Một “cựu binh” bất ngờ trở về quê hương đón tết sau 35 năm “hi sinh“

2016-02-20 15:39:15 0 Bình luận
Sau 35 năm trời biệt tích ở xứ người, người lính tên Đào Văn Dẹn từ Campuchia đột ngột dắt díu vợ con trở về quê hương đón tết trong sự ngỡ ngàng, sửng sốt của người thân và xóm giềng. Người “cựu binh” này đã có một cuộc hội ngộ “lạ kỳ”, đẫm nước mắt.

Người "cựu binh" hội ngộ cùng gia đình sau 35 năm biệt tích.
Cuộc hội ngộ lạ kỳ sau 35 năm thất lạc

Mấy ngày qua, người dân ở ấp Xóm Mới, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri (Bến Tre) vẫn chưa hết ngỡ ngàng, xôn xao trước sự trở về đột ngột của anh Đào Văn Dẹn (SN 1962) sau 35 năm mất liên lạc. Bởi ai cũng đinh ninh rằng anh đã “hi sinh”. Sau 35 năm biền biệt tung tích, cả gia đình không cầm được nước mắt khi thấy anh trở về.

Anh Dẹn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở ấp Xóm Mới, xã Tân Mỹ Chánh (nay là xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri) và có 12 anh chị em. Nhà nghèo, đông anh chị em nên việc học của anh Dẹn chỉ dừng lại ở mức “biết đọc, biết viết”. Đến năm 19 tuổi, anh rời quê hương đi bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở chiến trường Campuchia vào ngày 23.3.1981. Trong quân ngũ, anh là trinh sát ở Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 302, mặt trận 479, tỉnh Siêm Riệp (Campuchia). Anh Dẹn nhớ lại, năm 1985, trong lúc tham gia trận truy quét bọn quân Pôn-pốt anh bị thương ở đầu và lạc mất đơn vị. Anh lạc vào rừng sâu cách đơn vị hàng chục cây số, chẳng biết lối ra khỏi khu rừng và không nghĩ rằng mình sẽ sống sót. May mắn, anh được một phụ nữ Campuchia tên Uối Sên đi rừng phát hiện và đưa về cứu sống. Tri ân người đã cứu sống, cưu mang, chăm sóc mình trong những ngày bị thương nặng, sau đó anh Dẹn và người phụ nữ này đã nên nghĩa chồng vợ.

Do bị thương nên có khoảng thời gian dài, anh bị mất trí nhớ. Đôi lúc tỉnh ngộ, anh mang máng nhớ về quê hương và khát khao có ngày được trở về, tuy nhiên anh chẳng nhớ đâu là nẻo về quê hương xa xôi, cách trở. Đến năm 1988, anh theo gia đình vợ về sống ở tỉnh Kam-pot (Campuchia) và làm nghề trồng lúa. Anh Dẹn chia sẻ: “Những khi tỉnh táo, tôi luôn đau đáu nghĩ về quê hương mình, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em, đến nỗi ăn không được, nhiều đêm tôi ngủ mà nước mắt cứ trào ướt cả gối. Rồi tôi cố nhớ ra tên đất, tên làng mình để tìm về nhưng không cách nào nhớ nổi. Lúc đó tôi bất lực lắm”.

Còn ở quê nhà, anh Đào Văn Thuật - người em trai kế của anh Dẹn - tâm sự, sau ngày anh Dẹn lên đường nhập ngũ, mấy mươi năm không thấy trở về, gia đình đã đi dò hỏi khắp nơi cũng không có tin tức gì. “Từ ngày anh tôi (anh Dẹn - PV) đi bộ đội biệt tích mãi không trở về, chẳng có tung tích gì, gia đình chúng tôi mòn mỏi mong ngóng tin của anh trong vô vọng… Cuối cùng, gia đình đã lập bàn thờ đặt di ảnh anh tôi vì ai cũng nghĩ rằng anh đã chết”, anh Thuật cho biết.

