Chuyện tình cổ tích ở làng phong Quy Hòa

2018-08-22 14:51:39 0 Bình luận
Đồng cảnh ngộ tật nguyền vì bệnh phong, hai con người nguyện chia sẻ yêu thương, gắn kết đời mình lại với nhau, cùng chung sống hạnh phúc trong căn nhà ở làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Điều đáng mừng là họ có được đứa con trai lành lặn hiện đang theo học ngành y, với mong muốn sau này góp sức chữa bệnh cho bà con làng phong nơi đây. Với họ, cuộc sống như vậy là đã viên mãn…

1. Dọc theo con đường bê tông nhỏ chạy giữa những dãy nhà cũ kỹ ở làng phong Quy Hòa, chúng tôi dễ dàng quan sát được cuộc sống thường nhật của dân làng. Vì đều bị bệnh phong nên hầu hết mọi người bị khuyết tật và chuyện "người thật chân giả" ở đây cũng quá đỗi bình thường.

Trước mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông đang nghễnh ngãng, đập đập bàn tay trụi ngón vào chiếc radio cũ kỹ, rồi quay đầu nhìn người đang ngồi phía sau sắp xếp lại mấy bình nước khách vừa trả, bảo: "Bà này, nghỉ tay rồi lại đây ngồi nghe bài chòi. Hay lắm!". Giữa trưa, chiếc radio cũ kỹ đang phát bài "Bình Định quê hương tôi", đôi vợ chồng ngồi cạnh nhau, đôi mắt hấp háy nhìn nhau trìu mến.

Hỏi chuyện mới biết, ông là Phạm Văn Lem (63 tuổi, dân tộc Hrê, quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), còn bà là Phan Thị Hà (60 tuổi, dân tộc Kinh, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Nhìn đôi vợ chồng này, ít ai nghĩ rằng, trước đây ông Lem từng là một chàng trai khỏe mạnh, đào hoa; bà Hà từng là một cô gái xinh đẹp như bông hoa của núi rừng cho đến khi họ bị gọi là… "đồ hủi".

Ông bảo, hồi mới đến làng phong này, tay ông chỉ còn… 1 ngón, còn cầm đũa gắp thức ăn được, nhưng về sau thì chẳng còn ngón nào. Hai chân của ông bị con vi khuẩn hansen (vi khuẩn gây ra bệnh phong) "quậy" đau đớn đến tột cùng. Đến nay, sau nhiều lần cắt bỏ, giờ hai chân chỉ còn từ đầu gối trở lên, đủ để lắp chân giả.


Hai mảnh đời “sỏi đá tìm nhau”.


Ngước nhìn vào khoảng không vô định phía trước, ông Lem kể, trước kia mình cũng là chàng trai khỏe mạnh, sống như con thú trong rừng mạnh mẽ và cũng có một thời yêu đương với những cô thôn nữ cùng trang lứa.

Nào ngờ đâu năm 20 tuổi, đang trong lúc làm nương rẫy, ông cảm thấy trong người nóng bừng, da bắt đầu nứt nẻ, tê nhức khôn cùng. Mọi người trong gia đình hết sức hoảng hốt đưa về nhà để thuốc thang điều trị. Nhưng thời gian, căn bệnh vẫn không hề thuyên giảm, mà ngược lại da thịt của ông ngày càng thối rữa, các đốt ngón tay cứ rụng dần.

Nghĩ con mắc phải căn bệnh lạ nên cha mẹ ông Lem đã chạy vạy vay mượn tiền bạc mua lợn, mua rượu về rồi mời thầy cúng đến giải hạn. Nhưng rồi, khi các "thầy" cao tay lần lượt đến rồi lại đi trong ánh mắt sợ hãi thì cũng là lúc gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Gia đình rơi vào cảnh khó khăn khôn cùng.

Khoảng một tháng sau đó, người làng cho rằng chính ông Lem đã bị "con ma rừng" làm cho thân tàn ma dại ra như thế. Mà "con ma rừng" ở trong người ông thì sẽ lây sang những người khác, làm nguy hại đến dân làng. Mặc dù cha mẹ đã cố nài nỉ để ông được ở nhà cho gia đình chăm sóc, nhưng lệ làng không cho phép nên cuối cùng ông bị đuổi ra khỏi làng.

