Thông tin kinh tế, tài chính ngày 1/7/2021: Thí điểm sử dụng tiền ảo công nghệ blockchain

2021-07-01 08:03:20 0 Bình luận
Ngân hàng Nhà nước sẽ thí điểm sử dụng tiền ảo công nghệ blockchain. Đất trang trại nghỉ dưỡng ven đô nóng vì 'làn sóng bỏ phố về quê'. Giá vàng hôm nay 1/7: Neo sát đáy hai tháng, giới đầu tư bối rối, có nên mua vàng thời điểm này?

Giá vàng hôm nay 1/7: Neo sát đáy hai tháng, giới đầu tư bối rối, có nên mua vàng thời điểm này?

Theo ghi nhận của phóng viên HN, lúc 21h ngày 30/6, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco đang giao dịch ở mức 1.762,5 - 1.763,5 USD/ounce, tăng 1,4 USD so với phiên giao dịch liền kề.

Chốt phiên giao dịch ngày cuối cùng của tháng 6, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng tại 56,25 - 56,85 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá so với phiên giao dịch sáng 30/6. Chênh lệch giá bán vàng cao hơn giá mua 600.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết tại 56,35 - 56,79 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng giảm mạnh niêm yết tại 51,09 - 51,69 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,35 - 51,45 triệu đồng/lượng.

Tháng 6 tồi tệ của thị trường vàng

Giá vàng trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 đã neo gần đáy 2 tháng vì đồng USD tiếp tục phục hồi và giới đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ để rõ hơn về lập trường chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Hôm 29/6, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, ông rất lạc quan về nền kinh tế và ngân hàng trung ương có thể bắt đầu nâng lãi suất vào năm sau. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.

Đồng USD tiếp tục phục hồi khiến vàng đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Hiện tại, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác, tăng 0,08% lên 92,112.

Thêm vào đó, chứng khoán và tiền ảo cũng khiến nguồn tiền bị dịch chuyển khỏi kênh vàng. Nhà đầu tư đang có xu hướng bán vàng ra để tìm đến những nơi sinh lợi cao hơn.

Ngoài ra, trong tháng 6, xu hướng mua ròng vàng đã quay trở lại sau khi quỹ mua mạnh hơn 20 tấn vàng trong tháng 5. Nhưng khi cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed diễn ra, với quan điểm không mấy ủng hộ vàng, các quỹ đã liên tục xả vàng, đặc biệt là sau khi vàng rơi khỏi vùng hỗ trợ tâm lý 1.800 USD/ounce.

Các chiến lược gia tại TD Securities nhận định, USD mạnh hơn và lợi suất tăng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới diễn biến tiêu cực của vàng. Kim loại quý đang cần chất xúc tác để tái tạo đà tăng. Thị trường đã không có động lực mua kể từ sau cuộc họp của Fed và vàng có thể tiếp tục di chuyển theo kịch bản tiêu cực.

Karen Jones, trưởng nhóm nghiên cứu phân tích kỹ thuật của FICC tại ngân hàng Commerzbank cho biết, đây là thời điểm tốt cho USD bởi đồng tiền hàng đầu thế giới được coi là nơi tốt nhất trong thời kỳ đại dịch, khi vaccine ngừa Covid-19 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được triển khai nhanh chóng.

Kể từ ngày 1/6, kim loại quý đã giảm khoảng 7,6%. Tính theo hiệu suất tháng, vàng đang hoạt động tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016 - thời điểm kim loại quý này giảm hơn 8%.

Theo chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, được công bố vào cuối tuần có thể là nhân tố chi phối chính của thị trường trong ngắn hạn. Nếu dữ liệu cho thấy lạm phát tiền lương cao hơn và tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, thị trường sẽ ghi nhận mức đáy tiếp theo của giá vàng.

Có nên mua vàng thời điểm này?

Theo nhận định của giới chuyên gia, về mặt kỹ thuật, vàng đang ở kênh giảm giá vì vậy, đây chưa phải thời điểm tốt để mua vào.

Nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets nhận định, thị trường vàng ghi nhận đà sụt giảm nghiêm trọng còn do một số nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn bối rối về triển vọng chính sách của Fed.

