Hà Nội: Gia đình người có công kiến nghị hủy bản án phúc thẩm vì không đúng pháp luật
Theo trong đơn, Bà Vũ Thị Mai Chinh là bị đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất” với nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng Quang (Địa chỉ: Nhà số nhà 32, ngách 83/76, đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Vụ án trên được TAND thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm tại phòng xét xử số 2 ngày 8/7/2020 với Hội đồng xét xử gồm: Bà Nguyễn Thu Hồng, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; Bà Đặng Mạnh Cẩm Yến, Thẩm phán; Ông Đỗ Minh Hoàng, Thẩm phán; Ông Lê Minh Đức, Thư kí phiên tòa; Bà Hoàng Vĩnh Thảo, Kiểm sát viên.
Gia đình bà Vũ Thị Mai Chinh cho biết, đây là bản án không khách quan, không công bằng, không đúng quy định pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Vũ Thị Mai Chinh và ông Vũ Vân khi sử dụng văn bản, tài liệu thiếu cơ sở, không đúng thực tế, có dấu hiệu nhận định sai nội dung văn bản có giá trị pháp lý, vi phạm pháp luật khi tuyên án vi phạm vào điều 254 Bộ Luật dân sự 2015.
Hồ sơ của vụ việc do gia đình bà Vũ Thị Mai Chinh gửi tới tòa soạn
Theo đơn của gia đình bà Chinh, tại giai đoạn sơ thẩm, TAND quận Tây Hồ đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia đôi diện tích đất tranh chấp cho mỗi bên một nửa. Tuy nhiên đến giai đoạn phúc thẩm, TAND Thành phố Hà Nội lại chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích và thiệt hại to lớn về vật chất, tinh thần của gia đình ông bà Chinh.
Trong đơn, gia đình bà Chinh đưa ra 4 vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, TAND Thành phố Hà Nội không khách quan khi xem xét đánh giá chứng cứ trong vụ án khi sử dụng Giấy cam kết đề ngày 09-5-1995 do nguyên đơn cung cấp; đã được Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng xem là chứng cứ. Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, phía bị đơn cũng đã bác bỏ văn bản này bởi sự vi phạm pháp luật về nội dung và hình thức của văn bản như: có hai nét chữ, mức độ đậm nhạt khác nhau của tuổi mực, văn bản có dấu hiệu chắp nối, bổ sung, viết thêm sau khi văn bản đã viết hoàn thành vào phần trống..., gia đình bà Chinh và ông Vân không hề biết có sự tồn tại của văn bản này.
Bị đơn có đề nghị Tòa án trưng cầu giám định Giấy cam kết đề ngày 09-5-1993 do nguyên đơn cung cấp nhưng tòa đã không chấp nhận, điều đó vi phạm điều 102 Bộ Luật TTDS năm 2015.
Thứ hai, TAND Thành phố Hà Nội căn cứ vào các trích lục bản đồ của Sở nhà đất (có tính chất tham khảo) để xác định ranh giới giữa thửa đất số 42 (bị đơn) và thửa đất 43 (nguyên đơn) là không đúng với nguồn gốc, thực tế sử dụng bền vững, ổn định lâu dài của bên bị đơn.
Thứ ba, TAND Thành phố Hà Nội cố tình nhận định sai về Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 046 – Tài liệu có giá trị pháp lý quan trọng chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình tôi.
Tại bản án phúc thẩm số 254/2020/DS-PT, TAND Thành phố Hà Nội nhận định về diện tích đất gia đình tôi đang quản lý: Không có căn cứ để chứng minh thửa đất hoa màu 360 m2 ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử hữu ruộng đất số 046 là thửa đất số 42 làng Yên Phụ, sau này là thửa số 82 tờ bản đồ năm 1994. Nhận định này là sai hoàn toàn. Theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 046, địa bạ số 4, do Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố Hà Nội – ông Trần Duy Hưng ký ngày 28/2/1956 cấp cho cụ Vũ Thị Nghiên có bố đẻ là Vũ Nhuận và con trai là Vũ Văn Vân có 2 thửa đất có cùng địa chỉ cũ là 58 làng Yên Phụ - phường Yên Phụ - Tây Hồ - Hà Nội.
Thứ tư, TAND Thành phố Hà Nội ra bản án phúc thẩm công nhận quyền sử dụng của nguyên đơn đối với diện tích đất tranh chấp 8m2 nhưng không xem xét đến hiện trạng sử dụng đất của bị đơn để đảm bảo “Quyền về lối đi qua” theo quy định tại Điều 254 BLDS năm 2015.
Thực tế, thửa đất 360m2 có địa chỉ số 38 ngách 83/76 làng Yên Phụ chưa được tách thửa nhưng đã có ba công trình nhà cửa độc lập nằm sát nhau trên đất là nhà tôi, nhà bà Hằng và nhà chị Ngọc. Trong đó, nhà của chị Ngọc là nhà cấp bốn nằm phía bên trong, tiếp giáp với thửa đất của nguyên đơn. Phần đất tranh chấp chính là lối đi mà nhà chị Ngọc đang sử dụng. Nếu phải trả lại nguyên đơn 8m2 đất thì chiều rộng lối đi của nhà chị Ngọc chỉ còn khoảng 80cm, không đủ không gian phục vụ sinh hoạt đi lại thiết yếu của mọi người trong gia đình.
Trong đơn, gia đình bà Chinh kính mong Quí cơ quan các cấp quan tâm giải quyết, nhanh chóng vào cuộc để:
Xác minh, thanh tra làm rõ những vi phạm của TAND Thành phố Hà Nội trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm;
Tiến hành xử lý trách nhiệm do có vi phạm của người giữ chức danh trong nghành tư pháp theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC;
Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị bản án có hiệu lực pháp luật theo thủ tục Giám đốc thẩm. Hủy Bản án phúc thẩm số 254/2020/DS-PT ngày 08/7/2020.
Sau khi nghiên cứu đơn, hồ sơ, ngày 03/9/2020, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có Công văn số 59/2020/CV-ĐTHN chuyển đơn (Kèm theo hồ sơ) của gia đình bà Vũ Thị Mai Chinh và ông Vũ Văn Vân tới cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tạp chí điện tử Hòa nhập thông báo để gia đình bà Vũ Thị Mai Chinh và ông Vũ Văn Vân được biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.