Vợ chồng “hiệp sĩ mù”

2016-06-28 13:24:10 0 Bình luận
Ngày anh Nguyễn Văn Đến (46 tuổi, quê Trà Vinh) và chị Bùi Thị Kim Loan (42 tuổi, quê Khánh Hòa) chung sống, ai cũng tỏ ra ái ngại vì: “Chồng mù lấy vợ mù thì biết nhờ cậy ai, biết làm chi mà ăn”. Nhưng cặp vợ chồng ấy đã đồng cam cộng khổ, không những sống hạnh phúc bên nhau mà trong cảnh thiếu thốn, họ vẫn không ngần ngại dang tay cưu mang hàng chục đứa trẻ côi cút, những người khiếm thị, khuyết tật...


Chị Loan và những đứa trẻ được vợ chồng chị nuôi dưỡng.


Đám cưới đặc biệt

Người dân ấp Phú Hòa (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) gọi anh Đến, chị Loan là vợ chồng “hiệp sĩ mù”. Căn nhà nhỏ của vợ chồng “hiệp sĩ mù” nằm gần cuối con đường quanh co, hai bên là hàng trúc tỏa bóng mát rượi. Bên kia là cánh đồng ngô đang mùa đơm hoa.

Là con gái thứ chín trong số 10 anh chị em, cha mẹ mưu sinh bằng nghề làm rẫy ở vùng đồi núi thuộc huyện Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), chị Loan sinh ra chị cũng bình thường như bao đứa trẻ khác.

Lên 5 tuổi, chị không may lên cơn sốt, nóng ran cả hai mắt. Cả nhà đều lên rẫy làm từ sớm. Cô bé Loan ở nhà một mình, không chịu đựng được cơn đau đã tự lấy khăn nhúng nước chườm lên mắt.

Cơn sốt càng nặng hơn, hai mắt nổi bọng nước, mưng nhức. Chiều tối, người mẹ trở về mới hoảng loạn ôm con đến trạm xá nhưng không may cô bé đã bị nhiễm trùng hỏng đôi mắt.

Từ đó, Loan phải dang dở việc học, hàng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà làm bạn cùng những con vật nuôi. Quyết không để mình ngơi tay, chị tập làm quen với bóng tối, tập ghi nhớ vị trí từng vật dụng trong nhà. Dù không thể nhìn thấy nhưng một mình chị đã quán xuyến việc nhà đỡ đần cho mẹ cha.

Năm 12 tuổi, chị Loan được mẹ dắt vào quê ngoại ở TP.HCM. Lần đầu tiên chị được đến trường học chữ nổi, được làm quen với những người cùng cảnh ngộ.

Năm 20 tuổi, chị tham gia vào lớp học nghề xoa bóp kết hợp bấm huyệt, vật lý trị liệu. Bốn năm sau, trong một lần về thăm ngoại, chị gặp anh Đến khi anh đang đi bán vé số mưu sinh. Anh Đến cũng cùng hoàn cảnh như chị, nhưng may mắn hơn một chút là đôi mắt không mù hẳn mà còn nhìn được nhập nhòe.

Anh Đến sinh ra trong một gia đình khá giả ở Trà Vinh. Từ nhỏ được cha dạy cho món đàn, nhưng không chịu đựng được cảnh tật nguyền chỉ lui tới trong nhà, một mình anh bươn chải lang thang lên Sài Gòn tự lực mưu sinh.

Không muốn gia đình tìm kiếm, anh đổi tên Phong, hàng ngày cần mẫn đi bán vé số, tối đến cùng cây đàn đi hát nghêu ngao. Những ngày rảnh rỗi, anh dùng số tiền kiếm được học thêm đàn ghi ta, piano. Cũng vì tiếng đàn động lòng người của anh khiến chị Loan mê “như điếu đổ”. Còn anh thương chị vì đức tính kiên cường, lạc quan. Họ về cùng một nhà.

Chị kể, ngày anh chị đến với nhau, cha mẹ chị chỉ lặng lẽ khóc, còn gia đình anh thì phản đối kịch liệt. “Cha mẹ anh muốn vợ của anh là một người sáng mắt. Họ nói “chồng mù phải lấy vợ sáng, đằng này cả hai đều mù lòa thì biết làm gì được mà ăn”. Nghe vậy tui rất buồn nhưng anh luôn động viên, an ủi “rồi sẽ đến ngày cha mẹ hiểu ra và chấp nhận””, chị Loan tâm sự.

Ngày đám cưới, gia đình anh Đến không ai tham dự. Thương đôi vợ chồng trẻ, những người dân trong xóm nghèo đành “đóng vai” nhà trai đến rước dâu.

Mái ấm của hàng chục mảnh đời bất hạnh

Sau ngày cưới, vợ chồng anh Đến, chị Loan dắt díu nhau về sống trong một căn phòng trọ tồi tàn, ọp ẹp. Hàng ngày, anh đi bán vé số, đi đàn đám cưới, còn chị làm ở một trung tâm massage dành cho người khiếm thị.

Ai thuê gì họ cũng làm nhưng “thắt lưng buộc bụng” vẫn chật vật. Trong khó khăn triền miên, những đứa trẻ nối nhau ra đời. Chị phải ở nhà tay bồng tay bế con, mọi gánh nặng oằn lên vai anh.

