Thanh tra Chính phủ có vô cảm trước nỗi thống khổ của người dân đi khiếu kiện..?
Không nên để niềm vui của người dân lóe lên rồi... tắt?
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Tín hiệu vui đối với gia đình "người gánh 5 kỳ án"
Quy định là thế, nhưng nếu nghiên cứu đơn thư và tài liệu kèm theo mà công dân Hoàng Hữu Hiệp gửi về Tòa soạn hai năm gần đây, thì hình như một số cán bộ lãnh đạo thuộc Thanh tra Chính phủ chưa thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ của mình mà Đảng, Quốc hội giao phó, thậm chí còn làm tổn hại tới niềm tin của người dân với Đảng, Chính phủ.
Để minh chứng cho lời nhận định trên, Tạp chí điện tử Hòa nhập xin trích đăng gần như nguyên văn Đơn Khiếu nại ghi ngày 07/11/2019 của ông Hoàng Hữu Hiệp (Sinh 1954), địa chỉ: 130 Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM gửi ĐBQH Lê Minh Khái – UVTW - Tổng Thanh Tra Chính Phủ để mọi người cùng suy ngẫm.
Trong đơn ông Hiệp viết: “Mặc dù, trải qua 5 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa X, XII, XII, XIII, XIV), với 4 đời Tổng Thanh tra Chính phủ (cụ thể:Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh, Phan Văn Sáu và nay là Lê Minh Khái), với hàng chục Công văn của Đại biểu Quốc (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH TPHCM, Ủy ban KTTW, Ban Chỉ đạo TW Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ… chuyển đơn đến Thanh tra Chính phủ; và hàng trăm bài báo thuộc nhiều cơ quan truyền thông có uy tín, song Tôi vẫn không thể nào tiếp cận được các lãnh đạo cao cấp của ngành này, cho dù đã nhiều lần đăng ký theo quy định của pháp luật.
Trong lúc đang khủng hoảng niềm tin vào công lý, thì gia đình tôi nhận được giấy mời với nội dung: “Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với UBND TPHCM bố trí lịch tiếp công dân Hoàng Hữu Hiệp vào ngày 13/11/2017 tại trụ sở Đại diện Văn phòng Thanh tra Chính phủ (số 496 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM) để giải quyết một số nội dung khiếu nại..”. Tuy nhiên buổi làm việc không có lãnh đạo UBND TP.HCM mà chỉ có Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh tham dự. Sau đó gia đình tôi nhận được Thông báo số 2949/TB-TTCP ngày 24/11/2017 của Thanh tra Chính phủ do Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp ký và đóng dấu.
Thông báo số 2949/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ
Thông báo có đoạn viết: “Sau khi nghe ông Hoàng Hữu Hiệp trình bày nội dung khiếu nại, ý kiến của cơ quan tham dự họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, đã kết luận như sau:
- Ông Hoàng Hữu Hiệp trình bày khiếu nại liên quan đến 4 vụ việc nêu trên, không đồng ý với nội dung giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục khiếu nại;
- Giao Cục III chủ trì phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương nghiên cứu đơn; phối hợp, trao đổi với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để xử lý các nội dung ông Hoàng Hữu Hiệp còn khiếu nại theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật”.
Về việc này, ngày 15/11/2017, Tạp chí Điện tử Hòa nhập đã đăng bài “Tín hiệu vui đối với gia đình “người gánh 5 kỳ án”; ngày 6/12/2017 đã đăng “Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ”. Đồng thời ngày 28/9/2018 ông Nguyễn Ngọc Quyết- Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Hòa Nhập ký Công văn số 407/2018/CV-ĐTHN gửi Thanh tra Chính phủ. Song từ đó tới nay, gia đình tôi vẫn không hề nhận được một thông tin nào từ Cục III - Thanh tra Chính phủ.
Tôi không hiểu nổi, mặc dù Chỉ thị, Quy định, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tiếp công dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh Tra đã được ban hành và đã qua bao lần sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn có liên quan đều quy định rõ thời hạn giải quyết thanh tra, khiếu nại, tố cáo và ghi cụ thể quyền và trách nhiệm của tổ chức thực hiện việc giải quyết thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, song những vụ việc của gia đình tôi vẫn rơi vào tình trạng hứa, chuyển đơn rồi bỏ mặc … hết năm này qua năm khác mà không thấy ai bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, thậm chí còn được đề bạt lên chức ở cấp cao hơn.. là như thế nào?
