Xuất hiện hai trạm trộn bê tông “lạ” ở thị trấn Sa Pa
Do trạm trộn đặt trên cao nên hàng ngày bụi xi măng trộn cứ thế bốc lên. Nước thải thì không có chỗ thoát nên cứ chảy lênh láng ra đường QL 4D, chảy xuống đất gây ô nhiễm môi trường. Còn chính quyền địa phương thì... “bất lực”. Hậu quả, thị trấn du lịch này bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Xây dựng số 7 - Vinaconex 7.
“Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên quan sát thấy có nhiều điểm khuất tất tại khu vực xây trạm trộn bê tông này. Trao đổi với người nhà của ông T., người có mảnh đất rộng lớn ở ngay km 3, tổ 12, thị trấn Sapa, đoạn gần mỏ đá, phóng viên được biết: Trước đó, mảnh đất này được gia đình cho đổ đất thải từ việc xây dựng trường học. Nhà thầu khu trường học dân tộc nội trú đã đổ thải xuống sườn đồi này, lấp băng đi một khu rộng lớn. Đến bây giờ, gia đình này lại tiếp tục cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 7 - Vinaconex 7, có địa chỉ tại tầng 18, tòa nhà Vinaconex 9, HH2-2, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội thuê. Tại hiện trường, một trạm trộn bê tông công suất lớn được dựng lên. Xe chở đá từ mỏ đá gần đó chạy rầm rập đến tập kết để trộn bê tông tươi mang bán cho một số công trình gần đó.
Bê tông vương vãi khắp mặt đất, bụi bay mù mịt. Không có chỗ thoát nước thải.
Hàng đống bê tông vón cục đổ xuống đây, không được dọn sạch sẽ.
Nhân viên trạm trộn cho số điện thoại để liên hệ với người đại diện, sau khi liên lạc, người đại diện từ chối trả lời.
Liên hệ với người đại diện công ty tại đây, vị này cho biết: Mình chỉ là người trông coi, còn thủ tục giấy tờ gì thì không nắm được, chỉ làm theo “lệnh” của “sếp” dưới Hà Nội, có gì sẽ liên hệ lại. Sau đó, cả tuần chờ đợi thông tin từ người đại diện này cũng không được, không thấy hồi âm. Và hàng ngày, hàng trăm khối bê tông sản xuất ra, nước thải và khói bụi vẫn tràn ngập, lênh láng...
Hiện trạng Công ty Bê tông Sa Pa.
Tiếp sang một trạm trộn bê tông khác, đó là của Công ty CP Bê tông Sapa, do ông Nguyễn Duy Thực làm đại diện. Cũng đóng trên địa bàn tổ 12, thị trấn Sapa, một trạm trộn bê tông nữa được dựng lên ở đây. Quan sát tại đây, phóng viên thấy hệ thống cống rãnh bị xâm hại nghiêm trọng, bùn đất trạt xuống rãnh thoát nước của đường Quốc lộ 4D. Ô nhiễm môi trường nặng. Hỏi về trách nhiệm, một nhân viên kế toán ra cho biết: Hiện tại doanh nghiệp mới hoạt động được mấy tháng nay, còn “ông chủ” đi vắng, có gì thông tin lại sau. Nhưng kể từ đó, cũng không thấy doanh nghiệp này cung cấp thông tin.
Ai đảm bảo an toàn từ trạm trộn này.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Việc các doanh nghiệp sản xuất phải tuân theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng. Việc dựng các trạm bê tông phải được sự cấp phép của cơ quan chức năng, phải có báo cáo, đánh giá tác động môi trường, phải chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng địa phương theo từng lĩnh vực. Đặc biệt khâu xử lý chất thải. Một trạm trộn bê tông, nó là một nhà máy bê tông thu nhỏ, hoạt động của anh phải đảm bảo các yếu tố. Đằng này, nước thải thì chảy xuống... đất, nước rửa máy móc, ô nhiễm khói bụi... đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy trách nhiệm, vai trò quản lý môi trường của địa phương ở đâu? Bởi vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm.
Hệ thống cống rãnh của QL 4D đã bị xâm hại.
Còn về phía người dân địa phương thì vô cùng bức xúc, chị Phạm Thị Ngọc Ánh (quê Nam Định), một hộ dân sinh sống cách đấy chứng mấy trăm mét cho biết: Khoảng hơn chục ngày nay, dân chúng tôi sinh sống quá khổ. Hàng ngày xe chở bê tông tươi chạy như “ma” đuổi qua đây. Vừa đi, xe này vừa chảy nước lênh láng. Tuyến đường QL 4D phút chốc lại oằn mình thêm bởi nạn xe bê tông.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.