Hơn 10 năm cơ cực mưu sinh vẫn không khá hơn là bao, đầu năm 2000, có người thương hoàn cảnh vợ chồng chị, gửi tặng vốn liếng cho hai người làm ăn.

Sau nhiều đêm trằn trọc, vợ chồng chị quyết định vay mượn thêm mở một quán cà phê vườn, kết hợp phòng vật lý trị liệu. Tiếng lành đồn xa, khách đến ngày một đông. Trong số đó có rất nhiều vị khách đặc biệt. Đó là những người không may bị khiếm thị, khiếm thính, bị bại liệt bởi chất độc da cam, trẻ mồ côi cơ nhỡ...

“Hôm đầu tiên là bà cụ khiếm thị đi bán vé số ghé vào, tui không nỡ lấy tiền nước của bà. Bà kể không có chồng con, một mình đi bán rồi bạ đâu ngả lưng ở đó. Thấy mình khổ nhưng bà khổ hơn mình nên vợ chồng tui bàn nhau cho bà ở lại nhà, xem bà như người thân.
Mấy hôm sau có mấy bốn đứa trẻ không cha, không mẹ tìm đến, nghe đứa nào cũng có cảnh éo le. Tui bảo chúng ở lại cùng phụ giúp bưng nước cho khách, tối đến ngủ chung cùng bốn đứa con tui. Nếu không có chỗ ở chắc chúng phải trở về gầm cầu, ghế đá...”, chị Loan bồi hồi nhớ lại.

Từ ngày đó, lại thêm những em nhỏ mồ côi cha được mẹ ôm đến nhà anh Đến, chị Loan “cầu cứu”, hoặc những đứa trẻ bại liệt bởi chất độc màu da cam... Bất kể ai tìm đến, vợ chồng chị đều sẵn lòng dang rộng đôi tay, có cơm ăn cơm, có cháo cùng ăn cháo.

Đã hơn 10 năm nay, vợ chồng chị cưu mang hàng chục mảnh đời. Trong đó sống cùng vợ chồng chị có sáu cụ già neo đơn, 17 thiếu niên khiếm thị, tám thiếu niên bại liệt, và 12 em bé côi cút, đều được ăn học. Đám trẻ yêu thương, ríu rít ôm chân níu tay gọi vợ chồng chị là “má Loan”, “ba Đến”.

Không chỉ cưu mang từng miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày, vợ chồng chị còn truyền dạy cho đàn con “cần câu cơm”. Chị Loan dạy nghề massage, bấm huyệt, còn anh Đến dạy cho các con học đánh các loại đàn.

“Còn nhớ ngày trước, vợ chồng tui đến đâu xin việc người ta cũng kì thị bảo rằng “mù mà làm được gì”. Nhưng vợ chồng tui đã chứng minh được rằng người mù làm việc không kém người sáng.
Đến nay vợ chồng tui muốn những ai cũng mang số phận như mình có thể tự lực cánh sinh. Nhưng để làm được phải có một nghề trong tay... Vợ chồng tui sức khỏe đã yếu không biết còn nuôi các con được bao lâu, chỉ hi vọng đến đâu hay đến đó...”, chị Loan nói.

Chị kể, trong những đứa trẻ anh chị nuôi nấng có cậu bé Nguyễn Hoàng Anh (21 tuổi). Hoàng Anh bị liệt nửa người bên trái, tay chân co quắp không hoạt động được. Sau hơn bảy năm chị cần mẫn chăm sóc, dạy dỗ, đến nay Anh đã đi lại được, hai tay linh hoạt, cuộc sống đã có thêm nhiều niềm vui.

Chạng vạng tối, chỉ còn sót lại vài ánh hoàng hôn bảng lảng, những tia sáng lập lòe len qua tấm tôn thủng lỗ chỗ. Chị Loan gầy nhỏ, đôi mắt dị tật hõm sâu lại tất bật quét tước, chuẩn bị bữa cơm tối cho đại gia đình hơn 40 người (vợ chồng chị, bốn người con và 38 người anh chị cưu mang.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14

MIK GROUP khởi công giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City

Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường BĐS nhà ở khu vực phía Tây.
2024-04-23 10:49:47

Chuyện về con tàu Đại Lãnh trong trận chiến Gạc Ma 1988

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí mới đây, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND kể, năm 1999, khi ông đang là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, miền Trung có lũ lụt cực lớn.
2024-04-23 10:37:37

Phú Yên: Cần sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư

Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Đạo (sống tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phản ánh về việc: Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi đất khi doanh nghiệp đang thực hiện dự án Khu đô thị du lịch năng lượng xanh.
2024-04-23 10:00:31

Quý I có 66 vụ cháy, Nghệ An chỉ đạo phòng chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng đang tới gần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
2024-04-23 08:15:00

Quán cà phê với những "bông hoa" đặc biệt

“Bông Hoa” là từ mà mọi người ở quán dùng để gọi nhân viên, đưa tay chụm lên miệng rồi mở bung ra là cách “nói” lời cảm ơn, hay gọi món bằng kí hiệu tay chính là những điểm đặc biệt khiến quán cà phê Flow-ee như một ngôi nhà chung của các bạn trẻ khiếm thính.
2024-04-21 23:22:53
Đang tải...