Nữ chiến binh năm xưa và cuộc chiến với "tử thần" mang tên ung thư

2018-03-08 15:38:03 0 Bình luận
Bom đạn thời chiến đã không thể cướp đi người con gái trẻ măng, gan dạ và mưu trí. Trở về thời bình, bà cùng với các đồng đội tiếp tục “cứu người”, để rồi sau đó mới hay rằng mình bị ung thư.

Với nghị lực phi thường của người lính cụ Hồ, sự cứng cỏi của đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và niềm tin vào cuộc sống, bà đã vượt qua tất cả, sống sum vầy với con cháu.

Cô gái nhỏ vác 7 thương binh

Bà là Lê Kim Kháng, sinh ngày 10/10/1939 tại xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ít ai biết, bà có hoàn cảnh rất đặc biệt. Chia sẻ với PV tại ngôi nhà riêng ấm áp vào ngày cuối năm, bà Kháng kể với giọng ngẹn ngào: “Ngày tôi sinh cũng là ngày tôi mất mẹ. Mọi người chỉ cứu được tôi. Sau đó, tôi lại mồ côi cha. Và tôi lớn lên trong tình thương của những người thân khác và thiếu đi hơi ấm của cha mẹ”.


Sự mất mát và đau thương ấy không thể nào bù đắp nhưng nó cũng đã tôi rèn cho cô bé Kháng thêm phần cứng cỏi phi thường. Vì thế, năm 13 tuổi, bà đã xung phong đi thiếu sinh quân. Tuy nhiên, do tuổi quá nhỏ, người thân không cho đi, nên bà phải trốn đến lần thứ 3 mới đi được. “Tháng 12/1951, tôi chính thức nhập ngũ, phục vụ tại chiến trường Liên khu 5 – Tây Nguyên (An Khê, Cheo Reo, Man Đăng…). Thời điểm đó, tôi là người phụ nữ đầu tiên ở Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đi bộ đội. Có lẽ do mồ côi cha mẹ, lại còn nhỏ tuổi (13 tuổi), đặc biệt là con gái nữa nên được nhiều người để ý và biết đến. Tại mặt trận có 3 đội cứu thương, gồm Trọng thương, Trung thương và Khinh thương thì tôi phụ trách đội Trọng thương”, bà nói.

Dù còn nhỏ nhưng có lần bà đã gan dạ, mưu trí cứu được 7 thương binh. “Trận đó, địch thả bom Napan ở An Khê (tỉnh Gia Lai) mù mịt, làm cho nhiều đồng chí bị thương. Ngay lập tức, tôi đã lao vào đưa các anh ra khỏi khu vực mà địch đang cho máy bay oanh tạc. Dù nhỏ tuổi, thân hình nhỏ con nhưng đã được học về cách cứu thương, lợi dụng thế để cõng người, tôi đã lần lượt cõng các anh vào khu vực an toàn”, bà kể tiếp.

Kết thúc buổi oanh tạc của địch hôm đó, bà đã cứu được 7 đồng chí. “Thật sự lúc đó, tôi không nghĩ gì khác, ngoài đưa các anh vào nơi an toàn. Sau đó, tôi vinh dự được tuyên dương toàn mặt trận. Đó là vào năm 1953”, bà Kháng kể. Ngoài gian khổ, vượt đèo, băng rừng, lội suối, đồng thời phải sẵn sàng nghinh địch bất cứ lúc nào thì còn đó thú dữ luôn rình rập. Thời ấy, các cánh rừng ở Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc… cọp, beo nhiều vô kể. Nhiều người không chết vì bom đạn nhưng lại mất mát do thú dữ. Nghĩa là thời ấy, người lính phải chống lại nhiều thứ địch, kể cả bệnh tật, chứ không riêng gì các thế lực xâm lược.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Kể tiếp về những ngày ở chiến trường, bà nói: “Ở Tây Nguyên, đồi núi, rừng thời ấy rất nhiều, do đó khi di chuyển, hành quân phải leo đèo, băng rừng, lội suối rất gian khổ. Để cho các anh có thể hành quân, vận chuyển tốt, trừ những lúc nghi có địch hoặc dễ bị phát hiện, thời gian còn lại, tôi và mọi người thường cất lên tiếng hát để át đi sự cực nhọc, vất vả”.

Vì thấy năng khiếu hát hay, diễn tốt nên bà lại được chọn vào đoàn văn công. “Trong một đêm, khi đang ở nhà thì có hai đồng chí đến, tôi vẫn còn nhớ rõ là chú Ba và chú Sa ở đoàn văn công đến gọi đi. Lúc đó, cả hai chú đều yêu cầu hát thử, nếu được thì đưa đi trong đêm và thế là tôi được đi luôn. Thời vào văn công, được sự dạy dỗ của cố NSƯT Phan Ngạn, tôi đã phát huy các tài năng của mình. Sau này, tôi được nhớ nhiều đến các vai như chị Ngộ, chị Hến trong các tác phẩm kịch và nhất là các bài chòi, mới được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Bài đầu tiên mà tôi hát là “Chờ con má nhé” của tác giả Thúc Hà”, bà Kháng nhớ lại.