Một số nhà hoạch định chính sách của Fed đã trở nên cứng rắn hơn, bất chấp kết quả lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến vào tuần trước. Theo đó, các quan chức Fed đều thể hiện sự lạc quan vào đà hồi phục của thị trường lao động, chú ý tới nguy cơ lạm phát tăng nhanh khi nền kinh tế trở lại bình thường.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu và châu Á tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ do phải đối diện với làn sóng dịch Covid-19, với biến thể siêu lây nhiễm Delta.

Chuyên gia phân tích cao cấp tại ActiveTrades Ricardo Evangelista nhấn mạnh: "Thị trường dường như không hài lòng với quan điểm của Fed về lạm phát. Các nhà đầu tư tin, sự mơ hồ của ngân hàng trung ương kết hợp với quan điểm chính sách tiền tệ trái chiều từ các quan chức của Fed sẽ dẫn đến khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng sớm hơn so với kỳ vọng trước đây".

Chuyên gia Evangelista dự báo rằng, một kịch bản như vậy sẽ hỗ trợ cho USD, khiến giá kim loại quý phải đương đầu với nhiều thách thức hơn nữa và trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng xấu đến giá vàng.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm đang có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Giá vàng đang trong xu hướng giảm 4 tuần trên biểu đồ ngày.

Nhận định chứng khoán ngày 1/7/2021: Có thể điều chỉnh về vùng 1.400 điểm

Chốt phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index giảm 1,49 điểm (0,11%) xuống 1.408,55 điểm; HNX-Index giảm 0,15% xuống 323,32 điểm và UPCom-Index giảm 0,06% xuống 90,25 điểm.

Những cổ phiếu nâng đỡ thị trường trong phiên hôm nay gồm có: VCB (+2); VIC (+0,91); MSN (+0,87); MWG (+0,65); BID (+0,38). Ngược lại, những mã tác động tiêu cực lên chỉ số bao gồm: CTG (-1,25); TCB (-0,74); ACB (-0,56); GVR (-0,52); PLX (-0,42).

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 17.735 tỷ đồng, -8,69% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 21.055 tỷ đồng. Biên độ dao động là 11,43 điểm. Thị trường có 139 mã tăng, 62 mã tham chiếu và 233 mã giảm. Giá trị mua ròng của khối ngoại: 1.755,13 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm NVL (1.507 tỷ), VHM (216.,3 tỷ) và VCB (133,1 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -4,01 tỷ đồng.

Theo BSC, VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng áp lực bán đã tăng dần vào phiên chiều và khiến chỉ số đóng cửa với mức giảm nhẹ. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy giảm và chỉ còn 7/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX và bán ròng trên sàn HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của các chuyên gia BSC, VN-Index có thể sẽ dời về khu vực quanh 1.400 điểm trong phiên tới.

 
Hình minh họa

Theo chuyên gia của SHS, VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên hôm nay và với thanh khoản tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên hôm nay là không thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài và quan sát thị trường.

Trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index đã có thời điểm chạm tới mốc kháng cự mạnh quanh ngưỡng 1.420 điểm trong phiên hôm nay và áp lực bán tại đây đã khiến chỉ số điều chỉnh. Do vậy các giao dịch mua thêm ở vùng giá hiện tại tiếp tục không được khuyến khích. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 1/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục rung lắc tại vùng giá hiện tại.

Theo đánh giá của MBS thì thị trường trong nước phiên hôm nay được kỳ vọng sẽ thuận lợi để lập đỉnh cao mới khi các thị trường trên thế giới ủng hộ. Tuy vậy, áp lực chốt lời đã xuất hiện vào phiên chiều, lực bán tập trung vào nhóm Bluechips khiến thị trường có phiên giảm điểm bất chấp lực mua ròng mạnh từ khối ngoại. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 1,49 điểm xuống 1.408,55 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 0,97 điểm còn 1.529 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 139 mã tăng/233 mã giảm, ở rổ VN30 có 11 mã tăng, 15 mã giảm và 5 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường hạ nhiệt với giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 17.735 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ tiếp tục mua ròng mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.755 tỷ đồng.

