Trên vạn dặm kiếm tìm đồng đội

2017-12-01 09:23:10 0 Bình luận
Chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Doanh, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) vào một chiều muộn, khi chủ nhà vừa trở về sau chuyến đi 7 ngày tại tỉnh Gia Lai, để tìm mộ liệt sĩ.

Sinh năm 1950 tại xã Đông Nam (Đông Sơn, Thanh Hóa), đang học lớp 10, Trần Ngọc Doanh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vào Nam chiến đấu, ông có mặt trên nhiều chiến trường Đông, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Quảng Nam-Đà Nẵng và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Ông là thương binh hạng 4/4 với 11 lần bị thương.

Trong 13 năm quân ngũ, ông chứng kiến bao đồng đội ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Có trường hợp ông trực tiếp an táng, có trường hợp ông nghe thông tin, rồi cẩn thận ghi chép lại. Trở về đời thường, khi cuộc sống gia đình tạm ổn định, năm 1990, ông bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội. Gần 30 năm qua, ông miệt mài thu thập, xác minh các nguồn thông tin để thông báo cho gia đình các liệt sĩ; rong ruổi nhiều vùng miền đất nước, sát cánh cùng các Đội quy tập mộ liệt sĩ của Quân đoàn 3, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, sang cả Lào, Campuchia để thực hiện tâm nguyện này.


Cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh bên sơ đồ tìm hài cốt liệt sĩ. 

Mỗi chuyến đi luôn đọng lại trong ông nhiều kỷ niệm. Trong đó, ông nhớ nhất là lần đi tìm hài cốt Anh hùng liệt sĩ Ngô Xuân Thu, Đại đội 2, Tiểu đoàn Công binh Hải Vân. Tháng 11-1971, được giao nhiệm vụ tham gia đánh đoàn tàu của địch tại Thừa Thiên-Huế, không may bị lộ, Ngô Xuân Thu ra ám hiệu cho đồng đội rút lui, còn mình ôm khối thuốc nổ hơn 7kg lao vào đánh phá, làm lật đoàn tàu địch và anh dũng hy sinh. Năm 1976, liệt sĩ Ngô Xuân Thu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 

Qua các nguồn tin, CCB Trần Ngọc Doanh cùng Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn Công binh Hải Vân nhiều lần đến khu vực xảy ra trận đánh năm xưa để tìm kiếm hài cốt của Anh hùng liệt sĩ Ngô Xuân Thu nhưng chưa có kết quả. Tháng 3-2016, tiếp tục xác minh, ông Doanh tình cờ được một người dân có tên là Tứ, quê ở Duy Xuyên (Quảng Nam), hiện ở tại Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), trước từng đi lính ngụy và được giao quản lý đoạn đường sắt nơi Ngô Xuân Thu đánh trận và hy sinh. Ngày ấy, chính người đàn ông này đã vận động nhân dân chôn cất liệt sĩ. Ngôi mộ liệt sĩ Ngô Xuân Thu hiện ở trong vườn nhà ông Tứ và được hương khói thường xuyên. Xác định được vị trí chôn cất, ông Doanh cùng Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn Công binh Hải Vân và Hội CCB huyện Phú Lộc liên hệ với gia đình, tổ chức cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà (xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

 

Năm 2006, cô Mai Thị Diên, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trên đường tìm hài cốt của cha là Mai Công Mùi, Đại đội trưởng Đại đội 2 (Trung đoàn 31, Sư đoàn 2), hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, tìm đến nhà ông Doanh vì nghe tin ông thường giúp những gia đình đi tìm mộ. Dữ liệu ban đầu về cha mà cô Diên nắm được rất ít: Hy sinh tại vùng núi Quảng Nam. Dù vậy, CCB Trần Ngọc Doanh vẫn sẵn lòng cùng cô Diên đi xe máy vào Quảng Nam, tìm đến những nơi Sư đoàn 2 từng chiến đấu. Tại xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam), được biết có ông Năm giữ bò là người trước đây trực tiếp chôn liệt sĩ ở khu vực này. Tìm đến nhà ông Năm, mới biết liệt sĩ Mai Công Mùi được an táng gần gốc cây xoài, sau này, xã di dời mộ vào nghĩa trang. May mắn là ông Năm theo sát sự kiện trên nên biết đích xác vị trí ngôi mộ. Dù trên mặt bia không ghi tên nhưng khi đào lên, bên hài cốt còn nguyên khẩu súng ngắn và 3 viên đạn cùng tên tuổi của liệt sĩ...

 

Tháng 4-1972, chiến sĩ Trịnh Quang Vinh, Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đánh phá cầu Thủy Tú (Đà Nẵng). Khi Trịnh Quang Vinh ôm thuốc nổ qua sông thì bị địch phát hiện, bắn xối xả xuống lòng sông, pháo cũng nã dồn dập. Vinh trúng mảnh đạn pháo, hy sinh, được nhân dân an táng ở Cồn Dâu (thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc ngày nay). Khi biết chính xác nơi đồng đội yên nghỉ, năm 1990, CCB Trần Ngọc Doanh viết thư thông báo về địa phương. Chị Nguyễn Thị Sinh (vợ của liệt sĩ Trịnh Quang Vinh) đã vào Đà Nẵng, cùng ông Doanh và các đồng đội năm xưa của chồng khai quật mộ liệt sĩ. Khi tận mắt thấy hài cốt của chồng, chị bật khóc nức nở.

 

Bền bỉ với hành trình tìm đồng đội, vừa qua, CCB Trần Ngọc Doanh được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2005-2015. Hiện nay, dù đã ở ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng ông luôn đau đáu: “Tôi mong sẽ đủ sức khỏe để tiếp tục kiếm tìm những đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa, đưa các anh về an nghỉ trên quê hương. Khi nào còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục cuộc hành trình”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dấu ấn chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
2024-05-07 14:41:26

Hình ảnh cuộc diễu binh sống dậy ký ức 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên với cuộc diễu binh khí thế ngút trời.
2024-05-07 11:42:59

Video cuộc diễu binh trên đường phố Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra sáng ngày 7/5/2024 là hoạt động chính trị vô cùng quan trọng nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
2024-05-07 11:36:26

Người dân đội mưa chen kín quanh SVĐ dự Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, hàng nghìn người dân đứng dưới mưa để chứng kiến lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cơn mưa nặng hạt không làm ảnh hưởng nhuệ khí ngút trời của lực lượng diễu binh cũng như người dân Điện Biên và du khách.
2024-05-07 09:43:23

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
2024-05-07 08:48:42

Ông cụ 75 tuổi lên Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên thăm bố dịp Kỷ niệm 70 năm

Những ngày này, Đồi A1 lịch sử ở phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt có tính quyết định chiến dịch Điện Biên Phủ, hoa phượng đỏ thắm như máu của hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống.
2024-05-07 06:05:00
Đang tải...