Tướng Giáp - Ngọn núi lửa phủ đầy tuyết

2016-05-10 15:35:49 0 Bình luận
Ở tuổi 92, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trông khá nhỏ bé trong bộ quân phục màu kem. Nhưng ông vẫn là “ngọn núi lửa phủ đầy tuyết” cái tên mà những người Pháp từng bị quân đội của ông đánh bại cách đây 50 đặt cho ông - con người có thể gây bùng nổ với vẻ ngoài trầm tĩnh.
Trong một buổi tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài tại Hà Nội, vị tướng đã nghỉ hưu nói đùa, hồi tưởng và diễn thuyết như một ông thày nghiêm khắc. Ông không đề cập đến biệt danh mà người Pháp đặt cho ông mà chỉ nói đến cái tên Việt của ông.
 
“Biệt danh của tôi là Văn, có nghĩa là “văn học”. Tôi từng là nhà báo và nhà sử học”, ông nói trước khi tiếp tục bài học lịch sử về chiến thắng mà ông cho là lớn nhất trong đời.
 
Buổi gặp gỡ kéo dài 2 tiếng đồng hồ đó diễn ra tại thời điểm Việt Nam kỷ niệm 29 năm kết thúc chiến tranh chống Mỹ và chỉ ít ngày trước lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nên tên tuổi ông khi các binh sĩ Việt Nam dưới sự chỉ huy của ông đã đánh bại quân Pháp và chấm dứt sự thống trị của họ ở Đông Dương.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Pháp tìm cách tạo dựng điểm neo đậu chiến lược ở miền bắc Việt Nam, cắt đường tiếp viện của Việt Minh và lừa họ vào trận chiến trong thung lũng được củng cố vững chắc. Nhưng thay vào đó, sau chiến dịch kéo dài 56 ngày, quân đội Pháp đã phải giương cờ trắng trước các binh sĩ của ông Giáp vào ngày 7/5/1954.
 
Cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu quân sự khác, ông Giáp cho rằng chiến thắng đó mang tầm quốc tế.
 
“Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam mà là của nhân loại trên toàn thế giới. Chủ nghĩa thực dân cũ theo như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh là vết nhơ đối với nhân loại”, ông nói với các phóng viên. Một lực lượng được trang bị rất thô sơ nhưng đầy quyết tâm đã làm những kẻ đô hộ bẽ mặt. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã vang dội trong thế giới những người dân bị đô hộ.
 
“Trong những thập kỷ sau đó, nhiều nước đã đứng lên giành độc lập và năm 1960, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết trao quyền độc lập cho các nước thuộc địa”, ông Giáp nói.
 
Ông bắt đầu sự nghiệp cách mạng khi mới là một học sinh 13 tuổi và bố mẹ ông là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông đã đọc những bài viết của Hồ Chí Minh, khi đó được gọi là Nguyễn Ái Quốc, và bị đuổi khỏi trường vì những hoạt động phản đối Pháp. Sau đó, ông phải trải qua một thời gian nằm trong nhà tù của Pháp, rồi học luật và trở thành giáo viên. Ông đã dạy học sinh những câu chuyện về những nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam.
 
Ông không lên kế hoạch để trở thành một vị tướng. Khi gặp Hồ Chí Minh năm 1940 tại Trung Quốc, Hồ Chủ tịch đề nghị ông học quân sự nhưng ông phản đối và nói rằng vũ khí của ông là ngòi bút chứ không phải gươm. Sau đó, Hồ Chí Minh đưa ông trở lại Việt Nam với chỉ thị thành lập quân đội.
 
Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội của ông đã được tôi luyện trong các trận đánh du kích nhưng họ có rất ít kinh nghiệm trong tấn công trực diện. Điều đó khiến ông lo lắng.



 
Ông cho biết đã trải qua những ngày mất ngủ và đau đầu kinh khủng như thế nào khi tính toán thời điểm tấn công. Cuối cùng, ông bác bỏ ý kiến của các cố vấn Trung Quốc và quyết định chọn cách cắt đường tiếp viện của Pháp, lấn vào lãnh thổ của địch và đánh vào chỗ yếu nhất.
 
Pháp thật kiêu căng khi cho rằng họ có thể lừa Việt Minh vào bẫy. Trên thực tế, chính họ bị bao vây bởi những khẩu pháo được những du kích Việt Minh đầy quyết tâm kéo lên những vị trí chiến lược trên các quả đồi quanh thung lũng.
 
“Một khi đã ở trong các đường hào, các bạn có thể tấn công họ cả ngày lẫn đêm, vây hãm và thọc sâu vào căn cứ của họ”, ông nói.
 
Quân Pháp đã mắc kẹt. Máy bay của họ không thể hạ cánh và khi thả đồ tiếp viện, một số lại rơi vào khu vực do Việt Minh kiểm soát.
 
Các binh sĩ lê dương từ các nước thuộc địa ở Bắc Phi và những người Việt theo Pháp chiếm tới 70% số lính của Pháp tại Điện Biên Phủ. Sĩ quan chỉ huy là đại tá Christian de Castries. Ông này đã đặt tên 3 căn cứ pháo binh theo tên các người tình của ông. Có lẽ de Castries nên chọn những phụ nữ có sức kháng cự lớn hơn bởi Beatrice, Gabrielle và Isabelle cuối cùng đều rơi vào tay Việt Minh.
 
Ông Giáp đã có một chiến lược mà ông vẫn áp dụng để chống Mỹ trong những năm sau đó. Gần 10 nghìn quân của ông đã chết để giành chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng khi đó, cũng như hiện nay, ông coi đó là những mất mát mang tính lịch sử chứ không phải những hy sinh mang tính cá nhân.



 
“Chúng tôi thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất độc lập. Không có gì quý hơn độc lập và tự do”, ông nói và nhớ lại triết lý mà ông áp dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc tấn công Tết Mậu Thân và trong cả đời binh nghiệp của ông.
 
"Việt Nam từng là đất nước bị buộc làm nô lệ. Chúng tôi đã có vùng giải phóng ở trong rừng và sau lưng kẻ địch. Đất nước Việt Nam hiện đại thì khác rất nhiều. Giờ đây chúng tôi có độc lập, người dân đang xây dựng cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng”, ông nói.
 
Người đàn ông có mái đầu bạc trắng này là người cuối cùng cùng thời với Hồ Chí Minh, những người kiến tạo độc lập, đánh đuổi quân Mỹ và thống nhất đất nước. Ở tuổi 92, ông vẫn đủ minh mẫn để nói về tổng thu nhập quốc dân trên đầu người (GDP) và đặt câu hỏi tại sao đất nước chưa làm được tốt hơn.
 
Ông cũng đủ minh mẫn để không đưa ra những lời chỉ trích về chiến dịch quân sự của liên quân do Mỹ cầm đầu tại Iraq cho dù một số phóng viên yêu cầu. Tuy nhiên, ông đưa ra lời khuyên tổng quát mà kẻ thù cũ của ông có thể không thấy thoải mái.
 
“Mọi âm mưu nhằm phá hoại quyền lợi và chủ quyền của dân tộc khác sẽ bị đánh bại”, ông Giáp nói.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đại hội MTTQ thành phố Hạ Long: Đoàn kết, kỷ cương, dân chủ, đổi mới, phát triển

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hạ Long lần thứ XX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức trong 2 ngày 19 và 20/4 đã thành công tốt đẹp. Đây là đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh với khát vọng: Xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
2024-04-20 19:27:03

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00
Đang tải...