Bức tranh tường của Nhân ‘gù’

2019-05-22 15:16:45 0 Bình luận
Cả một gia đình nó phải cõng trên cái lưng gù, trên chiếc Chaly cũ mèm, không đuối mới lạ…

1. Nhân bị gù bẩm sinh. Từ nhỏ tới giờ bạn bè vẫn gọi là Nhân “gù”. Gọi riết rồi thấy bình thường. Mẹ Nhân có bầu nó thì cha nó bỏ. Sinh xong ít lâu thì mẹ có chồng mới, Nhân sống với ông bà ngoại và cậu. Rồi cậu lấy vợ, căn nhà ở thị trấn thành chật, Nhân và ông bà ngoại ra chòi rẫy.

Tôi với Nhân học chung từ lớp 6, không thân nhau, đến khi Nhân ra chòi rẫy ở thì thân. Đơn giản tôi đi hái rau cho heo, hay ngang rẫy ông bà Nhân xin nước uống. Rẫy có nhiều thứ để ăn, một trái bắp lẻ trên cây, trái ổi ẩn sau cành chìa bên bờ ao, trái chuối chín cây... Hai thằng cứ nhẩn nha vừa chơi, vừa nói chuyện, vừa kiếm đồ ăn như vậy. Có bữa Nhân nói: “Mày phụ tao tưới rẫy, chút tao phụ mày hái rau”. Có bạn chơi, thành ra những buổi đi hái rau cũng thú vị.

Nhân vẽ đẹp, thích làm họa sĩ nhưng rồi chỉ thành thợ vẽ. Hồi đi học, mỗi cái Tết nó tìm giấy vỏ bao xi măng vẽ mấy bộ bầu cua tôm cá cho người ta đánh bạc mấy ngày xuân, kiếm tiền mua sách vở. Học hết cấp III, nó đi vẽ biển hiệu hoặc nhận lại mấy cái khẩu hiệu bờ tường từ xã tới huyện. Nhưng cũng chẳng mấy khi có việc.

Ông bà Nhân qua đời, đám rẫy cằn dĩ nhiên của cậu nó. Lần này thì Nhân vô gia cư thật. Tôi về, ra rẫy tìm không thấy, nghe lòng buồn thiu. Không biết tìm Nhân ở đâu. Bạn bè chỉ biết nó đi xa, xa cỡ nào thì không rõ.

Rồi lần đó, từ Hà Nội tôi vào Lâm Đồng viết bài. Tối đó tôi nghỉ nhờ nhà cô bạn ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. 9 giờ đêm, phố huyện vắng tanh, tôi từ một quán rượu lững thững ra về. Từ một cái lán hớt tóc ven đường nghe tiếng gọi: “Hiển, phải mày không Hiển?”. Nó ào ra nắm tay, lắc vai như kiểu mấy kiếp rồi mới gặp…




Nhân “gù” với chiếc Chaly để đi làm mướn và bức tranh mà Nhân vẽ tại trường mẫu giáo. Nhân đã xong bốn bức, còn hai bức vách đang dang dở. Ảnh: ĐỨC HIỂN


2. Hai tháng sau tôi vào lại Lâm Đồng, về Tùng Nghĩa thì Nhân đi đâu mất. Về quê cũng không thấy. Hóa ra nó về Sơn Hải, một làng chài heo hút bên Mũi Dinh và nhờ mái hiên của nhà người ta làm chỗ hớt tóc. Bìa núi gần đó có một gia đình còn nghèo hơn nó, làm nghề chăn dê thuê cho thiên hạ. Nhà có đứa con gái lớn tuổi, chưa chồng. Ở bìa núi, không có ai là hàng xóm nên cô gần như suốt ngày không nói, đi chăn dê thì cũng chỉ có cỏ cằn, đá núi và những cơn gió như muốn ném cả người lẫn dê vào vách đá. Chẳng biết sao Nhân quen rồi lấy làm vợ. Gọi là lấy cho oai, chứ cũng chẳng cưới hỏi gì. Nó không có tiền, mà người ta cũng biết phận nên không đòi.

Vợ có bầu rồi sinh con, cái mái lều ven núi với đàn dê không thể chứa nổi gia đình nhỏ với đứa con nay sài mai ghẻ. Nhân dặn vợ: “Em ở đây, mấy bữa anh về dưới đồng bằng tìm đất xây nhà”. Nhân về, bà dì thương tình cho một miếng đất ven bìa nghĩa địa, tứ bề cát và gió biển.