Theo MBS, thị trường đang ở vùng cản mạnh nơi có mặt của đường cản trên kéo dài từ năm 2020, do vậy áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp là kịch bản thường gặp. Điểm tích cực là thanh khoản phiên này đã giảm so với 2 phiên đầu tuần cho thấy áp lực bán ở vùng cản đã có dấu hiệu giảm trong khi đó khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh. Với phiên giảm nhẹ hôm nay không làm xu hướng tăng của thị trường thay đổi, thị trường có thể đi vào vùng phân hóa nhằm tránh áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu bluechips cũng như cổ phiếu trong nhóm VN30. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu trong khi có thể tận dụng hồi trong phiên để cơ cấu danh mục.

Ngân hàng Nhà nước sẽ thí điểm sử dụng tiền ảo công nghệ blockchain

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ nhằm nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai Chính phủ số. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số.

Từ nhiều năm nay, những đồng tiền ảo như Bitcoin không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là đồng tiền pháp lệnh. Ảnh TL


Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16.12.2020 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối (Blockchain).

Nhiều năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước luôn đưa ra thông điệp khẳng định những loại tiền ảo như Bitcoin không phải là tiền pháp lệnh, đây chỉ là tài sản ảo, được mã hoá của sự phát triển công nghệ. NHNN nhấn mạnh, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hoá nào.

Bộ Tài chính cho biết đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24.4.2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

Đất trang trại nghỉ dưỡng ven đô nóng vì 'làn sóng bỏ phố về quê'

Báo cáo của batdongsan.com.vn thống kê cho biết, sau khi đạt đỉnh vào tháng 3 vừa qua, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.

Nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường bất động sản trong tháng 4 giảm gần 18% so với tháng 3. Trong đó, đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%.

Các tỉnh, thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý 1. Những điểm nóng bất động sản ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4.

Sang tháng 5, dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường bất động sản vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 bùng phát lần thứ 4.

Trong tháng 5, mức độ quan tâm đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh. Các tỉnh, thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Đây là những địa phương ghi nhận nhiều ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát dịch vừa qua.

 
Sau cơn sốt đất dịp đầu năm nay, thời gian gần đây sản phẩm căn hộ chung cư được quan tâm nhiều hơn

Cũng do tác động từ dịch Covid-19 bùng phát, phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô từ "làn sóng bỏ phố về quê" khi dịch bệnh xuất hiện càng lan toả mạnh mẽ. Làn sóng này phát triển suốt năm 2020, có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền “sốt” ở nhiều khu vực. Nhưng sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại.

Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven Hà Nội như tại Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… vẫn được nhiều người quan tâm tìm kiếm thông tin để mua, giá tiếp tục tăng nhẹ 2 - 7% so với 1 - 2 tháng trước.


Thị trường hàng hóa 

Ghi nhận vào lúc 6h sáng ngày 1/7 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới lấy lại đà phục hồi trong bối cảnh triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu thô tiếp tục được củng cố, gia tăng bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ châu Âu.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 1/7 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 73,51 USD/thùng, tăng 0,53 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 30/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2021 đã tăng tới 0,66 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 74,70 USD/thùng, tăng 0,42 USD/thùng trong phiên và đã tăng 0,12 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 30/6.

Giá xăng dầu hôm nay tiếp tục tăng vào phiên sáng (Ảnh minh họa)

Giá dầu lấy lại đà phục hồi trong bối cảnh triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu thô tiếp tục được củng cố, gia tăng bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ châu Âu.

Giá cà phê hôm nay 1/7/2021: Cà phê Robusta tăng mạnh vượt ngưỡng 1.700 USD. Dòng vốn vào thị trường hàng hóa và khối lượng giao dịch đều giảm, phản ánh tâm lý không còn quá mặn mà với việc tiếp tục mua vào của các nhà đầu tư.

Tại phiên đón cửa sàn giao dịch, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng mạnh. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9, quay đầu tăng mạnh 30 USD (1,79%) vượt qua ngưỡng 1.700 USD giao dịch tại 1.705 USD USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 22 USD (1,30%), lên 1.71290 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.

