng lại xuất hiện một đợt điều chỉnh sâu của VN-Index.
Và tại 3 đợt điều chỉnh trên, sự bán tống bán tháo hầu như rơi vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vốn dĩ non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, vốn ít ỏi, không cân bằng được vốn tự có với vốn vay giao dịch thế chấp (margin), tâm lý yếu dễ lao theo bầy đàn cho nên trong các đợt thị trường lao dốc càng đổ xô bán tháo theo bầy đàn.
Nhưng cũng không chỉ có F0 mà không ít những nhà đầu tư F đã ít nhiều có kinh nghiệm, bị sa lầy margin, chính vì vậy, khi bị căng margin không thể tự cân đối được nữa mà phải bán tháo để cân bằng tài khoản. Vấn đề này thể hiện rất rõ trong 2 đợt VN-Index giảm mạnh vào cuối tháng 1 và đầu tháng 7.2021.
Trong các trường hợp/tình huống như vậy, chính các nhà đầu tư F gây khó khăn, thiệt hại cho mình chứ không phải do các nhà đầu tư lớn. “Cá mập” chứng khoán khi ấy lại xuất hiện nhưng ở chiều ngược lại, chính là tâm lý sợ hãi, tham lam bầy đàn của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trong nước. Họ đổ xô mua đuổi khi thị trường tăng điểm, bán tháo khi thị trường giảm mạnh, cho nên mất đi cơ hội lợi nhuận khi thị trường hồi phục.
Bất động sản chờ “sóng” cuối năm
Mặc dù dịch bệnh khiến thị trường bất động sản giảm tốc nhưng có nhiều lạc quan vào những tháng cuối năm.
Hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành cùng nhận định, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 8 thì đầu quý 4 thị trường bắt đầu có tín hiệu hồi phục và giai đoạn cuối năm sẽ trỗi dậy sôi động. Vì sau một thời gian đã bị kìm hãm và nín thở quá lâu, đây là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp đồng loạt chạy đua triển khai các dự án mới hoặc kích hoạt lại các dự án đã bị gián đoạn trong dịch bệnh khiến nguồn cung đa dạng, sôi nổi. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi chính sách và phương thức bán hàng có lợi cho nhà đầu tư để kích cầu sức mua trong giai đoạn cuối năm.
Với người mua, việc tiếp cận được nguồn sản phẩm đa dạng với chính sách thanh toán linh hoạt tối ưu giúp họ có nhiều sự lựa chọn, kích cầu sức mua toàn thị trường. Mặt khác, sau thời gian dự trữ tiền mặt và các kênh đầu tư ngắn hạn, khách hàng sẽ có động thái dồn tiền về kênh đầu tư BĐS để tìm kiếm hướng đi an toàn
Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho hay, 6 tháng đầu 2021 có nhiều biến động, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây khi có Chỉ thị 16 thì lượng giao dịch bị ảnh hưởng. Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc. Theo đó, nếu tháng 8 chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh thì cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, thị trường các tháng cuối năm nhìn chung khó đoán vì phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch Covid. Nếu dịch Covid kéo dài đến tháng 7 trong kế hoạch, thì các nhà đầu tư có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến tháng 8 - tháng 9 là một bài toán lớn, bắt đầu gây khó khăn cho khoảng 30%-40% nhà đầu tư trên thị trường. Lúc đó 4 tháng không có doanh thu, trong đó chi phí và các đợt đóng tiền bất động sản vẫn tiếp tục sẽ gây áp lực rất lớn lên các nhà đầu tư này.
"Khoảng hết quý III, nếu dịch Covid kiểm soát tốt, thì sẽ có một cơn sóng bất động sản nhỏ, nhất là đất nền vùng ven. Cơn sóng nhỏ này được tạo ra sau khi hết dịch khoảng một tháng. Tôi nghĩ nó sẽ rơi vào tầm tháng 10 - 11. Tuy nhiên, đó chỉ là cơn sóng nhỏ về thị trường đất nền thôi. Còn những sản phẩm cao cấp ngay trung tâm thành phố lại gặp một số khó khăn nhất định", ông Quang khẳng định.
Ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam cho rằng, dù thị trường BĐS đang giảm tốc do dịch bệnh, nhưng vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số phân khúc vào các tháng cuối năm. Chẳng hạn, phân khúc đất nền, đây dự báo vẫn là phân khúc khá sôi động. Khi mà quỹ đất "sạch" tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm, đất nền vùng ven (Tp.Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh) tiếp tục giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới từ đợt "sốt" đất vừa qua. Trong khi phân khúc chung cư, thì căn hộ hạng sang tại Tp.HCM đã xác lập mặt bằng giá mới trong tháng 5/2021 với việc một dự án tại quận 1 được chào bán ra thị trường có mức giá dao động từ 10.000 – 18.000usd/m2. Theo đó, cả nguồn cung và sức cầu của thị trường sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Theo vị chuyên gia này, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bất động sản còn chịu tác động bởi sự gia tăng chi phí đầu vào, theo đó, trong ngắn hạn thì giá bất động sản giảm là khả năng khó xảy ra.
Ngoài ra, các tín hiệu đáng trông đợi nhất là phản ứng chống dịch quyết liệt và triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại. Bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc sôi động khi nguồn cung đất khu công nghiệp không còn nhiều. Đồng thời, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều người chọn lựa. Nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với quý trước và tập trung chủ yếu ở thị trường các các tỉnh giáp ranh Tp.HCM và sẽ không có nhiều biến động gồm cả về mặt bằng giá.
Cùng quan điểm, dự báo của Savills cho thấy từ đây đến năm 2024, nguồn cung sẽ phục hồi đáng kể với khoảng 120.000 căn hộ được tung ra thị trường. Thành phố Thủ Đức với tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển chiếm thị phần cao nhất với 44%, tiếp theo là quận 7 chiếm 13% và Nhà Bè chiếm 8%.
Mặc dù vậy, rủi ro của thị trường vẫn còn hiện diện. Dù dịch bệnh thể ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo và bán hàng của các chủ đầu tư, nhưng giá nhà đất tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt tại khu vực ngoại thành có thể vượt quá khả năng của người mua nhà.
Chia sẻ trước đó, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, song luôn đi theo quy luật: Chu kỳ khó khăn sẽ xuất hiện chu kỳ phục hồi. Đặc biệt sau mỗi lần phục hồi, thị trường ngày càng phát triển theo hướng bền vững và sôi động hơn với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư, nhiều phân khúc mới bắt kịp đa dạng nhu cầu của khách hàng. Ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất, chỉ những nhà đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính thì mới ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu biết cân đối tài chính, "liệu cơm gắp mắm" hoặc sử dụng hoàn toàn tiền nhàn rỗi thì rủi ro gần như bằng 0. Qua giai đoạn khó khăn, giá trị BĐS sẽ luôn tăng trưởng theo thời gian.
"Kể cả trong thời điểm BĐS khó khăn nhất, tê liệt một thời gian dài, thị trường vẫn phục hồi và tăng trưởng tốt. Trong khi đó, những ảnh hưởng của dịch bệnh với thị trường BĐS thời gian này chỉ đang dừng ở mức tạm ngưng giao dịch ở một số địa phương. Giá BĐS vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà vẫn đang có xu hướng tăng nhẹ. Do đó, những ảnh hưởng hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường BĐS giờ đây đang như chiếc lò xo bị nén, sẽ bật dậy tăng trưởng mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát", ông Toàn nhấn mạnh.
Sản xuất công nghiệp "chật vật" vì Covid-19
Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 giảm mạnh. Cụ thể, Tp.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Tuy nhiên, vẫn có những địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.
Cụ thể, Bạc Liêu tăng 13,7%; Bình Phước tăng 12,2%; Hậu Giang tăng 10,1%; Kiên Giang tăng 8,8%; Cần Thơ tăng 8,1%; Sóc Trăng tăng 7,6%; An Giang tăng 6%.
Trong khi đó ở miền Bắc, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, nên hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số công nghiệp so với cùng kỳ năm trước của Bắc Giang lần lượt tháng 5 giảm 26,7%, tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%, giảm 8,6% và tăng 1,1%.
Riêng Tp.Hà Nội, chỉ số công nghiệp tháng 7/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước do mới thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021.
Một số địa phương mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước là Bình Dương tăng 7,4%, Cần Thơ tăng 7,2%, Đồng Nai tăng 7,1%, Tiền Giang tăng 3,1%, Long An tăng 3%, Tp.HCM tăng 2,3%, Đồng Tháp tăng 2,1%.
Không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong bất cứ kịch bản dịch Covid-19 nào đang là một trong những mục tiêu lớn nhất của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bảo vệ sản xuất đang được nỗ lực triển khai.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.
Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình.
Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.