Khám phá xưởng sản xuất linh vật SEA Games 31 của ông chủ khuyết tật
Trong những ngày này, doanh nghiệp xã họi Kym Việt, địa chỉ tại 123 Trung Văn, Hà Nội đang ngày đêm sản xuất ra hàng trăm, hàng nghìn chú Sao La nhồi bông - linh vật quen thuộc của SEA Games 31.
Theo anh Phạm Viết Hoài- chủ doanh nghiệp cho biết, những chú Sao La này không phải linh vật chính thức của SEA Games 31 mà đây là một sản phẩm đồng hành, được BTC SEA Games 31 cấp phép cho Kym Việt sản xuất với độc quyền thiết kế về mẫu.
Trước đó, Kym Việt đã liên lạc với Ban tổ chức SEA Games để xin phép sản xuất búp bê linh vật Sao La. Nhằm lan toả tinh thần SEA Games 31 "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" đến cộng đồng và khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành, tuyên truyền quảng bá cho SEA Games 31, góp phần vào thành công của Đại hội, Ban tổ chức đã có công văn đồng ý để công ty Kym Việt sản xuất và kinh doanh sản phẩm thú nhồi bông sử dụng hình ảnh Sao La (linh vật của SEA Games 31).
Điều đặc biệt ở chỗ, toàn bộ nhân viên ở đây đều là người điếc. Mỗi chú Sao La này được thiết kế bằng vải da lộn với khoảng 37 chi tiết cắt may rất tỉ mỉ và chỉnh chu.
Kymviet sản xuất các chú Sao La nhồi bông khỏe khoắn, cơ bắp nhưng đáng yêu với quần áo in hình cờ Tổ quốc hoặc màu sắc lấy cảm hứng từ lá cờ ASEAN với tinh thần đoàn kết, hữu nghị.
Xưởng sản xuất này không chỉ nơi đào tạo nghề, công ăn việc làm cho người khuyết tật mà là còn là một môi trường sinh hoạt cho họ. Làm ra những sản phẩm cổ động cho SEA Games cũng là một cách để những người điếc tự tạo niềm vui, niềm tự hào trong ngày hội thể thao lớn của dân tộc.
Hiện tại, những chú Sao La của Kymviet được các cơ quan, bộ ngành chú ý và đặt số lượng lớn. Anh Hoài cho biết đến nay cơ sở đã sản xuất được hơn 700 chú Sao La và đặt mục tiêu sản xuất hơn 3.000 chú.
Đặc biệt, chủ doanh nghiệp Kym Việt- anh Phạm Viết Hoài cũng là người khuyết tật. Tuy nhiên, với đầu óc và ý tưởng kinh danh táo bạo, anh cùng 2 người bạn khuyết tật vận động Nguyễn Đức Minh và Lê Việt Cường cùng góp vốn sáng lập công ty sản xuất các con thú nhồi bông chất lượng cao.
Năm 2015, từ số vốn 25 triệu đồng, 2 chiếc máy khâu với 1 máy vắt sổ, anh cùng với đồng nghiệp đưa thương hiệu ra thị trường và có những phát triển vượt bậc.
Tới nay, dưới sự dẫn dắt của anh Phạm Việt Hoài và các nhà đồng sáng lập, công ty đã có 18 lao động, trong đó 85% khiếm thính, 10% khuyết tật vận động, 5% thiểu năng trí tuệ.
Bên cạnh những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội, câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt đã góp phần đưa sản phẩm của những người khuyết tật chinh phục cộng đồng trong nước và quốc tế. Không chỉ được lựa chọn là tặng phẩm du khách gần xa trên chuyến bay yêu thương của Vietnam Airlines dịp Trung thu 2017 hay tham dự các sự kiện tuần văn hóa, là tặng phẩm tặng bạn bè quốc tế..., nhiều đối tác hay các du khách từng “lần theo” địa chỉ trên sản phẩm, tìm tới tận xưởng tìm hiểu và đặt mua sản phẩm. Năm 2017 vừa qua, công ty xuất hàng đi Atlanta, Mỹ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.