TP.HCM: Cung cấp dịch vụ chăm sóc người khuyết tật 16 tuổi trở lên
Chiều 31/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn trong tuần vừa qua. Tại cuộc họp báo, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở Lao động TP Hồ Chí Minh đã có thông tin về việc tiếp nhận chăm sóc bán trú cho người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.
Theo đó, nhằm tạo điều kiện, để người bị khuyết tật bẩm sinh trên 16 tuổi sớm ổn định chỗ học trong năm học 2023 – 2024. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn và chủ trương “để không ai bị bỏ lại phía sau” của Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có Công văn số 19470/SLĐTBXH-XH ngày 24/8/2023 báo cáo công tác tiếp nhận đối tượng bán trú tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.
Trong đó đề xuất cho phép Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè cung cấp dịch vụ chăm sóc bán trú cho người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên đối với các trường hợp gia đình có nhu cầu cho người khuyết tật học bán trú tại Trung tâm. Đề xuất được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận tại công văn số 4150/UBND-VX ngày 28/8/2023.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, Trung tâm sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc bán trú cho người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên đối với các trường hợp gia đình có nhu cầu cho người khuyết tật học bán trú tại Trung tâm. Hiện nay Trung tâm đã thông báo các phụ huynh có nhu cầu đến cơ sở thực hiện các thủ tục để chuẩn bị cho năm học mới...” – Bà Huỳnh Lê Như Trang thông tin.
Trước đó vào đầu tháng 7/2023, nhiều phụ huynh có con em học tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè lo lắng trước thông báo và kế hoạch về tuyển sinh cho năm mới. Theo đó Trung tâm sẽ không tiếp nhận các trẻ trên 15 tuổi trong năm học 2023 - 2024.
Liên quan đến vấn đề này, bà Huỳnh Lê Như Trang cũng lý giải thêm. Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (sau đây gọi tắt là Trung tâm) được thành lập theo Quyết định số 6752/QĐ-UB-NCVX, ngày 16/9/1995 của UBND TP Hồ Chí Minh. Trung tâm được thành lập qua việc hợp nhất 2 đơn vị: Nhà nuôi trẻ mầm non 6 và Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt thành “Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè” thuộc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội.
Tại Quyết định số 2373/QĐ-UB ngày 17/5/2005 của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Trong đó Trung tâm có nhiệm vụ: Tiếp nhận, quản lý, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có độ tuổi từ sơ sinh đến 15 tuổi trên địa bàn thành phố; tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề cho các đối tượng này để phát triển tốt về thể chất, tinh thần và có đủ điều kiện tái hòa nhập cộng đồng xã hội... Do đó việc Trung tâm có thông báo không nhận trẻ trên 15 tuổi là căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Khu bán trú thuộc Trung tâm Bảo trợ Trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè hoạt động từ năm 1997 đến nay. Đây là mô hình duy nhất tại Cơ sở bảo trợ xã hội công lập ở TP Hồ Chí Minh được sự tin tưởng, đánh giá khá tốt của phụ huynh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.