Những bàn chân lấm lem trong lớp học dột nát trên cao nguyên đá Đồng Văn
Âu cơm hẩm của Chơ
24 âu cơm xếp ngay ngắn trên hai cái bàn cuối lớp học đều được ghi tên trên nắp. Trong đó có âu cơm của Chơ. Khi mở âu cơm ra, chỉ thấy một màu xám tro của chút cơm hẩm. Còn bé Chơ, chủ nhân của âu cơm hẩm đang ngồi bàn thứ 2 phía gần cửa sổ, co ro trong cái lạnh, chân co lên với đôi ủng còn bám đầy bùn đất.
Trong những âu cơm này nhiều khi chỉ là cơm hẩm hoặc chút mèn mén để các con ăn trưa.
Theo lời cô Mai Thúy Lương, bữa trưa của những đứa trẻ người Mông như Chơ tại điểm trường Tà Lủng chỉ có cơm và mèn mén. Cơm hẩm dẫu sao cũng hơn mèn mén rồi.
Thương trò, cô Lương giữa giờ nghỉ lại đi ủng, sang vườn rau nhà dân xin từng bó cải về nấu với mỳ tôm cho các con ăn. Lúc cô đi ngang sân trường, mưa thêm nặng hạt. Trong lớp, đám trẻ nhìn với ra, mỗi bước chân cô cứ nhịp nhàng theo tiếng nước nhỏ giọt từ trên trần nhà xuống những cái chậu hứng rải khắp sàn.
Cô Mai Thúy Lương - người đã gắn bó với điểm trường 26 năm.
30 năm gắn bó với nghề thì 26 năm cô Lương ở điểm trường Tà Lủng. Và cũng chừng ấy năm, cô xa chồng, xa con cả trăm cây số để bám bản, nuôi dạy những thế hệ học sinh nơi đây lớn lên, thân thiết tới độ khi có quyết định điều chuyển, người dân kéo nhau đến điểm trường chính xin cô ở lại.
Từ bố của Chơ, giờ tới Chơ đều là cô Lương dạy, bao nhiêu thứ đã đổi thay nhưng khó khăn vẫn chất đầy. Ngôi trường gắn bó với cô Lương từ những ngày đầu giờ đã bung hết cửa, tróc những mảng tường, nứt vỡ những tấm lợp fibro xi măng, không còn đủ che mưa, che nắng, ngăn những trận gió lùa. Đến những thân luồng ghim trên mái cũng mục nát cả rồi.
“Giấc mơ trưa” đơn sơ, xập xệ của các con.
“Tôi sắp về nghỉ chế độ, chỉ mong trước khi rời nơi đây, các con sẽ có những lớp học mới khang trang, ấm cúng hơn” – Nói rồi, cô Lương dẫn tôi sang căn phòng đầu dãy nhà và chỉ: “Cả đây nữa, mong các con có những chiếc giường để ngủ. Nằm mãi trên những tấm phản kê gạch, kê gỗ này sao được! Sập bất cứ lúc nào. Mùa này tôi cứ phải đốt lửa trong phòng, ấm hơn một chút nhưng cũng khói, các con khó ngủ lắm”.
Chậu nước rửa của cô Say
Cách Tà Lủng, Vần Chải đúng một quả đồi, bên kia là điểm trường mầm non Pó Sả, xã Sủng Trái. Giữa ngày mưa mà trường không đủ nước. Cô Giàng Thị Say đón trò ở cửa, lần lượt tháo từng đôi ủng nặng trĩu bùn đất để xuống bậc, thay quần áo lấm lem vì trượt ngã cho các trò trước khi vào lớp. Có trẻ bùn đất bám đầy tay chân, cô phải đưa ra sân rửa sạch, một chậu rửa cả chục em rồi mới sang chậu tráng.
Đường đến trường của những em bé vùng cao.
“Làm như vậy để tiết kiệm nước. Nước ở đây không đủ để sinh hoạt. Nhiều khi bà con thiếu nước cũng toàn mang can đến trường để lấy về” – cô Say chia sẻ.
Điểm trường mầm non Pó Sả vốn là lớp học của các em tiểu học, xây từ năm 2001 đến nay đã xuống cấp. Toàn bộ mái lợp mủn vỡ, những tấp liếp ốp trần chắp vá nay chỉ chực chờ rơi xuống. Trong ánh điện sáng nhờ, hàng chục đứa trẻ mầm non chơi trò “gieo mầm”, mỗi lúc vươn mình ngước lên, lại thấy nước mưa nhỏ vào mặt mà rùng mình.
“Mới đây thôi, trời mưa to kèm theo sấm sét, đánh thẳng vào bể nước, đứt cả dây điện, cô và trò đều hoảng sợ” – cô Say kể rồi chỉ tay ra cái máng hứng nước mưa lủng lẳng nối từ mái xuống bể.
Bữa nào có mỳ tôm là các con thấy ngon lắm rồi.
Cũng theo lời cô Say, điểm trường dù được hỗ trợ cho các con ăn trưa, nhưng do thiếu nước sạch, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nên các cô chỉ có thể nấu ăn cho một vài em nhỏ nhà xa bằng bếp tạm ở ngoài hiên.
“Cô trò ở đây chỉ ước có một căn bếp, đủ điều kiện để nấu những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho tất cả các con. Đây sẽ là động lực và niềm vui để trẻ đến trường mỗi ngày” – cô Say bày tỏ.
Biến ước mơ thành sự thật
Thấu cảm những khó khăn vất vả của cô trò điểm trường Tà Lủng và Pỏ Sả, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cùng Mastercard đã vượt hàng trăm cây số tới các điểm trường, mang theo những món quà vô cùng ý nghĩa và thiết thực.
Anh Nguyễn Văn Thành đại diện cho ngân hàng VPBank và Mastercard vượt hàng trăm cây số, trao tặng món quà đặc biệt cho cô trò điểm trường Tà Lủng.
Tại điểm trường Tà Lủng, anh Nguyễn Văn Thành, Phó GĐ VPBank chi nhánh Phú Thọ đại diện đơn vị tài trợ đã trao tặng số tiền 400 triệu đồng để xây mới 2 lớp học cùng hệ thống nước sạch. Anh Thành hy vọng, món quà này sẽ tiếp thêm động lực cho cô trò tại điểm trường Tà Lủng theo đuổi con chữ, và cũng biến niềm mong mỏi của cô Lương thành hiện thực trước khi cô rời xa bục giảng.
Tương tự, ước mơ của cô trò điểm trường mầm non Pó Sả cũng sẽ sớm thành hiện thực khi đại diện của VPBank trao tặng món quà 500 triệu đồng để xây dựng 3 lớp học mới, một căn bếp cùng bể chứa nước và khu nhà vệ sinh. Rồi đây những bữa ăn sẽ đủ đầy, khói bếp ấm sẽ lan vào lòng trẻ rộn lên những tiếng cười.
Những điểm trường khó khăn tại Đồng Văn đã nối dài thêm chuỗi hành trình “Cặp lá yêu thương – Em vui đến trường” của VPBank trong 2 năm qua. Với gần 40 điểm trường nghèo trên khắp cả nước được xây mới và sang sửa, những đóng góp của VPBank đồng hành cùng cộng đồng và xã hội đã lên tới con số gần 1700 tỷ đồng trong 4 năm qua, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Bài viết được thực hiện theo hoạt động phối hợp, hợp tác tuyên truyền, quảng cáo.