Bà giáo già nặng tình với trẻ khuyết tật
Lớp học “đặc biệt” của bà giáo Nguyễn Thị Côi.
Lớp học "đặc biệt"
Đều đặn, từ 8h30 đến 10h30 từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, những học trò là người khuyết tật trí tuệ ở nhiều độ tuổi, bé nhất 7 tuổi, lớn nhất 30 tuổi lại cùng đọc ê a âm, vần theo tay chỉ của bà giáo già Nguyễn Thị Côi. 25 năm qua, lớp học "đặc biệt" này đã trở nên quen thuộc với người dân phường Tân Mai cũng như người dân ở nơi khác biết tin tìm đến.
Khi còn là hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), bà Nguyễn Thị Côi luôn mong muốn sẽ mở một lớp dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, bà Côi quyết tâm biến ước mơ đó thành hiện thực. Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhưng bà Côi vẫn cần mẫn tiếp nhận hết lứa học sinh này đến lứa học sinh khác đến với lớp học "đặc biệt".
Em Dương Hồng Giang ở Khu đô thị Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đã 18 tuổi nhưng vẫn phải nắn nót luyện viết từng chữ cái. Chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ Giang cho biết, từ khi sinh ra Giang đã bị khuyết tật trí tuệ. Sau khi được người bạn giới thiệu, chị Hạnh đã xin cho con vào lớp học của bà Côi. "Mới theo học được mấy năm, nhưng tôi thấy con tiến bộ rõ rệt. Từ chỗ không biết cầm bút, đến nay Giang đã biết đọc, biết viết, đặc biệt là rất ngoan ngoãn, lễ phép. Gia đình tôi rất cảm động trước tấm lòng của bà Côi dành cho bọn trẻ...", chị Hạnh chia sẻ
Chị Văn Thị Hồng Vân, mẹ của em Phạm Đức Hiếu (phường Vĩnh Hưng) xúc động cho biết: "Lúc sinh ra Hiếu phát triển bình thường, nhưng lên 10 tuổi gia đình mới phát hiện cháu bị tăng động giảm chú ý, nên phải nghỉ học. Khi biết thông tin về lớp học của bà Côi, gia đình tôi đã đưa cháu đến xin học. 4 năm qua, nhờ sự nhiệt tình rèn giũa của bà giáo Côi, giờ đây con tôi đã biết đọc, biết viết. Nhìn con vui vầy chơi với các bạn trong lớp, tôi mừng lắm".
Vất vả hơn các bạn trong lớp, em Chu Ngọc Tùng (ở khu tập thể Trương Định) chẳng có ai đưa đón vì mẹ em đã qua đời, bố đang phải đi cải tạo. Hiện, Tùng ở với bà ngoại đã già lại nuôi các em nhỏ nữa nên hằng ngày Tùng phải tự đi bộ đến lớp. Hỏi về kết quả học tập, Tùng kể: "Em biết nhiều chữ rồi, biết cả cộng, trừ nữa. Được bà Côi dạy, giờ em đã biết đi chợ mua rau giúp bà...".
"Còn sức khỏe, tôi sẽ còn đến lớp"
Kể về lớp học, bà Côi rất vui khi chứng kiến các học sinh "đặc biệt" của mình có nhiều tiến bộ. Nhiều em đã biết đọc, biết viết, biết sống chan hòa. "Tôi thường khuyến khích học sinh trong lớp bằng những phần quà nhỏ. Quà của lớp học rất đa dạng và đều do các nhà hảo tâm trao tặng. Có người tặng bánh, kẹo, cũng có người tặng gạo, sách, bút... tôi đều chia ra, tặng các cháu. Đa số học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn nên khi nhận những món quà dù mang giá trị tinh thần hay vật chất đều đáng quý", bà Côi tâm sự.
Dù lớp học luôn chỉ có trên dưới 20 học sinh, nhưng đối với bà Côi và phụ huynh, có lẽ niềm vui lớn nhất là khi thấy học trò, con em mình tiến bộ từng ngày và nô đùa vui vẻ bên nhau những giờ ra chơi. Nếu như những năm trước còn khỏe, bà Côi tự đi xe máy từ nhà đến lớp học thì hiện tuổi cao, bà phải thuê người chở đi dạy. Dù đi lại vất vả nhưng bà luôn tâm niệm: "Còn sức khỏe, tôi sẽ còn đến lớp".
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai Ngô Thị Thúy Hải, ở tuổi “xưa nay hiếm”, ai cũng muốn nghỉ ngơi nhưng bà Nguyễn Thị Côi lại chọn việc khó là dạy dỗ cho các cháu khuyết tật trí tuệ. Ngày nào cũng vậy, dù trời mưa hay nắng, bà Côi luôn cần mẫn đến lớp. Chính quyền và nhân dân địa phương thực sự cảm phục trước tấm lòng và sự kiên trì, bền bỉ của bà giáo Côi suốt 25 năm qua.
Chị Đỗ Thị Thịnh, chuyên viên phụ trách bảo vệ sức khỏe trẻ em quận Hoàng Mai cho biết: Lớp học của bà Nguyễn Thị Côi là một địa chỉ đặc biệt của quận Hoàng Mai. Điều đáng quý, những gia đình có trẻ khuyết tật chỉ cần đăng ký với bà là được đến lớp học hoàn toàn miễn phí. Chương trình học của lớp rất linh hoạt, tất cả đều dựa theo sức khỏe, tính cách và khả năng nhận thức của mỗi trẻ.
Tấm lòng của bà Nguyễn Thị Côi với trẻ khuyết tật không chỉ được nhiều phụ huynh ghi nhận mà đã lan tỏa trong xã hội. Nhiều năm liền bà được UBND quận Hoàng Mai vinh danh là "Người tốt, việc tốt", được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khen thưởng về thành tích trong phong trào xóa mù chữ và năm 2019 được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.