Chàng trai khuyết tật tạo việc làm cho nhiều người

2021-05-04 10:00:00 0 Bình luận
Phan Minh Quý (sinh năm 1990) tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, từng mang hồ sơ đi xin việc tại nhiều công ty không ai nhận, anh đã vượt lên số phận và được tôn vinh là một trong 64 thanh niên khuyết tật có thành tích xuất sắc, nỗ lực vươn lên giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020.

Phan Minh Quý được tôn vinh là một trong 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2020.

Vượt lên số phận

 

Quay lại 10 năm về trước, không ai, ngay cả Quý cũng không nghĩ rằng từ một người khuyết tật vận động, anh có thể mở xưởng may, trở thành Phó Giám đốc trung tâm dạy nghề, phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Ninh Bình.

Phan Minh Quý (sinh năm 1990) tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sinh ra vốn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng bất hạnh ập đến khi anh mới 3 tháng tuổi.

Một cơn sốt cao kéo dài, đã khiến tay chân anh không thể cử động bình thường. Suốt 10 năm trước khi phẫu thuật, anh phải bò mỗi khi di chuyển.

"Còn nhớ mỗi lần bạn bè ở xóm đang chơi đùa ở nhà tôi. Khi có trò gì ngoài đường vui hơn thì các bạn chạy hết đi, còn mình tôi ngồi lại hiên nhà nhìn theo mà không làm gì được. Cảm giác đó đến giờ tôi vẫn nhớ như in, tủi thân vô cùng", Quý nhớ lại tuổi thơ cơ cực.

Lên 10 tuổi, Quý được phẫu thuật và tập vật lý trị liệu. Ban đêm cũng phải tập bằng cách đặt một bao cát nhỏ lên chân cả đêm, để chân có thể duỗi thẳng ra. Hàng ngày thì tập bê tạ. Sau một thời gian, các khớp và cơ dần ổn định.

"Bước đi đầu tiên, bố bế tôi đặt xuống sân, một cơn gió mùa đông thổi qua đã đẩy tôi ngã xuống. Khi đi học, bạn bè chỉ không may chạm vào người một cái là tôi đã ngã", Quý kể xuống. Khi bạn bè đồng trang lứa đã học lớp 3, Quý mới bắt đầu học lớp 1. Hàng ngày cậu bé khuyết tật được bố mẹ đưa đi, đón về. Học xong lớp 9, Quý xin nghỉ học để đi làm.

Năm 19 tuổi, Quý trốn nhà đi làm. 4 giờ sáng anh bắt xe từ Ninh Bình đến các khu công nghiệp ở Nam Định để xin việc. Trong túi khi ấy chỉ có 500 nghìn đồng tiền mừng tuổi mà anh tiết kiệm từ dịp Tết.

"Bố mẹ vẫn nói là ở nhà bố mẹ nuôi, mình ra ngoài không làm được gì đâu. Nhưng mình nghĩ rằng bây giờ bố mẹ còn khỏe còn nuôi được. Khi bố mẹ già đi thì ai nuôi mình. Đó là bài toán mình không dám trả lời", Quý tâm sự.

Đến Nam Định, Quý không quen một ai, đi xin việc nơi nào cũng từ chối. Anh đành xin làm phun sơn tại một xưởng gỗ mỹ nghệ. Sau một thời gian dãi nắng phun sơn, người Quý gầy hẳn, làn da đen nhẻm. Anh đành về lại quê hương và bén duyên với nghề may.

Bén duyên với nghề

 

Về quê, Quý chọn học nghề may để phù hợp với thể trạng. Hai tháng đầu học may, Quý may trên giấy A4 bằng máy may đời cũ phải đạp bằng chân. Với đôi chân không hoàn hảo của mình, Quý phải rất vất vả để vận hành máy may.

"Hai tháng đầu, cô giáo chỉ cho tôi may kín các tờ giấy A4 để tập cho quen chân. Học may phải rất tỉ mỉ. Khi may sai phải gỡ ra cẩn thận để chỉ gỡ nguyên cái đường chỉ đó ra thôi, không được để bị lỗ kim hay sứt chỉ. Gỡ sai sẽ không có vật liệu mà làm tiếp. Khi muốn dừng phải cầm tay túm bánh đà lại, chảy máu tay cũng phải chịu", Quý chia sẻ.

Học may được 6 tháng, Quý bắt đầu đi xin việc. Anh mang hồ sơ đến hơn 10 công ty nhưng không ai nhận. Vì anh là người khuyết tật, không đảm bảo yêu cầu sức khỏe.

May mắn được một quản đốc công ty đồng ý cho thử việc, giám đốc công ty trực tiếp thử tay nghề, Quý được nhận vào làm ngay lần thử việc đầu tiên.