Thời điểm này, bà đang làm nhiệm vụ tại Sư đoàn 305 (dù – đặc công), sau đó tập kết ra Bắc (tháng 7/1954) trên chuyến tàu của Ba Lan, đóng quân ở Thanh Hóa. Đến năm 24 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng và giai đoạn 1965 – 1967, được tuyên dương là Đảng viên 4 tốt. Khi giải trường quân bị, bà lại xung phong lên Lào Cai (1 trong 4 tỉnh ưu tiên ở miền Bắc lúc bấy giờ) tiếp tục nhiệm vụ tại y tế Lào Cai.

Đến tháng 3/1975, bà được lệnh điều động vào Sài Gòn chuẩn bị cho giải phóng miền Nam. Và điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bà đã xảy ra. Khi đang trên đường hành quân vào Nam, bà được nghe tin Sài Gòn giải phóng. Đó có lẽ là tin vui nhất cuộc đời cách mạng của bà. Bà nói: “Khi vào đến Sài Gòn, tôi được phân về trại giam 11 Mạc Đĩnh Chi (quận 1), rồi hoạt động y tế tại Công an quận 1 cho đến ngày nghỉ hưu (năm 2000) với quân hàm Trung tá”.

Tuy nhiên, sau nghỉ hưu, với phẩm chất của người lính cụ Hồ, bà lại được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Điều hành khu phố 2 (phường Bến Nghé, quận 1) tới gần 20 năm. Đồng thời kiêm nhiệm hàng loạt phần việc: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 2C (phường Bến Nghé), Ủy viên Ban chấp hành hội Chữ thập đỏ phường Bến Nghé, tham gia hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc phường…

Dù vậy, sống sót trở về sau các cuộc chiến, bà lại phải tiếp tục chiến đấu với lưỡi hái tử thần khác là ung thư. “Vào năm 1986, tôi thấy người rất lạ nên đi khám và bác sĩ cho biết tôi đã bị tiền ung thư cổ tử cung. Sau đó, tôi điều trị và bớt. Gần 15 năm sau, bệnh lại tái phát. Thời điểm này, tôi phải chăm sóc cho chồng cũng bị bệnh nặng. Do đó, tôi cứ âm thầm chịu đựng và chiến đấu với bệnh tật”, bà Kháng chia sẻ thêm.

Trong ký ức của bà, ngoài những năm tháng chiến tranh khốc liệt còn có giai đoạn bà kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Bà kể: “Ngày nằm trên bàn mổ, trước khi mổ, bác sĩ nói: “Một là chết trên bàn mổ này, hai là sẽ tiếp tục sống”. Tôi tin là mình sống nên đã đồng ý mổ”. Thế nhưng, lưỡi hái tử thần vẫn không buông tha bà. Đến năm 2015, căn bệnh tái phát, bà tiếp tục lên bàn mổ. Và “thần sống” ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM lần nữa lại làm nản chí “thần chết”.

Chia sẻ về sức mạnh khiến bệnh hiểm nghèo cũng phải lùi bước, bà nói: “Ngoài có y học, tinh thần cũng phải hết sức lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, sống vui với con cháu. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tham gia công tác xã hội, làm việc thiện nguyện cũng. Đó là bí kíp vượt qua căn bệnh hiểm nghèo”. Thế nên, dù năm nay đã gần 80 tuổi, trải qua 3 cuộc phẫu thuật nhưng bà còn khỏe, lanh lẹ và minh mẫn với trí nhớ tuyệt vời.

Đặc biệt, dù nay đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vốn từng là văn công, giọng bà cất lên vẫn “ngọt như mía lùi”. Bà nói, Bồng Sơn cũng là một trong những cái nôi của bài chòi miền Trung. Bà cũng không ngần ngại hát lại bản “Chờ con má nhé” tặng cho PV như một món quà trước thềm năm mới.

Hiện bà đang sống với 4 người con và các cháu tại quận 1, TP.HCM. Hàng ngày, bà cùng với các thành viên của hội Chữ thập đỏ phường bến Nghé làm nhiều việc thiện nguyện. Một trong số đó là ngăn xe leo vỉa hè, hướng dẫn người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Về hành động đẹp này, báo điện tử Người Đưa Tin đã phát clip và hình ảnh “Đẹp thay những nữ chiến binh ngăn xe leo vỉa hè”. Bà nói: “Chừng nào sức khỏe còn thì tiếp tục làm việc, nhất là thiện nguyện”. Với nữ chiến binh này, cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB là đại diện ngân hàng Việt Nam đầu tiên, duy nhất giành cú đúp giải thưởng tại DIGITAL CX AWARDS 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.
2024-05-06 15:28:07

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cảm xúc ‘sau 70 năm, 2 con gái nhìn thấy cha mình’

Cầu truyền hình có tên “Dưới lá cờ Quyết Thắng” tái hiện những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
2024-05-06 06:35:00

Chính sách với người có công tại huyện Yên Thành, Nghệ An

Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là địa phương có số lượng người có công với cách mạng khá lớn. Đến nay, toàn huyện đang chi trả chế độ hàng tháng cho 5981 người có công trên địa bàn.
2024-05-05 21:10:00

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00
Đang tải...