TP.HCM chính thức có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tham dự buổi lễ, bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ tịch nước; Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm – Phó Tư lệnh Quân Khu 7; Trung tướng Nguyễn Văn Nam – Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh; bà Trần Kim Yến – Chủ tịch UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh; ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; các nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh các thời kỳ; bà Võ Hạnh Phúc cùng đại diện gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bà Trần Kim Yến (phía trái) cùng ông Dương Anh Đức (phía phải) trao tặng hình ảnh lưu đến bà Võ Hạnh Phúc và đại diện gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Việc đổi tên Xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp nhằm ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời thể hiện tình cảm, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với một vị tướng huyền thoại đã có công lao to lớn đối với dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của Nhân dân.
Ông Dương Anh Đức - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Lễ đổi tên đường mang ý nghĩa sâu sắc khi diễn nhân dịp Kỷ niệm 112 năm Ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2023), đồng thời gửi tới gia đình, người thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp những tình cảm thân thiết nhất.
“Với 103 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đại tướng là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý cách mạng của Đảng và Dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và n bè quốc tế” – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức đề nghị UBND TP.Thủ Đức phối hợp các Sở, ban ngành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cập nhật các thông tin giấy tờ theo quy định. “Tôi mong rằng nhân dân sinh sống trên tuyến đường đổi tên, đồng cảm, chia sẻ với các cơ quan Nhà nước trong việc điều chỉnh, cập nhật các loại giấy tờ có liên quan” - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị.
Tại kỳ họp lần thứ 10 của HĐND TP Hồ Chí Minh Khóa X (ngày 10 – 12/7/2023), đã thông qua Nghị quyết về đổi tên đường Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức (trên địa bàn TP Thủ Đức), thành đường Võ Nguyên Giáp. Đoạn đường có chiều dài 7.790m; lộ giới 113m - 153m. Việc đổi tên đoạn đường từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức mang tên Võ Nguyên Giáp sẽ hình thành một trục đường xuyên suốt gồm: Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ, tạo sự gắn kết giữa sự kiện lịch sử - chiến dịch Điện Biên Phủ với nhân vật lịch sử - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bà Võ Hạnh Phúc – Con gái cố đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự biết ơn với chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh trước sự kiện vô cùng nhiều ý nghĩa với gia đình.
Bà Võ Hạnh Phúc chia sẻ: “Đã 10 năm kể từ ngày ba chúng tôi, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về với tổ tiên, về với Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày khai sinh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập bất hủ. Trong sự kiện mang ý nghĩa to lớn hôm nay, gia đình chúng tôi bồi hồi nhớ lại lời phát biểu của ba trong ngày trọng đại 2/9/1945 – “Dưới sự lãnh đạo của chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu, xây đắp tô điểm non sông, làm cho đất nước Việt Nam của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường...”. Theo tinh thần đó, thay mặt thân mẫu PGS sử học Đặng Bích Hà và gia đình, tôi xin kính chúc Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đang và sẽ luôn đoàn kết đồng lòng phát huy tất cả thế mạnh và tiềm năng xây dựng thành phố thành điểm sáng của kinh tế xã hội khoa học và văn hóa của cả nước, của khu vực Đông Á và Châu Á...”.
Tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: nguồn tư liệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh: Võ Giáp (bí danh Văn), sinh ngày 25/8/1911, quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1925 đến năm 1926, ông tham gia phong trào học sinh ở Huế. Năm 1927, ông tham gia Đảng Tân Việt cách mạng.
Năm 1929, tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Năm 1930, bị thực dân Pháp bắt giam và kết án hai năm từ. Sau khi ra từ, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Trong giai đoạn từ năm 1936 - 1939, tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, biên tập viên các bảo của Đảng. Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Tháng 6/1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được Đảng cử sang nước ngoài gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1941, ông trở về nước tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12/1944, ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, ông được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, ông là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng 6/1945, ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 3/1946 ông Võ Nguyên Giáp giữ các chức vụ Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp. Khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam.
Tháng 1/1948, được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9/1955 -12/1979, ông là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 1/1980, ông là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I đến khóa VII. Những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc, Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Quân công hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất ngày 4/10/2013 (Đại thọ 103 tuổi).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh cùng gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện nghi thức đổi tên đường.
Bà Võ Hạnh Phúc, đại diện gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.