Việt Nam dưới khuôn hình của "quý ông Hà Nội"

2016-10-02 10:10:28 0 Bình luận
Với chiếc máy ảnh trong tay, Jon Sanwell đã đi khắp Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á để ghi lại những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống. Những bức ảnh của tay máy người Anh phần nhiều là những mưu sinh rất đỗi bình thường của con người mà anh bắt gặp trên đường phố, nhưng bằng một cách nào đó đã khiến anh rất rung động.

Việt Nam dưới khuôn hình của 'quý ông Hà Nội'

Bỏ việc để đến Hà Nội sống

Qua một người bạn, tôi biết đến Jon Sanwell. Hẹn anh ở một quán cà phê nhỏ trên phố cổ, chờ khoảng 5 phút đã thấy Jon Sanwell đi xe máy đỗ xịch trước cổng. Vào quán, anh thản nhiên gọi một cốc đen đá, cứ như một “thổ dân” chính gốc của đất Hà Nội. Dường như đọc được suy nghĩ của người đối diện, Jon Sanwell cười và bảo mình đã quen với vị đắng của cà phê Việt. Với anh, thứ đồ uống này còn ngon hơn thứ trà nức tiếng tại nước Anh - xứ sở sương mù xa xôi, quê hương của Jon, nơi có văn hóa trà nổi tiếng thế giới.

Lần đầu tiên nhiếp ảnh gia 43 tuổi gặp gỡ Việt Nam là năm 2004, khi anh bắt đầu “phượt” từ Bắc vào Nam cùng với một nhóm bạn. Chuyến đi kéo dài 14 ngày nhẽ ra cũng chỉ là một hành trình nhỏ như bao người đã từng thực hiện trong đời, nhưng với Jon, chặng phiêu lưu ấy cuối cùng đã cột chặt anh với Việt Nam. Jon quyết định bỏ công việc buồn tẻ là nghiên cứu thị trường chứng khoán ở Thủ đô London để đến một đất nước cách hàng nghìn cây số để làm việc. Rời xa chốn văn phòng, anh bắt đầu cuộc sống mới bằng một công việc hết sức mới mẻ - trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Số phận tình cờ đưa đẩy, cơn gió phương Tây đưa anh đến phương Đông, bản thân Jon cũng không thể nghĩ rằng bản thân mình sẽ gắn bó với miền đất này lâu đến vậy. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ ở Việt Nam 1 năm thôi, nhưng cuối cùng ngoảnh đi ngoảnh lại đã 8 năm rồi. Bây giờ Việt Nam giống như nhà tôi vậy”, Jon Sanwell tâm sự.

Gần 3.000 ngày sống và làm việc trên dải đất hình chữ S, di chuyển đến nhiều vùng miền, thậm chí là nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, nhưng Hà Nội vẫn là nơi khiến anh muốn quay trở về nhất. Jon Sanwell kể, anh từng có khoảng 1 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM vì nhiều lý do cá nhân, nhưng rồi đến cuối năm 2011, anh lại về với Thủ đô, nơi anh đã gắn bó trong khoảng 2 năm đầu tiên khi đến với Việt Nam.

Đây là sự thay đổi lớn đối với Jon, vì khi anh quyết định như vậy, những bạn bè quen biết anh ở trong TP.HCM tỏ ra rất ngạc nhiên, họ còn nghĩ anh “có vấn đề” vì cứ khăng khăng đòi quay về. Nếu hỏi Hà Nội có điều gì đáng lưu luyến đến thế, Jon không thể nói được một đáp án cụ thể. Với anh, Hà Nội đơn giản là nơi mà khi đến con người ta có thể cảm nhận được nhịp sống. Ai đó có thể thích hoặc không thích cách mà mọi hoạt động đều được “bày” ra trên đường phố, từ ăn uống, hàng quán, cho đến ti tỉ thứ khác, nhưng với Jon, đây là điểm khiến cho Hà Nội không để mình bị lẫn với bất kỳ nơi đâu trên hành tinh này. Thay vì ẩn mình, anh hào hứng tham gia vào bất cứ hoạt động xã hội nào của cuộc sống này.

Từ thử đi xe máy giữa đường phố đông như kiến, ngồi hàng giờ uống bia hơi tán gẫu trong khu phố cổ hay ngồi điềm nhiên trên vỉa hè thưởng thức món xôi buổi sáng… Bởi thế nên dù vẫn còn độc thân, dường như Jon Sanwell vẫn rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Nói như Jon thì anh đã tự coi mình là một “quý ông Hà Nội” chứ không phải là một ông “Tây ba-lô” nào đó.

Việt Nam dưới khuôn hình của 'quý ông Hà Nội'
Những bức ảnh của Jon Sanwell tràn ngập hơi thở cuộc sống

Góc nhìn về cuộc sống đương đại

Bắt đầu bằng một sự ngẫu nhiên khi Jon nhận được một chiếc máy ảnh vào năm 2008. Cứ mỗi buổi chiều sau giờ dạy học, anh lại rong ruổi trên chiếc xe máy lê la khắp phố xá Hà thành để mắt thấy, tay bấm ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống và đặc biệt là gương mặt của những người dân phố thị. Cũng bởi vì quá say mê “săn ảnh”, Jon cũng gặp những câu chuyện dở khóc dở cười.