Chỗ đó ở phường Mỹ Bình, cuối đường 16-4, đối diện là những resort trải dài, sau lưng là TP Phan Rang nhưng cái đám mả thì nửa thế kỷ nay vẫn thế. Vợ chồng nó tính cất nhà lên đó với hàng xóm láng giềng là những ngôi mộ.


Nhân về, nói với tụi bạn: “Tao làm nhà, vợ con cần chỗ ở mà kẹt quá”. Bạn bè hỏi: “Mày có bao nhiêu?”. Nó nói có 500.000 đồng, cả bọn cười ngất. Nhưng rồi thấy nó nói bằng thái độ nghiêm túc quá thì cả đám xúm vô, đứa góp tiền, đứa hùn mấy chục mét tôn cũ và mấy cánh cửa. Hai tuần sau, nó kiếm được ba con gà làm tân gia. Ngôi nhà 30 m2 xây bằng gạch táp lô, nền láng xi măng với những cánh cửa không giống nhau đã ra đời.

Nhân đi hớt tóc dạo và vẽ khẩu hiệu thuê rồi để dành được hơn triệu, mua chiếc Chaly cũ đi làm mướn. Xe mua được nửa tháng thì bị tai nạn, BV tỉnh chuyển vào Chợ Rẫy, nhỏ bạn học đi nuôi và vận động bạn bè góp tiền bắt inox vô chân. Nửa tháng sau thì nó ra viện, về quê và tự hào chân cứng nhất tỉnh Ninh Thuận vì trong xương có inox. Rồi mấy tháng sau cô bạn lại gọi bạn bè hùn tiền cho nó mổ chân lấy inox ra, nó nói: “Chân tao giờ bình thường như mọi người”.

3. Tôi lại vào bệnh viện thăm Nhân “gù”. Nó số con rệp, đi Sài Gòn hai lần đều trên xe cấp cứu, còn cả năm nó cắm mặt trên những con đường cát, đi vẽ biển hiệu, trang trí lớp mẫu giáo thuê.

Người bình thường nuôi cả gia đình đã khó. Còn nó vô gia cư, tàn tật, vợ thì rửa ly chén thuê, hai đứa con đang học cấp II. Cả một gia đình nó phải cõng trên cái lưng gù, trên chiếc Chaly cũ mèm mua lại giá 1 triệu đồng từ mười mấy năm nay. Không đuối mới lạ! Hôm đi, nhà nó còn mấy triệu, vợ nó giữ lại 500.000 đồng để… sinh sống cho đến ngày Nhân hết bệnh trở về.

Nó lẽ ra không bệnh nặng vậy. Nó bị ho từ lâu nhưng chỉ mua thuốc uống. Nhân biết trong người có bệnh mà không dám đi chữa, không có tiền và sợ mất thu nhập thì con đói. Tới chừng thấy yếu quá, bạn bè bắt đi khám, lòi ra một đống bệnh. Bạn bè bắt nghỉ làm tới giờ.

Hôm Nhân lén đi làm, trang trí vách tường cho một trường mẫu giáo. Sáu bức tranh vẽ trong bảy ngày, được trả 3 triệu đồng gồm cả tiền công lẫn vật liệu. Nhân mới xong bốn bức, còn hai bức vách đang dang dở.

Thôi Nhân “gù” ráng chữa bệnh, cố khỏe để quay về với vợ con. Dù vô gia cư thì vẫn là một gia đình; và Nhân vẫn còn những bức tranh dở dang cho trường mẫu giáo.

Sao bạn vẽ toàn cảnh tươi sáng, hạnh phúc mà đời bạn khổ thế, Nhân “gù”?

Phổi, gan và thận của Nhân đều viêm nặng, bội nhiễm. Thể trạng yếu do viêm phổi lâu ngày. Nói chuyện khó khăn, bụng to, người rất mệt. Em trai (khác cha) của Nhân đi làm công nhân, bỏ việc vào chăm anh. Vợ Nhân bị hạn chế khả năng giao tiếp nên không thể vào chăm, ở nhà lo hai con.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB là đại diện ngân hàng Việt Nam đầu tiên, duy nhất giành cú đúp giải thưởng tại DIGITAL CX AWARDS 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.
2024-05-06 15:28:07

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cảm xúc ‘sau 70 năm, 2 con gái nhìn thấy cha mình’

Cầu truyền hình có tên “Dưới lá cờ Quyết Thắng” tái hiện những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
2024-05-06 06:35:00

Chính sách với người có công tại huyện Yên Thành, Nghệ An

Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là địa phương có số lượng người có công với cách mạng khá lớn. Đến nay, toàn huyện đang chi trả chế độ hàng tháng cho 5981 người có công trên địa bàn.
2024-05-05 21:10:00

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00
Đang tải...