Sau 35 năm lang bạt, tưởng suốt đời không có ngày về nhưng vào một ngày, anh Dẹn được một người đàn ông gốc Việt tên Kông Hiên (quê tỉnh Kiên Giang, Việt Nam) sang Campuchia cày ruộng thuê. Niềm vui được gặp người đồng hương nước Việt sau mấy mươi năm xa quê khiến anh không khỏi bồi hồi. Anh nói bằng tiếng Việt, anh dò hỏi đường về quê nhà, rồi dần nhớ được tên tỉnh, tên huyện quê mình. Sau đó, anh được người đàn ông này tận tình chỉ dẫn đưa anh và vợ con về đến tận quê hương xã Mỹ Hòa vào đúng dịp Tết Bính Thân 2016.

Mấy mươi năm sống tại đất nước Campuchia, trở lại quê nhà anh Dẹn dường như quên gần hết tiếng Việt, nhưng tiếng Campuchia thì anh nói khá rành rọt.

“Cựu binh” mong sớm hồi hương

Kể về cuộc sống mấy mươi năm thất lạc, anh Dẹn nói như khóc: “Xin thưa là sáng đủ, trưa đủ, chiều đủ, không dư”. Rồi anh ngậm ngùi kể những năm tháng khắc nghiệt, cay đắng ở xứ người mà không hề nhớ gì được về gốc tích, nguồn cội của mình. “Đau lắm, buồn lắm và nhớ lắm, khi không tìm về được”, anh Dẹn nói. Để có chi phí trở về quê nhà, anh Dẹn đã bán hàng tấn lúa gia đình thu hoạch trong mấy mùa liền.

Trở về lần này, anh Dẹn còn dắt theo cả vợ con. Nói về người vợ và cũng là người ơn của mình, anh Dẹn chia sẻ: “Vợ tôi ngoài cái nghĩa vợ chồng còn là người đã cưu mang tôi lúc bị thương. Để chữa lành vết thương cho tôi, hồi đó không có thuốc tây, vợ tôi lấy muối nấu với lá me đắp cho tôi lành được vết thương ở trán. Tôi nhớ mãi giai đoạn vô cùng khó khăn, đau thương đó”.

Sau bao năm trời xa cách, người lính năm xưa đã trở về với làn da rám sạm, mái tóc điểm màu sương trắng. Gặp lại người thân, anh Dẹn tỏ ra vui mừng nhưng điều làm anh trăn trở, day dứt và nuối tiếc nhất là khi anh tìm được về đến quê hương thì cha mẹ và người anh cả của anh đã không còn. Anh Dẹn nói trong tiếc nuối: “Trở về quê nhà đúng vào dịp tết, nhìn lên bàn thờ khói nhang nghi ngút, thấy bên cạnh bức ảnh cha mẹ là bức họa hình của tôi được anh em trong gia đình đặt cạnh bên để thờ cúng, tôi đã bật khóc”.

Nói về tình cảm vợ chồng của anh Dẹn, ngoài cái nghĩa trong lòng họ còn có sự mang ơn lẫn nhau. Người mang ơn bộ đội Việt Nam đã giúp đỡ người dân Campuchia truy quét bọn diệt chủng Pôn-pốt, người thì mang ơn ân nhân đã cứu mạng mình trong cơn nguy biến. Chị Uối Sên từng chia sẻ rằng: “Tôi cảm ơn người Việt Nam đã giúp đỡ dân tộc tôi nhiều, nghĩ thế nên tôi yêu thương, gắn bó đời mình với anh Dẹn cho đến bây giờ”. Gần đây, trí nhớ của anh Dẹn dần hồi phục. “Ngày trở về, thấy anh em mình còn đông đủ, quê mình giờ đổi mới quá, nước mình giàu đẹp, tôi vui lòng lắm”, anh Dẹn nói.

