Biến lá khô thành rồng phượng, cô giáo thu về hàng tỷ đồng, giúp đỡ người khuyết tật
Cô giáo dạy âm nhạc Nguyễn Như Sinh (SN 1989), quê ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Sinh ra trong một gia đình buôn bán những sản phẩm tác phẩm nghệ thuật trầm hương, nên tình yêu nghệ thuật của cô cũng ngấm dần theo năm tháng.
Cô nàng Như Sinh tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ lá bồ đề khô (Ảnh: Vietnamnet)
Từ năm lớp 9, Như Sinh đã thiết kế những thiệp chúc mừng bằng ép lá, cỏ khô tặng bạn bè. Cơ duyên từ đó, cô bắt đầu thấy được niềm đam mê của bản thân và tiếp tục làm thiệp bán với 1 cái/1 nghìn đồng. Niềm đam mê đó tạm gác lại khi cô đậu vào Học viện Âm nhạc Huế rồi trở thành giáo viên dạy âm nhạc tại Trường THCS Phù Đổng (huyện Đại Lộc).
Các sản phẩm ấn tượng nhận được nhiều đơn đặt hàng (Ảnh: Vietnamnet)
Vào năm 2017, trong một lần đến chùa, ngồi dưới gốc bồ đề, nhìn thấy những chiếc lá rụng, Như Sinh bắt đầu nảy ra ý tưởng về những tác phẩm từ nó. Khó khăn đến với cô những ngày đầu tiên khi tiếp cận việc ngâm lá, chà răng lá để tạo ra lá nguyên bản chỉ còn mỗi gân. Sau khi hái lá về, cô Sinh sẽ rửa và ngâm lá vào bể, thời gian ngâm lá khoảng 1 tháng cùng với sinh phẩm, từ đây chất diệp lục thối rửa.
Cô gái mong muốn có thể giúp đỡ, tạo việc làm cho người khuyết tật (Ảnh: Vietnamnet)
Công đoạn khó và tỉ mỉ nhất là chà răng lá. Lá khô cô dùng sẽ là lá bồ đề, lá bàng hay bằng lăng vì đây là những loại có gân. Việc chọn lá cũng lắm công phu, theo cô, cây được chọn cần mọc ở những nơi đất khô cằn, lúc này gân mới chắc, lá cũng phải già, lá tốt nhất là loại đã rụng dưới gốc cây. Sau khi hoàn thành việc chà răng lá, bước tiếp theo là nhuộm màu, phơi khô và lắp ghép thành sản phẩm.
Hiện sản phẩm của cô có nhiều loại khác nhau, từ lá bồ đề in hình treo xe ô tô, lá bồ đề đặt trong ốp lưng điện thoại đến các bức tranh to, nhỏ đủ loại được ghép bằng chính các lá khô.
Để tạo ra một bức tranh, cô Sinh mất khoảng 2-3 tiếng đối với tranh nhỏ, với những bức lớn có thể đến 2 ngày hoặc cả tuần. Vì vừa đi dạy vừa làm tranh nên thời gian của cô hoàn toàn kín kẽ: “Ngày đi dạy, tối về phải thức đến khuya để kịp cho khách, hầu như phải tranh thủ mọi thời gian rảnh của mình để hoàn thành sản phẩm”.
Theo cô Sinh, mỗi sản phẩm của cô dao động từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng, doanh thu hàng tháng ước đạt 100 triệu đồng.
Ngoài việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, cô còn giúp cho 3 bạn khuyết tật tại địa phương có công việc với công đoạn chà răng lá, nhuộm màu và phơi khô, với tiền công khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Nói đến tương lai, cô Sinh bộc bạch, mong muốn sẽ mở một cửa hàng về sản phẩm lá khô, đặc biệt hơn nữa sẽ truyền lại công việc này cho các bạn khuyết tật.
Tương tự, cô gái trẻ Vũ Thị Hiền tốt nghiệp khoa Sinh- trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng khởi nghiệp thành công với chiếc lá khô. Công việc chính của Vũ Thị Hiền là làm sổ thủ công, bưu thiếp bằng cỏ, lá cây ép khô. Sau hai năm tốt nghiệp, Hiền đã cho ra hàng trăm sản phẩm in hình lá cây do cô tự cắt dán, ghép.
Những cuốn sổ ép lá khô đầy nghệ thuật của Hiền (Ảnh: Dân Việt)
Công đoạn khó nhất với Hiền chính là ép lá. Tùy từng loại lá sẽ có thời gian ép khác nhau, thường từ 1 tuần đến 3 tháng. Trong quá trình ép cũng có nhiều lần, lá bị hỏng và bị mốc nên quy trình xử lý và bảo quản lá là bước quan trọng nhất.
(Ảnh: Dân Việt)
Là người yêu thích thiên nhiên, núi rừng nên hầu hết các sản phẩm của Vũ Hiền đều được lấy cảm hứng từ núi rừng với tông màu nâu đất, xanh lá.
Những cuốn sổ hay thiệp có giá trị từ vài chục đến vài trăm nghìn không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp Vũ Hiền khẳng định bản thân với gia đình, lan tỏa dấu ấn cá nhân trong những tác phẩm thủ công, hướng đến những sản phẩm thân thiết với môi trường.
Ngoài những sáng tạo từ lá cây, Vũ Hiền còn tự tay thêu nên thương hiệu của riêng mình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.