Tin tức miền Tây ngày 13/3: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cầu Đại Ngãi
Trà Vinh công bố chủ trương bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc dự án cầu Đại Ngãi
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Trà Vinh phối hợp UBND huyện Trà Cú, xã An Quảng Hữu tiến hành họp 198 hộ dân ở các ấp: Dầu Đôi, Ngã Ba, Vàm, An Tân, Sóc Tro Dưới của xã An Quảng Hữu; một số hộ ngoài huyện có đất tại xã An Quảng Hữu được thu hồi, để công bố chủ trương thực hiện tiểu Dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Phối cảnh cầu Đại Ngãi.
Theo Quyết định số 878/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Theo Quyết định số 1703/QĐ-BGTVT, ngày 23/12/2022 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Cầu Đại Ngãi 1 và 2 thuộc Dự án nhóm A, với tổng nguồn vốn đầu tư 8.014,694 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp được chia thành 02 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 nguồn vốn 5.246 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030 nguồn vốn 2.769,694 tỷ đồng.
Tại địa phận tỉnh Trà Vinh, cầu Đại Ngãi 1 đi qua địa bàn 02 xã Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần) và xã An Quảng Hữu (huyện Trà Cú). Tổng số quỹ đất được thu hồi là 36,95ha, kinh phí bồi hoàn giải phóng mặt bằng là 301,662 tỷ đồng. Theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND, ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Trà Cú. Quyết định số 197/QĐ-UBND, ngày 22/02/2023 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Tiểu Dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh; tại xã An Quảng Hữu có 198 hộ là cá nhân và 01 tổ chức là UBND xã An Quảng Hữu thuộc diện thu hồi đất với diện tích 241.077,7m2.
Theo Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2 nằm trong Dự án nhằm nâng cao năng lực vận tải cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải hàng hóa, mở rộng giao thương và phá thế độc đạo của Quốc lộ 1. Qua đó, giúp rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liên, Sóc Trăng đi Thành phố Hồ Chí Minh 80km so với Quốc lộ 1. Đây cũng là công trình thúc đẩy phát triển kinh tế cho các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Cửu Long.
Vi phạm nồng độ cồn, hành hung Cảnh sát giao thông
Thông tin từ Cục CSGT cho biết, vào ngày 12/3 vừa qua, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đồng Tháp phân công 4 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 80.
Ảnh cắt từ camera. (ảnh Cục CSGT cung cấp).
Đến 16h15’ cùng ngày, tổ công tác đang lập biên bản xử lý một người điều khiển môtô vi phạm nồng độ cồn tại Km35+400 quốc lộ 80, thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò. Sau đó, một thanh niên điều khiển môtô biển số 66V1-834.40 chạy đến vị trí này và trình báo vừa bị người khác đánh.
CSGT liền hỏi các thông tin liên quan đến sự việc thì người này trả lời: “Không biết”. Nhận thấy nội dung tin báo không thuộc thẩm quyền giải quyết của CSGT, đại úy Huỳnh Thanh Nhàn đã hướng dẫn người này này đến Công an xã Vĩnh Thạnh (cách đó khoảng 500 m) để tiếp nhận trình báo và xác minh xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, thanh niên không làm theo mà yêu cầu CSGT phải trực tiếp giải quyết. Sau khi tổ công tác giải thích, nam thanh niên bỗng xông vào hành hung đại úy Huỳnh Thanh Nhàn. Diễn biến vụ việc đã được camera ghi lại.
Làm việc tại trụ sở công an xã, người này khai tên Phan Tấn Đạt (sinh năm 1987, trú ở thị trấn Ốc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Đạt từng bị Tòa án nhân dân huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) tuyên phạt 3 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Thời điểm này, trong cơ thể của nam thanh niên có mức nồng độ cồn là 0.554mg/l khí thở. Kiểm tra thương tích trên cơ thể của đại úy Huỳnh Thanh Nhàn, bác sĩ ghi nhận có vết trầy ngoài da ở phía sau gáy và trên đùi phải.
Kiên Giang: Tình hình tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến phức tạp
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức họp báo thông tin tuyên truyền, xử lý vụ án “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” xảy ra ngày 22-8-2022 tại phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Công an các tỉnh miền Tây triệt phá các vụ án sử dụng vũ khí quân dụng.
