Đà Nẵng: Người Cựu chiến binh, Thương binh lặng lẽ cống hiến cho đời

2017-12-07 10:07:18 0 Bình luận
Nhiều năm trôi qua… văng vẳng đâu đây lúc gần, lúc xa ông vẫn không quên lời trăn trối của đồng đội: “Mai này, khi cuộc chiến kết thúc! Ai còn sống, nếu có điều kiện hãy giúp những học sinh nghèo. Đừng để chúng không biết chữ như chúng tôi…”. Ông thường ưu tư và canh cánh bên lòng di ngôn đong đầy nhân văn của những người bạn chung chiến hào năm xưa!.

Đến với học sinh miền núi xã Trà Linh - huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam


Từ di ngôn của đồng đội…

Ông Nguyễn Tiến Dân (1951) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, ông gia nhập quân giải phóng hoạt động tại chiến trường Khu 5, ông bị thương năm 1972 (Thương binh hạng 3/4).

Đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ, ra miền Bắc học. Năm 1983, ông trở về Đà Nẵng nhận công tác ở nhiều đơn vị: Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Đại diện Báo Đường sắt, Báo Cựu chiến binh… Năm 2012, ông nghỉ hưu thường trú ở tổ dân phố 40, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê và làm PV thường trú Tạp chí Văn hóa & Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung & Tây Nguyên.

Lúc còn ở chiến trường khu 5, một đồng đội của ông bị thương nặng, biết không qua khỏi đã dặn ông: “Mai này khi cuộc chiến kết thúc! Ai còn sống, nếu có điều kiện hãy giúp những học sinh nghèo. Đừng để chúng không biết chữ như chúng tôi…”. Vốn dĩ, đồng đội của ông ở chiến khu chẳng có cơ hội để đọc thư người thân gởi vào, bởi lẽ “họ không biết chữ”!. Nỗi lòng ông quặn thắt, đau đáu từ di ngôn của bạn năm xưa vẫn mãi khôn nguôi.


Băng rừng, lội suối đến học sinh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn


Hành trình “Thắp sáng ước mơ - Cùng bạn đến trường”

Hồi tưởng lại bước đầu khởi nghiệp thiện nguyện, ông trải lòng tâm sự: “Năm 2000, tôi mới có điều kiện bắt tay vào cuộc. “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc đầu chưa có nguồn tài trợ, tôi tìm đến khoảng 100 nhà hàng ở Đà Nẵng trình bày mục đích nhằm vận động chủ quán bán vỏ lon bia, nước ngọt để mua sách vở cho học sinh nghèo. Họ đồng tình ủng hộ tạo nên một khoản tiền đáng kể. Tôi dùng hết tiền trợ cấp thương binh, một phần tiền quảng cáo từ các hợp đồng thông tin truyền thông, tiền trợ cấp ngày lễ Tết, tiền 30 - 40 năm tuổi Đảng, tiền nhuận bút góp vào làm từ thiện. Mấy chục ngàn nhận được trong mỗi lần đi họp Đảng bộ phường, tôi đều góp vào quỹ thiện tâm này!”.

Cuộc sống của ông cũng chẳng khấm khá gì!. Nhưng nhiều năm qua, ông không quản ngại gian nan, lặn lội dặm trường khắp một dải miền Trung tìm đến những mái trường còn nhiều khó khăn… Ông đến với những học sinh nghèo vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến một buổi tới trường, một buổi theo cha mẹ lên nương kiếm sống… Ông mang đến những cuốn vở, những chiếc áo ấm che thân cho các cháu khi mùa Đông về, góp phần vào bữa cơm đạm bạc để các cháu tiếp bước hành trình tìm con chữ “đầy mồ hôi lẫn nước mắt”.

Những năm kế tiếp, bằng vào sự quảng giao và uy tín của mình; nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến đồng hành với ông. Những năm sau này, có năm số tiền ủng hộ lên đến con số 1,4 tỷ đồng, ông cho biết bình quân mỗi năm chi ra khoảng trên 500 triệu đồng. Hàng ngàn phần quà đã được trao cho học sinh nghèo từ Hà Tĩnh trở vào Quảng Ngãi lên đến Kontum… Trọng điểm là các trường vùng cao, vùng kháng chiến ở miền Trung có địa hình cách trở, học sinh thiếu thốn nhiều bề... Và hằng năm ông cũng đã trao tặng 1.000 tập vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở phường Thanh Khê Đông.

