Tổ quốc mãi khắc ghi

2017-07-22 13:33:00 0 Bình luận
Tại lễ trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho những người con đất mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh dành độc lập - tự do và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) tổ chức mới đây mới thấy hết những cảm xúc nghẹn nghào khó tả.
Với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công… Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn tạc dạ, khắc ghi.
 
Niềm mong mỏi... thành sự thật
 
Ông Nguyễn Minh Đức (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) năm nay đã bước sang tuổi 88. Nâng niu, ngắm nghía tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” vừa được trao tặng cho bố ông- liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm- hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 29/10/1950, ông Đức xúc động: “Sau 67 năm bố tôi hi sinh, nay Đảng, Nhà nước đã chính thức công nhận bố tôi là liệt sĩ. Đây là vinh dự lớn nhất với gia đình tôi.”
 

Ông Nguyễn Minh Đức (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) nâng niu tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” của bố ông đã hi sinh 67 năm. Ảnh: Lan Ngọc
 
Cùng chung niềm vui, niềm tự hào sau bao khắc khoải, chờ mong như gia đình ông Nguyễn Minh Đức, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, TP Hà Nội có 15 gia đình được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Quyết định 989/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/7/2017. Ông Đức kể: Bố tôi vốn là đội viên du kích của xã Lại Yên. Thời điểm năm 1950, cụ hoạt động dưới hầm bí mật tại địa phương, nhưng không may bị địch phát hiện, đào hầm, bắn chết.
 
Cùng hi sinh với bố tôi hôm đó còn có 13 người nữa và 13 người đều đã được công nhận là liệt sĩ nhưng riêng bố tôi do mất hồ sơ, giấy tờ gốc nên không có căn cứ chứng minh. Từ năm đó đến nay, hàng năm vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, gia đình tôi vẫn được địa phương đến thăm, tặng quà nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Suốt từ năm 1957, khi bố tôi hi sinh đến nay, gia đình tôi đã gõ cửa nhiều nơi để xin xác minh, địa phương cũng xác nhận cho gia đình, bản thân tôi cũng là bộ đội nên niềm mong mỏi, khắc khoải bố chưa được công nhận là liệt sĩ vẫn đau đáu trong gia đình tôi.
 
“Hôm nay tôi rất mừng vì bố tôi đã được công nhận là liệt sĩ. Nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đất nước mình còn nhiều người đã hi sinh xương máu nhưng chưa được công nhận. Đấy là nỗi khổ riêng, là sự thiệt thòi cho các gia đình, chỉ mong sao Đảng, Nhà nước nhanh chóng xác nhận cho những gia đình như chúng tôi nhanh chóng được nhận giấy chứng nhận, để gia đình và con cháu cảm thấy vinh dự”, ông Đức bày tỏ.

Niềm xúc động xen lẫn tự hào cũng rạng ngời trên nét mặt ông Nguyễn Quang Rướng- con liệt sĩ Nguyễn Quang Rực (sinh năm 1918) quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cụ Rực tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên từ năm 1936. Sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, cụ được kết nạp Đảng vào năm 1944 khi 26 tuổi. Năm 1945, cụ được phân công làm Chủ nhiệm cách mạng lâm thời đầu tiên của xã Tràng Lũ nay là xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 1949, cụ được cử làm Trưởng Ban tuyên truyền địch vận huyện Phụ Dực. Đêm 21/3/1951, cụ được phân công vận động quần chúng bám đất, rào làng kháng chiến khi địch tổ chức trận càn Ma đờ ri và cụ đã bị địch phục kích bắn chết.
 
“66 năm đã trôi qua, vì nhiều lý do và khó khăn trong xác lập hồ sơ, gia đình chúng tôi vẫn chờ đợi một sự ghi nhận chính thức đối với sự hi sinh của bố tôi. Anh trai tôi là liệt sĩ hi sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Bản thân tôi là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, sĩ quan quân đội, thương binh ¾. Bà nội tôi cũng được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tự hào về truyền thống của gia đình, nhưng nỗi khắc khoải về sự ghi nhận chính thức của Nhà nước đã đi cùng với gia đình chúng tôi trong suốt 66 năm qua.
 
Nỗi khắc khoải ấy đã chính thức được giải tỏa ngày hôm nay khi gia đình chúng tôi được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với sự hi sinh của bố tôi. Vậy là từ nay, bên cạnh Bằng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của bà nội, Bằng “Tổ quốc ghi công” của anh trai tôi, có thêm tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” của bố tôi- liệt sĩ Nguyễn Quang Rực”, ông Rướng xúc động cho biết.
 
Niềm vui được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ này không chỉ là niềm vui của mỗi gia đình mà còn là niềm vui, niềm tự hào của dòng tộc. Ông Tạ Văn Sinh (xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) khống giấu nổi sự nghẹn ngào trong giờ phút nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” cho người chị họ - liệt sĩ Tạ Thị Thanh. “Bố mẹ chị Thanh mất sớm, bố mẹ tôi là chú thím đã nhận nuôi cháu.
 
Chị Thanh tham gia thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ và hi sinh tại cầu Bo, Thái Bình năm 1967. Tròn 50 năm qua, gia đình tôi, dòng tộc tôi đã luôn mong mỏi, chờ đợi chị được Tổ quốc ghi công. Và hôm nay, cả gia đình, dòng tộc tôi rất vui mừng khi được đón nhận tấm Bằng “Tổ quốc ghi công”. Chúng tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã quan tâm, đánh giá đúng công lao đóng góp và sự hi sinh xương máu của chị tôi cũng như nhiều gia đình khác”- ông Sinh bày tỏ.
 
Vẫn còn đó sự trăn trở
 
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đến nay cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng (trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng của mình...
 
Tại lễ trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 498 gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ diễn ra chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Trong số 498 gia đình được công nhận liệt sĩ hôm nay, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 94 cụ đã hi sinh từ thời kì chống Pháp cách đây hơn 70 năm, đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ.
 
Các cụ: Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới có công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét công nhận...
 
Tổ quốc mãi ghi công các Anh hùng liệt sĩ
 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân, Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả, đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
 
Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo qui trình giải quyết tồn đọng nói riêng, tính đến 30/6/2017, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 Bằng “Tổ quốc ghi công”; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh...
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2017, Bộ LĐTBXH đã ban hành quyết định về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017, căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố, trong cơ quan quân đội, công an. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.


Phát biểu tại lễ trao tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” tới các gia đình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: Điều băn khoăn, trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay là vẫn còn một số lượng không ít những người có công chưa được xem xét công nhận do không còn giấy tờ, hồ sơ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc hiện không còn.

Đến nay, cả nước vẫn còn trên 3 vạn trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp chưa xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau xin ghi lòng tạc dạ và mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến, đóng góp, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng, của dân tộc.

Chúng ta xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rằng: Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống, sẽ luôn làm hết sức mình trong việc tìm mọi biện pháp, giải pháp để xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi với người có công và thân nhân của họ”.
 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51
Đang tải...