Làm được 2 năm, Quý thử sức ở một công ty lớn hơn tại Nam Định. Trong công ty 15 nghìn người, chỉ duy nhất anh là người khuyết tật.

"Điều tôi tiếc nuối nhất ở công ty đó là trước kia không học hành đến nơi đến chốn. Khi mình xin vào làm bộ phận kĩ thuật, tay nghề cứng có thể may cả comple rồi. Nhưng ngoài tôi còn một bạn khác cũng xin vào.

Hai người làm cùng một cái áo, mình làm xong nộp trước, bạn kia làm sau cả 1 tiếng. Nhưng mình vẫn không được nhận vì bạn ấy có bằng đại học", Quý tiếc nuối.

Năm 2020, Quý nhen nhóm ý định mở một xưởng may dạy nghề cho người khuyết tật. Được Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Ninh Bình tạo điều kiện, Quý trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Ninh Bình.

Dốc hết số tiền tiết kiệm trong nhiều năm đi làm, cùng tiền gia đình hỗ trợ được hơn 800 triệu đồng. Tháng 5 - 2020 Quý bắt đầu xây dựng xưởng may.

"Tôi nhìn lại bản thân mình bao năm qua đi xin việc rất khó. Nên quyết tâm xây một chỗ dạy nghề cho người khuyết tật như tôi và cả người bình thường. Vừa dạy nghề vừa tạo môi trường làm việc cho họ, để họ có chứng chỉ nghề thì khi đi xin việc sẽ dễ hơn nhiều", Quý chia sẻ động lực mở xưởng.

Mở xưởng trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, anh gặp khó khăn khi tìm nguồn hàng. Xây xưởng xong thì nguồn vốn cạn kiệt, đến lúc hoạt động còn không đủ tiền nấu cơm cho công nhân. Hoạt động được 2 tháng, xưởng mới dần ổn định.

Hiện tại, Quý đang tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân, trong đó có 3 người khuyết tật. Thu nhập tùy theo tay nghề, dao động từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Có người không đủ 2,5 triệu tiền sản phẩm một tháng, Quý sẽ hỗ trợ cho họ lên tối thiểu 4 triệu.

Quý đang hướng dẫn bạn Nguyễn Thị Mai, bị khiếm thính.

Bạn Nguyễn Thị Mai (sinh năm 2000), là một người khiếm thính, không nghe nói được. Trước khi vào xưởng của Quý làm, Mai chỉ biết mò cua bắt ốc. Mai học may bằng cách nhìn anh Quý may rồi làm theo. Sau nửa năm, Mai đã có thể tự may một chiếc áo sơ mi, thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.

"Hiện giờ tôi lo lắng nhất là không có người làm. Tôi phải đẩy mức lương công nhân cao lên so với mặt bằng chung để thu hút, tạo môi trường làm việc thoải mái. Vì giờ rất nhiều công ty lớn khác để công nhân lựa chọn.

Tôi nghĩ tất cả những gì mình làm vẫn chưa đủ. Vì hiện giờ mới chỉ có vài người khuyết tật vào làm. Phải làm sao để tuyển thêm nhiều người khuyết tật hơn để đào tạo cho họ, để họ tự lo được cho bản thân", Quý tâm sự về ấp ủ của mình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nam Định: Thành lập Hội Thương binh nặng tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn - Trưởng Ban vận động thành lập Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2024-2029.
2024-04-17 18:18:05

Khách hàng HDBank rộn ràng nhận thưởng “tiền tỷ”

HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
2024-04-17 16:35:01

Giỗ Tổ Hùng Vương - Nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tức ngày mười tháng ba âm lịch - là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam
2024-04-17 15:17:09

Hải Phòng có công viên ánh sáng đầu tiên

Hải Phòng - Trong dịp lễ 30/4 & 1/5 tới đây, thành phố Cảng sôi động nhất miền Bắc lần đầu tiên xuất hiện một không gian một trải nghiệm mới mẻ, sáng tạo và đầy màu sắc - Công viên Ánh Sáng Đồi Rồng tại Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng.
2024-04-17 15:10:12

Trò chuyện với chiến sĩ Điện Biên về chiến thắng 70 năm trước

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Tạp chí Điện tử Hòa nhập đã có cuộc gặp gỡ và trò truyện với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa tại Nghệ An.
2024-04-17 13:15:00

Hội nghị Thượng đỉnh tăng cường hợp tác kinh tế xanh giữa Việt Nam và Australia

Theo thông tin từ ĐSQ Australia: Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh Australia - Việt Nam được tổ chức vào ngày 16/04 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 150 lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia từ Australia và Việt Nam.
2024-04-17 11:21:19
Đang tải...