Sau 5 năm sống một mình trong rừng, đến năm 1980, một đoàn bác sĩ của tỉnh Quảng Ngãi đến làng khám chữa bệnh cho người dân, ông Lem lần mò về làng xin khám bệnh.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện ông bị bệnh phong, sau đó liên hệ rồi đưa ông đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa chữa trị.

"Lúc đó, trong suy nghĩ của tôi, không có con ma nào ám cả, chẳng qua đó là một căn bệnh kỳ lạ mà mọi người trong làng chưa gặp. Tin tưởng vào cuộc đời nên tôi cố gắng bám lấy cuộc sống và tồn tại trong rừng đến 5 năm. Những ngày tháng sống ở rừng, bây giờ tôi không dám kể lại, bởi nó ám ảnh lắm. May mà nhờ có các bác sĩ biết được bệnh tình của tôi.

Khi về làng phong Quy Hòa, tôi được mọi người cưu mang như anh em trong nhà. Điều này đã tiếp thêm nguồn sống mới cho tôi. Và chính nơi này, tôi có được người vợ hiền, lúc nào cũng tận tụy chăm sóc tôi hết lòng", ông Lem vừa nói vừa nhìn vợ đầy xúc động.


Từng có quá khứ đau thương nhưng giờ ông Lem mãn nguyện với cuộc sống của mình.


2. Nghe ông Lem nói, bà Hà bùi ngùi như thấu hiểu được cảm xúc của chồng. Đưa bàn tay co quắp, bà lau giọt mồ hôi đang lăn trên gò má ông. Trước đây, hoàn cảnh của bà cũng chẳng khác người chồng của mình.

Từng là cô gái xinh đẹp ở làng, thế nhưng bệnh phong bất ngờ ập đến khiến đôi bàn tay, đôi chân của bà co quắp, cơ thể đau đớn kéo dài. Dân làng xa lánh, bà rơi vào trầm cảm, buồn tuyệt vọng mặc cho tuổi xuân trôi theo thời gian. Năm 1995, bàn chân ngày càng lở loét, bà quyết định rời nhà đón xe vào nơi này chữa bệnh, rồi duyên nợ đưa bà gặp ông.

Bà Hà bảo, những ngày tháng điều trị ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, bà nghe người ta kể nhiều chuyện cảm động về người đàn ông hiền lành, tốt bụng, dù tật nguyền nhưng hay giúp đỡ người khác. Một lần, bà chủ động bắt chuyện với ông Lem ở khu điều trị của bệnh viện.

Dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng hai người tỏ ra tâm đầu ý hợp. Khoảng một tuần sau, ông Lem mua chục bánh tráng làm quà cho bà. Người phụ nữ tật nguyền khi ấy cảm động không nói nên lời. Cũng từ đó, bà thường hay giúp ông giặt quần áo. Lâu ngày, bà cảm mến thương ông khi nào cũng không biết.

"Hồi đó, vợ tôi thường đến giặt đồ cho tôi, nhưng một thời gian thì tôi không thấy đến nữa. Sau đó, tôi nghe người ta bảo bà ấy buồn lắm. Tôi hỏi nguyên do thì họ bảo bà ấy thương tôi rồi. Tôi gãi đầu gãi tai, nghĩ mình bệnh tật thế này sao bà ấy lại thương. Tôi lảng tránh nhưng mọi người cứ nói vào nên tôi đến gặp. Chúng tôi bốn mắt nhìn nhau ngại ngùng chẳng biết nói gì. Rồi tôi nghĩ bà ấy đã không chê mà đem lòng thương nên cũng bớt mặc cảm. Cuối cùng, chúng tôi... sỏi đá tìm nhau…", ông Lem bộc bạch.

Quyết định gắn bó với nhau, hai người cùng báo tin cho người thân ở quê biết sự tình. Thế nhưng ngày mẹ bà Hà lặn lội vào Quy Hòa, ông Lem vì mặc cảm mình là người bị tàn phế nên chạy trốn.