Ông lần giở tập tài liệu lấy ra bức thư bày tỏ lòng tri ân của cháu Phạm Thị Thu Thảo (cựu học sinh trường THPT Thái Phiên - TP. Đà Nẵng) là học sinh nghèo mồ côi mẹ được ông cưu mang giúp tiền ăn học từ những năm đầu cấp 3 đến khi tốt nghiệp Cao đẳng. Một điều đáng ngạc nhiên là cháu Thảo chưa một lần được diện kiến ân nhân của mình, ông mỉm cười đôn hậu nói: “Thi ân bất cầu báo!”.


Vận chuyển hàng đến những nơi còn gặp nhiều khó khăn


Đồng hành với ông trong mỗi chuyến đi có sinh viên tình nguyện, ông căn dặn các bạn trẻ: “Mình đến giúp người thì không nên nhận món quà “trả nghĩa” nào cả. Một tấm lòng thiện nguyện là đầy đủ ý vị!”. Chặng đường hành thiện của ông cũng chẳng suôn sẻ gì. Có những chuyến đi đầy kỷ niệm, gặp trời mưa đường trơn, xe không đi được nữa, ông cùng các thầy cô giáo, tình nguyện viên và học sinh phải nai lưng cõng hàng lội bộ. Khó khăn là thế!. Nhưng ông vẫn đi và đi… đến những nơi cần đến. Tiền và phẩm vật của nhiều người góp tài trợ đều được ông công khai trên Facebook hoặc thông qua thư cảm ơn của nhà trường gửi đến cho từng người để thông báo. Song song với công tác thiện nguyện, ông còn kiêm nhiệm chức năng Đại diện Tư vấn & Trợ giúp Pháp lý cho gia đình Liệt sĩ (Marin) nhằm kết nối thông tin để tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ. Điều ít người biết là ông còn phụng dưỡng người chị ruột trên 80 tuổi bị tai biến, không chồng con từ nhiều năm nay!.

Nhiều năm ông đảm nhận “chiếc ghế” Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh trường THPT Thái Phiên. Ông phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh cá biệt, cùng thầy cô tìm đến nhà học sinh khó khăn nhằm động viên các cháu tiếp tục đến lớp. Ghi nhận sự đóng góp của ông, Bộ GD & ĐT đã tặng ông Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Hội Khuyến học VN tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học”. Năm 2016, Đảng ủy phường Thanh Khê Đông, Quận ủy Thanh Khê tặng ông Giấy khen trong đợt tổng kết “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh”, Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen về tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015”.

Đầu năm 2017, Tết Đinh Dậu đã cận kề, khi được truy nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng với số tiền 3.030.000 đồng, ông đã dành trọn số tiền tặng cho người nghèo ở phường Thanh Khê Đông.


Tặng quà cho học sinh trường Tiểu học xã Trà Thanh và trường THCS Bán trú Dân tộc xã Trà Thanh - huyện Tây Trà - tỉnh Quảng Ngãi


Ông đã thành tâm hiến dâng thi hài cho khoa học khi trái tim ngừng đập và đã được khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng làm thủ tục tiếp nhận. Ông quan niệm: “Sống là cho đi, chết là hiến dâng cho khoa học để cứu người. Tôi biết mình chẳng thể mang theo được gì, vì vậy tôi muốn hiến xác thân cuối cùng của mình cho ngành Y. Thôi thì còn lại xác phàm có thể giúp ích cho đời”. Sự việc này làm chúng tôi thực sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của ông đã thể hiện đầy tính nhân văn của một công dân.

Thời tiết miền Trung đã vào Đông, se se lạnh. Nhưng, trái tim ông vẫn nóng bỏng rực lửa yêu thương dành cho học sinh nghèo nơi rẻo cao!. Ông trút cạn nỗi lòng: “Tôi không quên di ngôn đồng đội trước phút lâm chung. Tôi chỉ làm thay bạn tôi, mong sao các cháu đều được đi học!”.

Mấy mươi năm qua, di ngôn của đồng đội tuy “khẩu thuyết vô bằng”. Nhưng, đối với ông đó là một dấu ấn không thể nào quên như một vết cắt hằn sâu vào tâm tưởng. Và đó cũng chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy ông đến… những nơi cần đến!. Trong thời gian này, ông cùng các thân hữu đã chuẩn bị chuyến hàng đến với những học sinh vùng cao thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hiện tại, dự định vẫn chưa thực hiện vì trước đó vùng này bị lở núi nên xe ôtô chưa vào được.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...