Cô gái bại não mê đọc sách, mở thư viện miễn phí tại nhà
Nguyễn Lan Hương (27 tuổi) ở xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình mắc bệnh bại não từ nhỏ. Khi mới chào đời, cô chỉ nặng 1,5kg, đến 6 tháng tuổi, thân hình Hương vẫn nhỏ thó, cha mẹ đặt đâu Hương chỉ biết nằm im đó. Lớn lên dần, nhìn thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Hương ước mơ được như các bạn.
Hương bắt đầu học đọc, viết khi em trai vào lớp 1. Lúc đó mẹ dán bảng chữ cái lên tường để dạy em trai học, Hương nằm bên cứ nhìn bảng chữ cái học theo rồi tự đọc được lúc nào không hay. Vì không thể cầm bút bằng tay, Hương phải sử dụng đến miệng. Đến bây giờ, cô có thể ngậm bút bằng miệng và viết thuần thục.
Hương tự học đọc, viết và có đam mê về sách
Từ ngày biết đọc, biết viết Hương luôn có tình yêu với sách. Những cuốn sách đầu tiên Hương đọc là sách giáo khoa của em trai, sau này là sách về kỹ năng sống, phát triển bản thân. Sách là con đường giúp cô tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Lấy từ cảm hứng từ anh Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật đã mở không gian đọc mang tên “Hy vọng”. Hà Cừ cho Hương mượn nhiều cuốn sách, mẩu chuyện. Hương mở thư viện sách mang tên “Niềm tin” tại nhà mình từ cách đây 6 năm với mong muốn mang văn hóa đọc đến nơi mình đang sinh sống.
"Không gian đọc ở nông thôn rất hiếm. Nhưng người có sách đọc xong, để không cũng lãng phí. Trong khi thư viện là chỗ để mọi người có thể góp sách để cho nhiều người khác cùng đọc. Mình thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi có thể làm được điều gì đó cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn học sinh ở nông thôn, thông qua thư viện này", Hương tâm sự.
Khi mới thành lập, thư viện chỉ có 500 đầu sách xin được từ những nhà hảo tâm. Dần dần, số lượng sách tại thư viện ngày càng nhiều và phong phú hơn với hơn 2.985 đầu sách. Thư viện luôn mở cửa miễn phí cho những người yêu sách.
Thư viện sách cả Hương giờ đã thêm phong phú các thể loại (Ảnh: VTV1)
Từ khi mở thư viện sách, Hương có thêm nhiều niềm vui hơn, không cảm thấy cô đơn nữa vì có nhiều bạn đến giao lưu trò chuyện như người thân trong nhà. Có những dịp cuối tuần thậm chí có 20-30 bạn đến đọc sách và trò chuyện với Hương.
Tương tự, cô gái Trần Thúy Nga, sinh năm 1985, tại một vùng quê nghèo thuộc xã Nghĩa Ðồng, huyện miền núi Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) cũng trở thành "bà chủ" của thư viện sách miễn phí tại quê nhà.
Năm 13 tuổi, mắc bệnh viêm đa khớp khiến Nga trở nên tàn tật, di chuyển khó khăn. Trong những ngày tháng bế tắc đó, Nga tìm đến sách như một người bạn để an ủi. Từ những trang sách về các tấm gương nghị lực, Thúy Nga đã tìm được sự sẻ chia cùng dịch giả Nguyễn Bích Lan trong Không gục ngã, Nguyễn Ngọc Ký với Tôi đi học, Tâm “sida” với Vượt lên cái chết, Nick Vujicic với Không gục ngã....
Dần dà, cô gái nảy sinh ý tưởng mở thư viện sách miễn phí, dành cho mọi người ở quê nhà.
Năm 2004, thư viện của Thúy Nga ra đời, ban đầu chỉ vài chục cuốn sách. Để có tiền mua sách, Thúy Nga đã mở một cửa hàng online. Được bao nhiêu tiền, cô lại đổ vào sách nên số đầu sách tăng dần mỗi ngày. Cô đích thân đi chọn mua từng quyển sách.
Đến nay, thư viện của Thúy Nga đã có trên 4 ngàn cuốn sách, được chia thành nhiều chuyên mục như sách dạy kỹ năng sống, sách kỹ thuật, sách văn học, sách thiếu nhi.... Hằng ngày luôn có hàng trăm người tới mượn sách, từ những cô cậu học sinh cho tới giáo viên, những người làm quản lý và thậm chí cả những người lao động.
Sứ mệnh mà Thúy Nga tự nhận là “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương” suốt 16 năm qua đã và đang ươm trái ngọt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.