Bà Hà biết chuyện nên đi tìm mãi mới đưa được ông về để gặp mẹ vợ tương lai. Nhìn chàng thanh niên tay chân ngủn ngẳn, người mẹ thấu hiểu mọi chuyện, liền bảo: "Các con đều bệnh tật. Nếu đã có tình cảm thì hãy thương nhau trọn đời". Câu nói ấy khiến ông Lem cảm động khóc sụt sùi. Được người mẹ chứng giám, hai người nên vợ nên chồng.

Sau ngày cưới, vợ chồng ông Lem xin một ngôi nhà nhỏ trong làng phong này để nương trú. Sống được 3 năm, bà Hà sinh ra cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Phạm Hà Linh, niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội. Càng vui hơn khi cha mẹ đều mắc bệnh nhưng cậu con trai lớn lên mạnh khỏe, thông minh.

"Khi tôi sinh cháu ra khỏe mạnh, không những vợ chồng tôi vui mà tập thể y, bác sĩ và bà con ở làng phong nơi đây cũng vui mừng không kém. Họ ví đó như là phép nhiệm màu", bà Hà tâm sự.


Dù cơ cực mấy bà Hà cũng chịu được, miễn sao con học nên người.


3. Ông Lem bảo, lúc Linh tròn 4 tuổi, bệnh phong một lần nữa hoành hành, ông tiếp tục trải qua phẫu thuật cắt chân. Lúc ấy, ngoài cơn đau thể xác, lòng ông cũng đau như cắt, bởi chuyện này mà vợ ông từng đêm khóc khô nước mắt vì thương chồng. Nhiều lúc nghĩ quẩn, ông muốn chết đi là hết kiếp khổ trần ai nhưng nghe tiếng con bi bô, lòng ông ấm lại tự nhủ mình cố mà gắng sống.

"Bình tĩnh lại, tôi nghĩ đời mình vứt đi vì tật nguyền, nhưng rồi lại có vợ, có con trai lành lặn thì phải cố gắng sống. Nếu cứ ngồi mà nghĩ rằng mình khổ và thua thiệt hơn người đời thì chẳng bao giờ thanh thản. Đời người ai cũng phải trải qua những khó khăn, thế nhưng với vợ chồng tôi, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Cuộc sống bây giờ tôi thấy mãn nguyện lắm rồi", ông Lem xúc động nói.

Để có tiền nuôi con ăn học, mua thêm thuốc men chữa bệnh cho hai vợ chồng, bà Hà tích góp số tiền các tổ chức, cá nhân từ thiện giúp đỡ gầy dựng đàn gà, mở quán tạp hóa nhỏ ở làng phong Quy Hòa để cải thiện thu nhập.

Thương cha mẹ vất vả vượt qua tật nguyền, suốt 12 năm học, năm nào Linh cũng nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập. Bây giờ, em đang là sinh viên năm 2 ngành điều dưỡng của trường Đại học Đông Á tại TP. Đà Nẵng.

"Cơ cực mấy tôi cũng chịu được, miễn sao con học nên người, sau này trở thành người có ích cho xã hội. Con bảo, học xong sẽ quay về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, có thể góp phần chữa trị cho bà con bệnh phong nơi đây", bà Hà chia sẻ.

Theo ông Trần Công Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân phong Quy Hòa, làng phong Quy Hòa có gần 260 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó có 435 bệnh nhân phong. Đồng cảnh ngộ, họ đến với nhau lập mái ấm gia đình, nương tựa nhau vượt qua số phận bất hạnh.
"Ở làng phong này, chuyện người cùng một dân tộc lập gia đình là bình thường, đáng nói ở đây là nhiều người khác dân tộc cũng đến với nhau để xây đắp mái ấm. Ông Lem, bà Hà đều mắc bệnh nhưng điểm chung là sự đồng cảm. Dù có nhiều bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa nhưng họ biết yêu thương, gắn bó đời nhau, vượt qua bệnh tật, số phận bất hạnh với nghị lực phi thường ngỡ như chuyện tình cổ tích.

Điều đáng mừng là dù cha mẹ mắc bệnh nhưng đứa con không bị lây bệnh và hiện đang theo học ngành y với mong muốn trở về làng làm việc. Từ trước tới giờ, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa luôn tạo điều kiện về học tập và việc làm cho con cái của bệnh nhân ở làng phong này", ông Nghĩa cho biết.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...