Xin chữ - cho chữ xưa và nay: Văn hóa xem trọng chữ nghĩa của thánh hiền
Ngày xưa, ông đồ khăn đóng, áo dài thâm, quần chúc bầu
trắng, chòm râu bạc phất phơ thật cốt cách, trải chiếu ngồi mài mực trên vỉa hè
( Ảnh minh họa )
Người Việt từ xưa có truyền thống
chơi chữ, xin chữ. Người Việt đặc biệt nâng niu và trân trọng chữ khi từ bao
đời nay, những tấm hoành phi, câu đối trong những khu vực đình chùa, miếu mạo
hay trong mỗi gia đình vẫn được sử dụng và luôn được đặt ở những nơi trang
trọng và linh thiêng nhất. Vai trò của ông đồ hết sức to lớn khi vừa dạy chữ,
vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp - một hình thức văn hoá xem trọng chữ nghĩa
của thánh hiền.
Trong thời đại hội nhập ngày nay,
mặc dù kinh tế, văn hóa, xã hội đã có quá nhiều sự thay đổi so với thời xưa,
tuy nhiên, văn hóa Ông Đồ cho chữ ngày Tết vẫn chưa bao giờ cũ. Cứ mỗi dịp
chuẩn bị đón xuân, du khách và những người yêu Nghệ thuật Thư pháp không kể già
trẻ, gái trai đều háo hức đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một mặt vào tham
quan cảnh đẹp của khu di tích lịch sử nổi tiếng của Hà thành một mặt đến để tận
hưởng những giây phút sôi động mà linh thiêng trong cảnh ông đồ cho chữ.
Ngày xưa, ông đồ khăn đóng, áo dài
thâm, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất phơ thật cốt cách, trải chiếu ngồi
mài mực trên vỉa hè. Đằng sau ông giăng đầy những chữ Thần, chữ Phúc và những
câu đối viết trên giấy màu đỏ khổ to. Bên nghiên mực và mấy chiếc bút lông, ông
đồ nằm bò trên giấy chăm chú thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay,
phượng múa. Phố phường từ đó như rực rỡ thêm bằng những tấm giấy lụa, giấy
điều...
Ngày nay, ông đồ có nhiều lứa tuổi khác nhau, một sô ông đồ
trẻ tuổi cũng mặc áo the, khăn đóng tạo thêm dáng vẻ của một nhà Nho (Ảnh minh
họa)
Xin chữ ngày tết, không phải là một
việc đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc
quan trọng của gia đình. Ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng, những nhà có tiền
thì mời thầy về tận nhà để dạy chữ cho con cái, những nhà bình thường thì gửi
con đến nhà thầy, thầy giỏi học sinh khắp nơi kéo đến học.
Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng
của người xin chữ, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta
xin. Người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc,
người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ… Những ông đồ chữ đẹp được mọi người
chú ý rất nhiều, mỗi chữ cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền nên ai cũng muốn mua
cho mình một vài chữ, sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực cũng làm cho ngày tết
thêm màu sắc và hương vị. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ,
tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình.
Ngày nay, văn hóa hội nhập khiến
hình ảnh về khu phố Ông Đồ cũng có một số sự thay đổi, khi bên cạnh những bậc
“cao niên” thì cũng đã xuất hiện rất nhiều “ông đồ” với tuổi đời còn rất trẻ,
thậm chí có ông đồ chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Bên bên cạnh viết chữ Hán, chữ Nôm
thì các ông đồ ngày nay còn viết cả chữ quốc ngữ.
Ngày nay, đối tượng đến với Phố Ông
Đồ ngày tết thường phong phú hơn, tuy vậy, những tinh hoa xưa về cơ bản vẫn
được lưu truyền và gìn giữ. Ông Đồ có nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng các Ông Đồ
già mặc áo the, đầu đội khăn xếp, viết chữ nghĩa vuông vắn, mực thước thường có
đông người ngồi xem cách thể hiện. Mọi người vừa xem, vừa nghe các cụ giảng
giải về nội dung các chữ, cách viết, cách mài mực, viết làm sao cho chữ đẹp
không bị nhoè, không bị chảy mực, giới thiệu về lịch sử của chữ Nho cũng như
dấu ấn của một thời thi cử có mang theo lều chõng của các sĩ tử trong lịch sử.
Khác với những ông đồ già,có một số ông đồ trẻ đầu cũng đội khăn, mặc áo nhiễu
sặc sỡ in chữ thọ để tạo thêm dáng vẻ của một nhà Nho.
Tưng bừng, nhộn nhịp khách đến xin chữ ngày đầu Xuân (Ảnh
minh họa)
Người già thường hay xin chữ Hiếu,
chữ Đức về cho con, người trẻ có hiếu hay xin chữ Phúc cho bố mẹ, ông bà. Người
đi làm công sở thường xin chữ Nhẫn, du khách nước ngoài hay xin chữ Hạnh Phúc. Với
những người buôn bán thường hay xin chữ Phát, chữ Lộc. Đối với chữ Tâm là chữ
được nhiều tầng lớp xin nhất, thường đi kèm với chữ Tâm có hàng chữ nhỏ Phúc Tự Tâm Sinh nghĩa là do cái “tâm”
của mình mà sinh ra cái “phúc”.
Một điều khác biệt giữa ngày nay so
với ngày xưa đó là, theo truyền thống của người xưa, chữ Thánh hiền với các bậc
Nho gia chỉ để cho hoặc tặng chứ không để bán, đã là Nhà Nho thì không ai lại
đi bán chữ Thánh hiền. Tuy nhiên ngày nay, với sự ảnh hưởng của trào lưu hội
nhập thì hầu hết các tác phẩm Thư pháp đều được bán.
Điều đáng tiếc duy nhất khi nói về Ông
Đồ ngày nay có lẽ là việc một số ông Đồ chưa thực sự có đủ trình độ về học
thuật cũng như sự thiếu am tường về văn hóa, thiếu hụt về sự am hiểu tinh hoa
của nghệ thuật thư pháp. Thậm chí có những ông đồ “cho chữ” sai nghĩa, chẳng
hạn: Chữ Phát thành chữ Phạt; chữ Thuấn trong Vua Thuấn thành chữ Thuấn - “nháy
mắt”. Thực tế, trong những năm qua, đã có một bộ phận ông đồ chưa thực sự đủ
trình độ nhưng vẫn hoạt động với mục đích chuộc lợi cho bản thân thay vì cống
hiến cho những giá trị về mặt văn hóa.
Tục xin chữ và cho chữ là một nét
đẹp, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu
văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Đó cũng là
một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của trời đất thì những dòng chữ “như phượng
múa rồng bay” mà thi nhân đã gửi lời, gửi ý, gửi những hoài vọng trong câu đối,
câu chúc Tết để đón chào năm mới cũng là một trong những món quà tinh thần được
biểu thị cho những ước vọng ngày xuân. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm từ lâu
đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của
dân tộc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.