Mô hình “Thư viện thân thiện” ở Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn
Cổng ra vào Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Điểm trường khu Bơn Ngạn) - Ảnh: Hồ Thanh
Cô giáo Vũ Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết: Nghĩa Sơn có chiều dài từ đầu đến cuối xã hơn 9 km, có tới 4 điểm trường (khu trung tâm Quần Liêu, khu Tân Liêu, khu Bơn Ngạn và khu Đò Mười). Từ năm 2009, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1. Năm 2020 trường được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia mức 1, đạt kiểm định cấp độ 2 và đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn. Những năm trước đây, nhà trường đã được chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo nhiều lần khen thưởng, năm học 2019 - 2020 vừa qua, trường được UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen.
Một trong những hoạt động được nhà trường đặc biệt quan tâm chính là xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện”. Bởi lẽ, thư viện trong trường mầm non có ý nghĩa rất thiết thực là giúp trẻ phát triển nhận thức, tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận với sách báo, tranh ảnh, hình ảnh qua các con vật, sự vật, hiện tượng xung quanh. Từ đó giúp trẻ hình thành kỹ năng tìm tòi, ham thích đọc sách, nhận biết các nhân vật, loài vật qua tranh ảnh, nội dung câu chuyện và lời kể chuyện của cô giáo. Đồng thời, giúp trẻ tự cảm nhận, sáng tạo, hứng thú khi được tham gia vào các hoạt động trực quan tại thư viện, từ đó hình thành cho trẻ khả năng tự học, từng bước nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục toàn diện.
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn tự tay lắp đặt, bố trí mô hình, tranh vẽ bên trong thư viện.
Từ ý tưởng sáng tạo của cô giáo Triệu Thị Liên dạy lớp 4 tuổi tại điểm trường khu Bơn Ngạn về mô hình “Thư viện thân thiện”, năm 2020 lãnh đạo nhà trường đã tập trung bàn bạc, thảo luận, tìm ra cách làm phù hợp, được tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhà trường nhất trí cao. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khu Bơn Ngạn đã mạnh dạn xung phong nhận nhiệm vụ vận động ủng hộ kinh phí bằng hình thức “xã hội hóa giáo dục”. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách điểm trường khu Bơn Ngạn phối hợp cùng Trưởng ban phụ huynh Vũ Thị Hương trực tiếp tổ chức xây dựng thư viện. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nguồn kinh phí gửi về ủng hộ xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện” của nhà trường đã đạt 158 triệu đồng. Số tiền này đều do các tập thể, cá nhân là những người sống xa quê thành đạt, các bậc phụ huynh và cán bộ, giáo viên nhà trường tự nguyện ủng hộ. Điển hình là nhiều cá nhân đã tự nguyện ủng hộ 10 triệu đồng để nhà trường xây dựng “Thư viện thân thiện” như ông Nguyễn Quang Thành (thành phố Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Văn Ngũ, ông Nguyễn Văn Hai và bà Nguyễn Thị Hường (đều ở Hà Nội)… Những người khác tùy theo điều kiện, khả năng đã ủng hộ nhà trường bằng tiền mặt hoặc vật tư để xây dựng, hoàn thiện mô hình “Thư viện thân thiện”. Ngoài ra, nhiều phụ huynh còn tự nguyện quyên góp, ủng hộ, bổ sung vào thư viện nhiều loại sách mới.
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị, độ an toàn thiết bị tại mô hình “Thư viện thân thiện”.
Mô hình “Thư viện thân thiện” (còn gọi là “Thư viện Xanh”) tại điểm trường khu Bơn Ngạn của Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn được xây dựng đẹp mắt, màu sắc tươi sáng, thoáng mát ngay trên nền sân bê tông cũ trước lớp học trong khuôn viên nhà trường. Nền thư viện được trải thảm sạch sẽ, chỗ ngồi thoải mái, có nơi tô tượng, nơi trưng bày nhiều loại sách, tranh vẽ, hình ảnh rất ngộ nghĩnh, phù hợp với độ tuổi và ngang tầm tay của trẻ.
Tại “Thư viện thân thiện”, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như ngày hội đọc sách, cô và trẻ cùng làm sách, vẽ tranh, tô tượng, kể chuyện theo chủ đề đang học hoặc tổ chức cho trẻ các hoạt động đọc sách, bình sách theo nhóm. Đồng thời nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cùng tham gia đọc sách với con, với cháu trong giờ đón trẻ hàng ngày ngay tại thư viện.
Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn (Điểm trường khu trung tâm Quần Liêu) tổ chức đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn cho trẻ trước khi vào lớp học.
Một số hình ảnh hoạt động tại “Thư viện thân thiện” của Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn do nhà trường cung cấp (chọn ảnh gửi kèm)
Với hoạt động tự thiết kế, xây dựng, tổ chức thành công mô hình “Thư viện thân thiện” bằng nguồn vốn “xã hội hóa giáo dục”, Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã tạo nên sân chơi bổ ích, môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho trẻ mầm non thực sự hứng thú khi “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.