Người khuyết tật khởi nghiệp kinh doanh cần hỗ trợ gì?
“Mảnh ghép yếu” trong xã hội
Hệ lụy từ chiến tranh và những vấn đề xã hội (ô nhiễm môi trường, tai nạn, thức ăn độc hại…) khiến số người khuyết tật không ngừng tăng lên trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo VietnamPlus, hiện tại nước ta có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Cả nước có 342.329 gia đình, cá nhân nhận đang chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Con số thống kê cho thấy người khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu thuộc hộ nghèo, nằm trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn. Công việc chính của họ là phụ giúp gia đình, công việc không ổn định và thu nhập thấp.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chính sách về người khuyết tật ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật khởi nghiệp từ kinh doanh.
Nhiều người khuyết tật đã xóa bỏ tự ti, mặc cảm để vươn lên làm kinh tế giỏi, họ cần lắm những động lực để “hạt giống” kinh doanh nở hoa nơi cộng đồng người yếu thế (Ảnh minh họa - congdoan.vn).
Tạo điều kiện thúc đẩy người khuyết tật khởi nghiệp kinh doanh
Chia sẻ trên báo Dân Trí, ông Trần Tuấn Kiệt - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Quảng Ngãi cho biết, những năm qua, Hội đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho hội viên vượt lên khó khăn trong cuộc sống để phát triển kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh.
Địa phương cũng thường xuyên hướng nghiệp, tạo nghề và tập hợp, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở, tổ sản xuất, kinh doanh của những người khuyết tật trên địa bàn để tương trợ giúp nhau vươn lên. Việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người khuyết tật và thanh niên nghèo tại địa phương. Số hộ nghèo trên địa bàn dần giảm xuống.
Với các mô hình làm kinh tế để thoát nghèo, cơ quan chức năng đã tạo điều kiện để người dân vay vốn sản xuất, đào tạo và tìm việc làm, nhất là với người khuyết tật, tại các công ty, cơ sở kinh doanh... Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, kém may mắn đã có điều kiện vượt khó, không ngừng phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất quê hương.
Thêm sức mạnh để trụ vững và vươn lên
Theo báo Đấu Thầu, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc - nhóm của gần 40 thành viên khuyết tật Hà Nội đã viết trong bản đề xuất Dự án phát triển kinh doanh gửi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mới đây rằng, trong góc nhìn của Thuần, người khuyết tật, nhất là ở khu vực nông thôn nhiều lắm và họ phù hợp với những công việc như trồng trọt, chăn nuôi vi sinh, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp… Đi qua khó khăn Covid-19, Tâm Ngọc mong đợi nhận được nhiều hơn sự trợ giúp của Bộ KH&ĐT, của xã hội để Hợp tác xã tiêu thụ được 3 sản phẩm cốt lõi (Liên Hoa trà, Như Hoa trà, Cà gai leo trà), đồng thời mở rộng trung tâm dạy nghề cho người yếu thế.
Đồng cảm với những khó khăn của một lớp doanh nhân đặc biệt đang nỗ lực bước đi trên thương trường, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đã khích lệ các nhóm yếu thế làm đề án mở rộng kinh doanh và nếu các ý tưởng khả thi, Bộ trưởng cùng Công đoàn Bộ sẽ góp từ 50 - 100 triệu đồng/dự án để tiếp thêm niềm tin, thêm sức mạnh cho các chủ thể này. Ý tưởng vừa khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cả 8 nhóm yếu thế và ít nhất có 5 nhóm gồm Kym Việt, Vụn Art, Tâm Ngọc, Thương Thương Handmade, Thành Nguyễn đang làm dự án để đề xuất nhận khoản vốn góp. Trong tâm ý chung của người khuyết tật, việc có Bộ KH&ĐT đồng hành không chỉ góp cho họ thêm nguồn lực, mà còn góp cả niềm tin và sức mạnh từ ý chí trên con đường họ mong ước tạo giá trị mới và vươn lên.
Người khuyết tật cần lắm những động lực để “hạt giống” kinh doanh nở hoa nơi cộng đồng người yếu thế…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.