Hoa lan ngày Tết
Thực chất, ông
cha chúng ta từ xa xưa đã rất yêu thích loài hoa lan, coi hoa lan như một loại
hoa thanh cao, quân tử, cao quý, vương giả, xếp trong bộ tứ bình
“mai-lan-cúc-trúc”. Có người đã ví hoa lan là hoàng hậu của các loài hoa, bởi
nó giữ được tươi rất lâu, vài ba tuần hay cả tháng, màu sắc thì tao nhã, hương
thơm thoang thoảng dịu nhẹ mà quyến rũ, ngây ngất lòng người. Tết đến, có giỏ
lan treo trước cửa, đặt bên lối đi, hay trên bàn tỏa hương thơm ngát, ắt hẳn
khách đến chơi sẽ cảm thấy gần gũi, thư thái, tâm hồn hòa vào thiên nhiên, bởi
vậy mà có câu thơ: “Dữ thiên nhân cư, như nhập lan chi thất” tạm dịch là: “Vào
nhà có lan, có chi, thơm tho như được cận kề hiền nhân”.
Theo Nam sử, vua
Trần Anh Tông là một vị vua rất thích chơi hoa lan, ông đã cho trồng một vườn
có tới 500 loài hoa lan khác nhau nằm trong khuôn viên vườn Thượng uyển gọi là
“Ngũ bách lan viên”. Vườn trồng các loại hoa lan bằng nhiều hình thức như: treo
giàn, trồng trong chậu cảnh, cột vào than cây lớn … do chính tay nhà vua và các
nữ “giám lan” chăm sóc, nuôi trồng.
Trong quan niệm
của nhiều người trước kia thường cho rằng hoa lan là một loài hoa thanh cao,
quý trọng nên chỉ những người giàu sang, quyền quý, thuộc tầng lớp trên của xã
hội mới chơi hoa lan, nên trong dân gian có câu: “Quan chơi lan, dân gian chơi cúc”. Thế nhưng, ngày nay, quan niệm
đó không còn cơ sở thực tiễn nữa. Nhiều người có thú chơi lan, tùy theo điều
kiện, hoàn cảnh, có thể chỉ là chăm chút vài ba giỏ lan nhỏ trên góc vườn ở sân
thượng hoặc góc sân hẹp trước nhà, người có điều kiện thì lập cả một vườn.
Phong trào chơi lan đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nơi từ nhiều năm nay, nhất
là những thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…, đã có hàng trăm câu lạc bộ
hoa lan, nghệ nhân hoa lan, công ty xuất khẩu lan…. được thành lập. Nhiều nơi
tổ chức hội thi lan, hội chợ trưng bày lan… thu hút rất nhiều thành phần đối
tượng tới tham quan, thưởng lãm ngay cả với những người không sành chơi lan.
Cây hoa lan được
nhiều người yêu thích không chỉ bởi màu sắc muôn màu muôn vẻ, hương thơm quyến
rũ không loài hoa nào sánh kịp mà còn vì kiểu dáng độc đáo của nó. Đôi khi người
ngắm hoa chợt thấy dáng hoa như cũng có cái “hồn” đồng điệu với tâm hồn mình:
có loại như tinh nghịch, hồn nhiên và cũng có vẻ hơi “kiêu” vượt trội hẳn lên
trên lớp lá xanh tầm thường như: lan Thủy tiên, Hồ điệp…; có loại lại điệu đà,
duyên dáng, uốn cong vắt vẻo như: lan Vũ nữ, Thái bình; có loại lơ đễnh, buông thõng
như: lan Đuôi chồn, Vanda, Y thảo…
Các nước công
nghiệp phát triển như: Anh, Pháp, Đức, Ý, Bỉ … cũng có rất nhiều người ưa thích
hoa lan. Hàng năm các nước này đều phải nhập khẩu một lượng hoa lan rất lớn để
đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ở nước ta, sau
TP.HCM, Hà Nội cũng là một địa phương có phong trào chơi hoa lan rất phát
triển, đã có một số trang trại nuôi trồng lan để xuất khẩu. Tuy nhiên, công tác
tiếp thị còn nhiều khó khăn, về mặt kỹ thuật lai tạo, cấy mô cho ra đời những
loài lan mới còn hạn chế. Vì vậy, mấy năm gần đây vào dịp Tết nguyên đán, Hà
Nội vẫn phải nhập hoa lan từ Thái lan với số lượng không nhỏ.
Vào những ngày
cuối năm, mỗi dịp chuẩn bị đón Tết, bên cạnh những chợ đào, chợ quất rải rác
khắp các phố phường, Hà Nội còn có những chợ hoa lan như chợ Bưởi, vườn hoa
Hàng Đậu, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô… lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người
bán, người mua, người xem chen chúc trong cả một rừng lan muôn màu, muôn sắc,
rực rỡ ngát hương....
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.