Vì vậy, tôi gửi đơn khiếu nại đến các Đại biểu Quốc hội, cụ thể như sau:
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Việt Dũng có nhiều Công văn đề nghị, kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp tôi nhưng đến nay chưa trả lời.
Ngày 01/02/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số: 955/VPCP –V.I gửi Thanh tra Chính phủ. Ngày 03/4/2017 Văn phòng Chính phủ có Công văn số: 3160/VPCP –V.I gửi Thanh tra Chính phủ. Ngày 17/10/2018, Kiểm sát Quân sự Trung Ương có Công văn số: 117/PC-P5 gửi Thanh tra Chính phủ. Ngày 18/10/2018, Thanh tra Bộ Tài chính có Công văn số: 977/TTr-KT gửi Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của ĐBQH Mai Tiến Dũng- UVTW- Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngày 24/10/2018, Kiểm Toán Nhà nước có Công văn số: 1551/KTNN-TT gửi Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của ĐBQH Hồ Đức Phóc - Tổng Kiểm Toán Nhà nước. Ngày 25/10/2018, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 125/TANDTC-VP gửi Thanh tra Chính phủ. Ngày 12/11/2018, ĐBQH Ngô Sách Thực-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TM. Ban Thường trực có Công văn số: 2040/XLĐ-MTTW-BTT gửi Thanh tra Chính phủ, đồng thời yêu cầu Thanh tra Chính phủ thông báo kết quả giải quyết cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo chỉ đạo của ĐBQH Trần Thanh Mẫn-UVBBT- Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 14/11/2018, Ban Chấp hành Trung ương – Ban Dân vận có Công văn số: 2214-CV/BDVTW gửi Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của ĐBQH Trương Thị Mai-UVBCT- Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ngày 22/11/2018, Thanh tra Bộ Quốc Phòng có Công văn số 413/BT-TTr gửi Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của ĐBQH Ngô Xuân Lịch - UVBCT- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 11/01/2019 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có Công văn số: 1752/UBVHGDTTN14 gửi Thanh tra Chính phủ, đồng thời yêu cầu Thanh tra Chính phủ thông báo cho Ủy ban được biết kết quả giải quyết theo chỉ đạo của ĐBQH Phan Thanh Bình- UVTW- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đính kèm các Công văn nêu trên).
Ngày 18/01/2019, Thực hiện Công văn 04/C.III của Cục trưởng - Cục Thanh tra, giải quyết Khiếu nại và Tố cáo Khu vực 3 (Cục III) về việc cử Tổ công tác Kiểm tra, rà soát việc giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Hữu Hiệp Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 11/03/2019, tại Cục III, Tổ công tác đã làm việc với tôi. Thành phần tham dự: Tổ Công tác: Ông Lê Quang Tường – Tổ trưởng; ông Lê Mậu Hiền – Thành viên. Kết quả làm việc, tôi nêu vụ việc đã giải quyết nhiều lần, nhiều năm nhưng chưa có kết quả, yêu cầu được đối thoại với chính quyền Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh và cung cấp cho Tổ công tác một số tài liệu photo liên quan đến các nội dung còn khiếu nại. Tuy nhiên đến nay đã hơn 10 tháng, Cục III Thanh tra Chính phủ không tổ chức cho tôi đối thoại, nhưng hai lần ông Lê Mậu Hiền – Thanh tra viên và ông Lê Quang Tường – Tổ trưởng tổ công tác TTCP lại mời tôi ra quán cà phê để làm việc.
Công văn số 2214-CV/BDVTW của Ban Dân vận TƯ (V/v: Chuyển đơn của công dân ) và Công văn số 2040/XLĐ-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN (V/v chuyển đơn khiếu nại) đến Thanh tra Chính phủ
Ngày 17/5/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ - Lê Minh Khái ký ban hành Chỉ thị số: 776/CT-TTCP về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.
“Chỉ thị nêu rõ, thực hiện sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trên các mặt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tập trung chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức và người lao động ngành thanh tra…”.
Văn bản là thế, song thực tế triển khai thì lại hoàn toàn khác. Cụ thể:
Ngày 13/11/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Đặng Công Huẩn đã tổ chức, đối thoại với tôi liên quan đến 04 vụ việc khiếu nại, tố cáo của gia đình tôi. Buổi làm việc được (Ghi Âm, Lập Biên Bản), tôi yêu cầu ĐBQH Lê Minh Khái- Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp tôi theo Điều 79 Hiến pháp. Song, đến nay đã hai năm vẫn không thấy động tĩnh gì..?
