Tưởng niệm tù binh bị sát hại tại Trại giam Phú Quốc ngày 6/5/1972
Bà Hoàng Thị Khánh – Trưởng Ban liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP Hồ Chí Minh tham dự cùng Phó Trưởng ban Dân tộc TP Hồ Chí Minh Tăng Phước Lộc; Trưởng ban liên lạc Cựu tù binh Phân khu B8 Phú Quốc Nguyễn Minh Hoàng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 Lê Tấn Tài... Cùng tham dự có các đoàn viên, thanh niên địa phương, gần 100 cựu tù binh trại giam Phú Quốc (Kiên Giang).
Nhiều Cựu tù binh mặt dù tuổi cao, sức yếu nhưng ai cũng nhớ như in những năm tháng khốc liệt khi bị địch bắt, tra tấn dã mang tại trại giam Phú Quốc, nơi được gọi với cái tên "Địa ngục trần gian".
Hoạt động tưởng niệm và tọa đàm tổ chức nhằm ôn lại những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ, tự hào của quân và dân ta, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường của dân tộc với thế hệ trẻ ngày nay, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn quận đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về những năm tháng khó khăn nhưng dũng cảm, bất khuất của các thế hệ cha ông của những chiến sĩ tù binh cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Phú Quốc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Lê Tấn Tài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 phát biểu.
Ông Lê Tấn Tài nhấn mạnh, việc tổ chức lễ tưởng niệm là dịp để bày tỏ tình cảm yêu thương, cùng tri ân tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ tù binh cách mạng. Đồng thời cũng mong cho đất nước hòa bình và quan trọng hơn là có những hành động thiết thực để hàn gắn những vết thương năm xưa, xây đắp cuộc sống để mọi người đều được sống trong yên vui, hạnh phúc.
Tại buổi tưởng niệm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 bày tỏ lòng biết ơn các cựu tù binh Phú Quốc đã hy sinh. Nhiều cựu tù binh đã mất đi một phần thân thể của mình nơi chiến trường, thậm chí có nhiều chiến sĩ cách mạng mãi đến hôm nay vẫn mang trong mình di chứng của chiến tranh đang hành hạ bởi những đòn roi tra tấn, đánh đập dã man của kẻ thù, trong đó có nơi gọi là “địa ngục trần gian”...
Tại tọa đàm “Tù binh Phú Quốc – Bất khuất, kiên cường và sống cuộc đời đáng sống”, các đại biểu đã cùng trao đổi nhắc nhở về giai đoạn đấu tranh hào hùng của cựu tù binh Phú Quốc, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn những gian khổ của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, những thủ đoạn tàn ác, dã man của kẻ thù; với tinh thần hòa hợp nhưng không quên quá khứ bi hùng để có hôm nay, biết giữ gìn sự quý giá của hòa bình hôm nay.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban liên lạc Cựu tù binh Phân khu B8 Phú Quốc chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Nguyễn Minh Hoàng bồi hồi cho biết: “Ban liên lạc tù binh chống Mỹ Việt Nam và Ban liên lạc tù binh chống Mỹ Phân khu B8 đã tổ chức lễ tưởng niệm tù binh bị địch sát hại tại Trại giam Phú Quốc hàng năm vào ngày 6/5. Bên cạnh đó, 30 năm qua, Ban Liên lạc tù binh phân khu B8 đã vận động quyên góp tiền của, công sức của cựu tù binh phân khu B8 để hỗ trợ vốn cho anh em còn khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa cho các đồng chí không có nhà ở, đã xây dựng được 27 căn nhà tình nghĩa ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Thuận, Sóc Trăng...”.
Ông Huỳnh Văn Minh - Người tù binh Phú Quốc số hiệu 313 – 9517, ông bị địch bắt giam khi mới 20 tuổi.
Suốt gần 50 năm, qua nhiều cương vị lãnh đạo từ cấp quận, huyện đến thành phố, ông luôn tâm huyết giữ “Tín - Tâm - Tầm”. Ông luôn cố gắng cùng cộng đồng làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động xây nhà tình nghĩa cho cựu tù binh Phú Quốc Phân khu B8 gặp khó khăn.Cựu tù binh Huỳnh Văn Minh nhắm nhủ với thế hệ trẻ 3 bài học do chính bản thân mình đúc kết được gồm: (1) Lập trường phải kiên định vững vàng, luôn có niềm tin tuyệt đối vào Tổ quốc; (2) Tinh thần đoàn kết là cực kỳ quý báu; (3) Cần liên tục rèn luyện sức chịu đựng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Ông Nguyễn Minh Hoàng trao tặng quyển sách "Trại giam tù binh Phú Quốc, thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược", do Ban liên lạc tù binh Việt Nam biên soạn đến đại diện thế hệ trẻ Quận 5.
Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc là trại giam tù binh có quy mô lớn nhất ở miền Nam Việt Nam, có 12 khu, chia làm 44 phân khu giam. Trong thời gian 7 năm, từ 1967 - 1973: số lượng tù binh bị giam đông nhất hơn 40.000 người; trong đó hơn 4.000 tù binh bị giết hại. Tù binh chống Mỹ bị địch giam cầm ở đảo Phú Quốc từ năm 1967 - 1973, thời gian 7 năm, chúng dùng đủ mọi hình thức tra tấn, sát hại hơn 4.000 tù binh.
Ngày 6/5/1972, trong vài phút đồng hồ, địch đàn áp đẫm máu tù binh Phân khu B8 - Phú Quốc, bắn đạn nhọn vào trại giam. Đa số tù binh của cả nước góp ý kiến Ban liên lạc tù binh chống Mỹ nên lấy ngày 6/5 hàng năm làm lễ tưởng niệm chung cho tù binh Phú Quốc và cả nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.