Từ hôm anh Dẹn về lại quê nhà, bà con ấp Xóm Mới đông vui hẳn lên. Nhiều người thân, xóm giềng và chính quyền địa phương tới thăm hỏi, chia vui cùng gia đình trước sự trở về của anh. Theo lời anh Dẹn, anh có một người con gái và cháu ngoại đang sinh sống tại Campuchia. Hiện gia cảnh anh ở đất nước Campuchia cũng rất nghèo khó. Sau khi trở về, anh Dẹn cùng gia đình đã gửi đơn chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ để có chế độ chính sách tạo điều kiện cho anh được hồi hương, sum họp với gia đình. “Tôi mong Nhà nước, huyện, xã giúp đỡ để gia đình tôi được trở về quê hương sinh sống”, anh Dẹn bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Vũ - Trưởng Công an xã Mỹ Hòa - cho biết: “Sau khi nhận được tin anh Dẹn trở về, công an địa phương kết hợp với công an tỉnh, huyện trực tiếp tới gia đình để thăm hỏi. Sau đó, chúng tôi sẽ kết hợp xác minh cụ thể, để tham mưu cho UBND xã, huyện và các cấp ngành liên quan hướng dẫn trình tự các thủ tục cho anh Dẹn được hưởng đầy đủ chế độ đãi ngộ theo quy định của Nhà nước”.

Cũng theo ông Vũ, việc anh Dẹn muốn hồi hương sinh sống sẽ gặp một số trở ngại, bởi anh Dẹn đi biệt tích quá lâu và ngôn ngữ tiếng Việt giờ không nói được nhiều. Phong tục tập quán, cách làm ăn, sinh sống ở đây anh chưa quen. “Bước đầu, tôi băn khoăn là sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng nếu anh Dẹn và gia đình có tâm quyết trở về quê nhà thì chúng tôi sẽ kết hợp với ngành chức năng liên quan, hết sức hỗ trợ để anh được hồi hương”, ông Vũ nói.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Một thời vang bóng và nỗi lòng người nghệ sĩ

Ông Nguyễn Bách Bốn, sinh năm 1948, là một nghệ sĩ đến từ thôn Tây, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình – vùng đất linh thiêng nơi cố đô xưa. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông đã dành trọn tuổi trẻ và cả cuộc đời mình cho nghệ thuật rối chèo và sân khấu dân gian.
2025-07-22 09:51:00

Hải Phòng báo cáo nhanh về công tác phòng, chống bão số 3

Theo báo cáo nhanh , vào hồi 4h giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 102,7 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng 70km; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam
2025-07-22 09:06:19

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng thăm, động viên bà con lưu trú

Chiều tối 21/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, TP.Hải Phòng đã xuất hiện mưa, sức gió cũng mạnh dần lên nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận thiệt hại. Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Hải Phòng Lê Tiến Châu đã đến thăm, động viên bà con tại các điểm tạm lánh phường Ngô Quyền.
2025-07-22 07:08:29

Hình ảnh cơn bão Wipha đổ bộ vào châu Á

Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó với cơn bão Wipha vào khi các tỉnh ven biển được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp và các hãng hàng không đã hủy các chuyến bay trước khi cơn bão dự kiến đổ bộ.
2025-07-21 21:55:24

Đặc sản 'vàng đen" trên cây ở Nghệ An

Quả trám (người dân địa phương gọi là quả mui) là loại quả to bằng ngón tay, nhọn 2 đầu, lúc chín có màu đen, thơm ngon béo bùi, là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Nhất là đối với những người Nghệ xa quê, cứ đến mùa trám chín vào giữa thu là nhớ về vị bùi béo ngầy ngậy của quả trám quê. Tuy nhiên, để chọn và chế biến được món trám ngon đúng điệu, không phải ai cũng biết.
2025-07-21 18:50:59

🔴 Cập nhật liên tục Toàn cảnh bão Wipha: Diễn biến & khuyến cáo

Cập nhật liên tục thông tin về bão Wipha. Hướng đi của bão, biện pháp an toàn, chỉ đạo của các tỉnh. Thiệt hại sơ bộ và các cảnh báo
2025-07-21 17:35:41
Đang tải...