Không thể có một lời nào biện minh được cho những hành động, lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri của ĐBQH Lê Minh Khái- UVTW- Tổng Thanh tra Chính phủ.
Bức xúc, tôi gởi hàng trăm tin nhắn vào (số điện thoại 0945689868) của ĐBQH Lê Minh Khái – UVTW - Tổng Thanh tra Chính phủ phê phán hết sức nặng nề, đồng thời tôi cũng gởi vào số điện thoại của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và hàng trăm Đại biểu Quốc hội đương chức và tiền nhiệm. Thế mà đến nay ĐBQH Lê Minh Khái – UVTW - Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn không trả lời?
Nhớ lại từ năm 2013, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Sinh Hùng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã nói thẳng: “Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà nhậu này nhậu kia. Không tham nhũng lấy tiền đâu mà chạy…”, ông cũng đặt ra câu hỏi: “Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không”?
Sau đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng đã có những bước chuyển căn bản, không còn vùng cấm, không còn ngoại lệ. Tuy vậy, những vụ việc của gia đình tôi, vụ việc xảy ra đối với Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng hay trước đó là vụ 05 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố vì tội “Nhận Hối Lộ”. Và từ lâu người ta đã râm rang rằng: “Thanh tra thanh mẹ, thanh gì ? Hễ có phong bì thì sẽ … thanh you”. Và chắc chắn rằng những tiêu cực trong công tác thanh tra không phải là không tồn tại. Cụ thể là 05 vụ việc khiếu nại, tố cáo của gia đình tôi kéo dài 23 năm. Và chỉ có Việt Nam mới có chuyện thật như đùa này!
Vì vậy, dù có râm rang về những tiêu cực trong thanh tra nhưng người ta khó có thể có bằng chứng xác thực để điểm mặt, chỉ tên những tiêu cực ấy (như mò kim dưới đáy biển). Điều này cũng có thể chỉ là phỏng đoán khi đã và đang có những cuộc thanh tra mà đến nay kết quả vẫn chưa ra hoặc kết quả sau lại mâu thuẫn với kết quả trước.
Bởi vậy, không khó hiểu khi tại Hội nghị ngành Nội chính đầu năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải lưu ý vấn đề này. Ông yêu cầu ngành Nội chính phải chú trọng tham mưu, đề xuất với các cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở những địa phương, cơ sở khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong công việc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói “Phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng chống tham nhũng”. Và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng đề cập, quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Chỉ khi kiểm soát được việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn thì mới ngăn được việc lạm quyền để trục lợi.
Đã đến lúc cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Phiếu chuyển đơn số 167/PC-ĐB của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Dũng đến Tổng Thanh tra Chính phủ
Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu liêm chính, trong sạch, quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, nhũng nhiễu thì ở đó tiêu cực ít xảy ra. Ngược lại nơi nào, ít quan tâm, hoặc “Nhụt Chí”, “Hèn Nhát” thì tiêu cực, tham nhũng vẫn nảy sinh thậm chí diễn ra phức tạp. Cụ thể là: 05 vụ việc khiếu nại, tố cáo của gia đình tôi mới kéo dài hơn 23 năm. Do đó, để xây dựng lực lượng chống tham nhũng liêm chính, chí công, vô tư, trong sạch, không bị cám dổ, mua chuộc thì việc cần làm ngay là phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, buộc những người “Nhụt Chí”, “Hèn Nhát” dẹp sang một bên cho người khác làm”. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với những lực lượng phòng chống tham nhũng như thanh tra, viện kiểm sát, tòa án… có như thế mới ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng “Tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng”.
Ngày 17/6/2019, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đã có Công văn số 219-CV/BCĐTW gửi Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng.
Ngày 17/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Một lần nữa, tôi trân trọng kiến nghị, yêu cầu Quý vị ĐBQH tiếp tục giám sát, có Công văn gửi đến ĐBQH Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu trả lời Quý vị theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, kể từ ngày Quý vị chuyển đơn của tôi đến Thanh tra Chính phủ, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết đến Quý vị. Tuy nhiên đến nay đã hơn 12 tháng Thanh tra Chính phủ phớt lờ…”
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.