Qua điều tra vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 17 bị can, thu giữ 12 khẩu súng chế tạo thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thuộc danh mục vũ khí quân dụng; 46 khẩu súng là công cụ hỗ trợ; 302 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm; 51 viên đạn quân dụng; 249 viên đạn là công cụ hỗ trợ; 81 viên đạn thể thao và nhiều linh kiện khác. Các đối tượng phạm tội có tiền án, tiền sự, đã bán ra ngoài xã hội 18 khẩu súng, đơn vị chức năng Công an tỉnh Kiên Giang đã thu hồi 16 khẩu súng. Công an tỉnh Kiên Giang đã chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND tỉnh Kiên Giang để tiếp tục xử lý theo quy định.
Trong năm 2022 và hơn 2 tháng đầu năm nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 15 vụ, với 30 bị can về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”; 1 vụ, 3 bị can về tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết: Gần đây nổi lên hoạt động lợi dụng mạng Internet, dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện giao thông để vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm nên tình hình tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến hết sức phức tạp. Mục đích chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng của các đối tượng rất đa dạng, phổ biến là dùng để săn bắn, vì lợi nhuận, phòng thân, có trường hợp sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn, gây thương tích hoặc giết người. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ án làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Sai phạm trong gói thầu tại Sở GD&ĐT Cần Thơ: Công an tìm người mua bán thiết bị
Cơ quan CSĐT Công TP. Cần Thơ thông báo tìm người mua bán máy in siêu tốc Riso CV3030 xuất xứ Thái Lan.
Trụ sở Sở GD&ĐT Cần Thơ.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ đang kiểm tra, xác minh kiến nghị khởi tố hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT thành phố.
Trước đó, Thanh tra TP. Cần Thơ kiến nghị khởi tố liên quan đến gói thầu số 6, năm 2016 “Mua thiết bị máy photocopy, máy in siêu tốc, cassette, ti vi các loại và loa cầm tay” do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư. Trong đó, việc lắp đặt máy in siêu tốc Riso CV3030 xuất xứ Trung Quốc của nhà thầu không đúng với hồ sơ trúng thầu, hợp đồng ký với chủ đầu tư... là máy in Riso CV3030 xuất xứ Thái Lan.
Để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ thông báo "tìm người bán máy, mua máy in siêu tốc Riso CV3030 xuất xứ Thái Lan trên thị trường Việt Nam vào năm 2016. Nếu tổ chức, cá nhân có bán máy, mua máy in trên, đề nghị liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ (Số 71 Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) để cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu".
Trước đó, tháng 11/2022, Thanh tra TP. Cần Thơ đã thông báo kết luận thanh tra "Một số gói thầu mua sắm, sổ sách quản lý, thiết bị dạy và học từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục cấp thành phố tại Sở GD&ĐT và UBND quận, huyện của TP Cần Thơ giai đoạn từ năm 2016- 2021".
Theo kết luận thanh tra, việc nghiệm thu, thanh toán các gói thầu từ năm 2016 – 2021, Sở GD&ĐT đã thiếu kiểm tra, giám sát việc bàn giao, nghiệm thu công tác cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các trường. Từ đó dẫn đến một số gói thầu có thiết bị được nghiệm thu không đúng nguồn gốc, xuất xứ.
Các tỉnh miền Tây rộn ràng đón Chôl Chnam Thmây
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa ký công về việc mừng Chôl Chnam Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer. Nội dung Công văn chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ để đồng bào Khmer trong tỉnh mừng Chôl Chnam Thmây năm với tinh thần vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm.
Một hoạt động mừng tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer vùng ĐBSCL.
Trước đó, Ban Chỉ đạo các hoạt động Tết Quân dân tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức Lễ xuất quân thực hiện các hoạt động Tết Quân dânnăm 2023 đợt 2 tại xã Minh Hòa (Châu Thành), nhân dịp mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Chương trình với chủ đề “Lực lượng vũ trang Kiên Giang cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành tiếp tục chung sức xây dựng nông thôn mới”, diễn ra từ ngày 10/3 - 12/4.
Kiên Giang có đông đồng bào Khmer đứng thứ ba cả nước. Đồng bào Khmer của tỉnh phần lớn sinh sống ở khu vực nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo các hoạt động Tết Quân dân tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 quyết định chọn xã Minh Hòa có đông đồng bào Khmer sinh sống và rất giàu truyền thống cách mạng để tổ chức các hoạt động Tết Quân dân vào thời điểm đồng bào dân tộc Khmer đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.