“Khi tôi cầm chiếc máy trên tay tiến đến gần, có một cụ già đã lập tức xua tay: Không! Không! Chắc là họ ngại, hoặc nghĩ tôi có ý đồ gì đó. Trông tôi cũng khá cao lớn nữa. Thế là tôi quyết định ngồi xuống bắt chuyện với bà. Tôi thì không thạo tiếng Việt, bà ấy thì không biết tiếng Anh, thế nhưng bằng cách nào đó chúng tôi vẫn hiểu nhau. Thế là sau khi làm thân xong thì bà vui vẻ cho tôi chụp ảnh. Mỗi lần như vậy, tôi thấy rất vui”, Jon chia sẻ.

Theo Jon Sanwell thì bí quyết để tiếp cận một đối tượng nào đó là nụ cười, sự tự tin, nhưng đừng tỏ ra kiêu ngạo. Sẽ có người rất thân thiện với ống kính, thậm chí đề nghị được chụp thêm, nhưng không ít người từ chối thẳng thừng, thậm chí là… xua đuổi khi nhiếp ảnh gia “bén mảng” đến gần. Nhưng với Jon, thì anh có nguyên tắc là tiếp nhận sự khước từ với một thái độ lạc quan và rộng mở. Nếu thất bại, anh sẽ tiếp tục tìm kiếm những người khác chứ không để mình nhụt chí.

Không chỉ ở riêng Thủ đô Hà Nội, ống kính của Jon Sanwell đã đi khắp các nước Đông Nam Á, để ghi lại những bức ảnh đường phố, từ Hà Nội, TP.HCM đến Phnom Penh, Bangkok, Yangon… Điều đáng nói, nhân vật trong những bức ảnh của Jon chỉ là những người lao động bình dân, như người thợ cắt tóc hay người bán báo, buôn bán phế liệu… Đằng sau mỗi bức ảnh là niềm vui, đôi khi cũng là những nỗi niềm, sự khổ nhọc của những con người không tên đang ngày ngày vật lộn mưu sinh giữa dòng đời hối hả.

Bằng sự nhạy cảm của mình, Jon đã tóm lấy những khoảnh khắc đôi khi là đồng điệu, đôi khi là trái ngược rồi đặt chúng cạnh nhau nhằm kể câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc sống. Chẳng hạn như tấm ảnh chụp một người thợ trẻ tuổi tại thành phố Yangon, Thủ đô cũ của Myanmar. Tấm ảnh được chụp tại lối vào của một kho than, khi người thợ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Mặc dù không có lời bình nào nhưng ánh mắt và những vệt than lấm lem trên người đã nói hộ nỗi cực nhọc của người thợ.

Đối nghịch với anh này là hình ảnh một người đàn ông có lẽ là chủ của một cửa hàng thiết bị điện gia dụng chật hẹp ở một khu chợ tại Hà Nội, kinh doanh đủ loại ốc vít, cờ lê, thước cuộn… Có vẻ như khá hài lòng sau một ngày “buôn may bán đắt”, người đàn ông này nở một nụ cười nhẹ nhõm. Đó là hai trong số rất nhiều dáng vẻ được Jon ghi lại trong những bức ảnh của mình, bộc lộ góc nhìn nhạy bén của một nhiếp ảnh gia nước ngoài với sự thay đổi của đời sống đô thị đương đại ở Đông Nam Á. Từ việc chỉ theo đuổi nhiếp ảnh như một sở thích, Jon đã xuất bản 2 cuốn sách ảnh về Việt Nam và Đông Nam Á, đó là “Portraits of Vietnam” và “Downriver”. Ảnh của anh đã xuất hiện trên nhiều trang mạng, tạp chí như Fressly Pressed, Inspired Eye…

Jon nói rằng, nếu như London - nơi anh sinh ra và lớn lên giống như chữ “H” - tức là ngôi nhà lớn thì Hà Nội chính là chữ “h” - tức là ngôi nhà nhỏ, mái ấm thứ hai của anh. Jon nói, điều khiến anh hãnh diện nhất trong cuộc “hôn nhân” với Việt Nam không phải lợi lộc hay kiếm được danh tiếng từ việc chụp ảnh, mà là chỉ có ở đây, anh mới theo đuổi những gì mình thích và cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống. Và với mối nhân duyên chưa có dấu hiệu “tan vỡ” này, Jon bày tỏ, anh sẽ theo đuổi những dự án về nhiếp ảnh để góp phần giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam - ngôi nhà thứ hai của anh đến với thế giới bằng những khuôn hình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Hải Phòng trưng bày tư liệu ‘Cát Bi - Điện Biên Phủ: bản hùng ca chiến thắng’

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày tư liệu chuyên đề “Cát Bi rực lửa - Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng”.
2024-05-03 08:34:17

Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Không chỉ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc giờ đây còn giúp đỡ được nhiều người khuyết tật khác.
2024-05-03 06:30:00

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22
Đang tải...