Yên Khánh, Ninh Bình: Công trình Nhà nước có dấu hiệu bị rút ruột vẫn đang được thi công? (kỳ 2)
Dự án Xử lý đột xuất đắp nâng cao đê tả sông Vạc khu phố Nam Giang và sạt lở cống Bách trên đê hữu sông Mới thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Trung ương nhằm khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn từ ngày 10 đến ngày 14/10/2017 (tại Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 02/03/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình). Theo thiết kế, vị trí đê tả sông Vạc từ K14+750m, chiều dài L=545m; chiều rộng mặt đê Bn=5,0m; cao trình đỉnh (+3,00)m; mái dốc phía sông, phía đồng m=2,0; đắp thân đê K=0,95; gia cố mặt đê kết hợp giao thông chiều rộng gia cố Bgc =3,5m bằng lớp cấp phối đá dăm loại dày 20cm; lớp tiếp giáp móng dầm chặt K98 dày 30cm; Gia cố mái đê hữu sông Mới tại vị trí cống Bách (tại thị trấn Yên Ninh) từ K5+610m đến K5+710m với chiều dài L=100m, kè gia cố chống sạt lở mái đê phía sông với hệ số mái m=2,0, kết cấu kè từ cao trình bằng đá hộc lát khan dày 30cm, dưới lót đá dăm 2x4 dày 10cm và vải địa kỹ thuật trong khung BTCT mác 250#, kích thước dầm khung (0,30x0,30)m; bê tông lót khung mác 100# dày 10cm.... Nhưng trên thực tế, dự án này đã bị nhà thầu làm “méo mó” ngay tại thời điểm thi công. Theo quy định, cốt sắt thép bằng khung, bê tông trộn, nhà thi công đã tự ý bớt sắt khung và không thực hiện công thức pha trộn bê tông mà dùng máy xúc và sử dụng một công nhân duy nhất dùng xẻng để ước lượng xi măng, cát, đá...không bảo đảm kỹ thuật, chất lượng. Tại công trình sông Vạc, theo thiết kế khoảng cách giữa các đai khong là 20cm nhưng thực tế khoảng cách giữa các khong là 25cm, cứ như vậy, cứ một khung 4,6m nhà thầu sẽ rút bớt được 5- 7 khong sắt...
Với những thông tin cụ thể này, tại buổi làm việc với chính quyền huyện Yên Khánh, PV đã thẳng thắn trao đổi và đặt ra những câu hỏi liên quan, cần làm rõ về chỉ số kỹ thuật, bản vẽ thiết kế công trình và quy trình, nguyên tắc trong thi công nhưng ông Nguyễn Hồng Tư - Phó chánh VP, ông Tạ Kim Tân - giám đốc BQL dự án luôn tìm cách né tránh, không cung cấp hồ sơ, tài liệu với lý do không chuẩn bị kịp.
Như vậy, thiết kế một đằng, thi công một nẻo và sau 02 tuần kể từ ngày Hoanhap.vn phản ánh thông tin nhưng dường như chính quyền huyện Yên Khánh bố trí buổi làm việc chỉ là để chống đối. Đường hoàng là Giám đốc BQL dự án, Phó Chánh VP mà không nắm rõ về dự án đang được thi công ngay trên địa bàn, có xứng đáng là cán bộ, là “công bộc” của dân?. Sự quanh co, né tránh, bất hợp tác của chính quyền huyện đến thời điểm này càng khiến dư luận thêm bất bình.
Thiết nghĩ, những điều dư luận quan tâm là đúng, có cơ sở và thật sự trách nhiệm đối với những công trình Nhà nước, thể hiện được nghĩa vụ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Huyện đã và đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân, trong đó phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá. Dư luận mong các ngành, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ những sai phạm đang diễn ra, để Yên Khánh xứng đáng với danh hiệu “đạt chuẩn nông thôn mới” vừa mới được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận.
Hoanhap.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.