Giá heo hơi hôm nay 1/7/2021 giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay, giá thu mua heo hơi dao động trong khoảng 60.000 - 69.000 đồng/kg. Ngày 29/6, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, bệnh Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 14 hộ ở 11 thôn thuộc 9 xã của 7 huyện.

Giá heo hơi tại miền Bắc giảm cao nhất 3.000 đồng/kg. Cụ thể, Phú Thọ và Tuyên Quang đang thu mua heo hơi với giá 64.000 đồng/kg, lần lượt giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Các tỉnh còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá trong hôm nay. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 64.000 - 69.000 đồng/kg.

Ngày 29/6, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, bệnh Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 14 hộ ở 11 thôn thuộc 9 xã của 7 huyện (Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thạch Thất). Tổng số heo tiêu hủy là 414 con, với trọng lượng 14.487kg, báo Hà Nội Mới đưa tin.

Thời điểm này, còn 5 xã: Dương Quang (huyện Gia Lâm); Đông Sơn, Quảng Bị (huyện Chương Mỹ); Yên Trung (huyện Thạch Thất); Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) có bệnh Dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày, đang được tiếp tục theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Gia tộc Samsung chật vật xoay sở trả tiền thuế thừa kế kỷ lục

Những người thừa kế của cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee đang đối mặt với khoản thuế hơn 12 nghìn tỷ won (10,6 tỷ USD). Để giải quyết bớt khó khăn, họ rao bán một dinh thự của cố Chủ tịch Lee ở khu Itaewon, quận Yongsan, Seoul với giá 21 tỷ won (18,6 triệu USD).

Dinh thự bao gồm hai tòa nhà hai tầng (có tầng hầm), mỗi căn rộng lần lượt 215 m2 và 150 m2, được xây dựng trên khu đất 1.069 m2.

Gia tộc Samsung chật vật bán biệt thự, vay tiền ngân hàng trả thuế thừa kế

Cố chủ tịch Lee đã mua dinh thự vào tháng 10/2010. Sau khi ông qua đời vào tháng 10 năm ngoái, dinh thự này được vợ Hong Ra-hee, cựu giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Leeum và ba con Lee Jae-yong, Lee Boo-jin và Lee Seo-hyun, thừa kế.

Dinh thự này là một trong 5 ngôi nhà mà cố chủ tịch Samsung sở hữu ở khu Itaewon và Hannam. Trong đó có 2 căn thuộc hàng đắt nhất ở Hàn Quốc, gồm một căn ước tính trị giá 43,2 tỷ won (38,2 triệu USD) trong khi một căn khác giá 35 tỷ won (30,9 triệu USD).

Itaewon và Hannam là những khu vực đắt đỏ bậc nhất ở Seoul, nơi được nhiều gia tộc chaebol (những tập đoàn tư nhân lâu đời Hàn Quốc) sinh sống do phong thủy đẹp.

Hàn Quốc là một trong những nước có thuế thừa kế cao nhất thế giới, lên tới 50% khi tài sản vượt quá 3 tỷ won (khoảng 2,6 triệu USD). Mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 15%.

Ngoài ra, người nộp thuế còn phải chịu thêm 20% khi chuyển nhượng cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông lớn nhất.

Sau khi cố chủ tịch Samsung Lee Kun-hee qua đời, vợ và các con ông được nhận khoản thừa kế gần 21 tỷ USD, phần lớn là cổ phần trong 4 công ty con thuộc tập đoàn. Số tài sản này còn bao gồm 4,2% cổ phần trong Samsung Electronics, một bộ sưu tập nghệ thuật trị giá 3.000 tỷ won (2,6 tỷ USD) và vài bất động sản.

Hiện gia tộc Samsung đang vạch ra kế hoạch dài hạn để trả khoản thuế lên tới gần 11 tỷ USD.

Được biết, họ đã nộp 2.000 tỷ won (khoảng 1,7 tỷ USD) tiền thuế và xin tiếp tục thanh toán theo hình thức trả góp trong vòng 5 năm tới. Mức lãi suất 1,2%/năm sẽ được áp dụng với phương thức trả góp tiền thuế thừa kế kể trên.

Gia đình này được cho là đã vay tiền ngân hàng để trả thuế với khoản lãi mỗi tháng được ước tính khoảng 6 tỷ won (5 triệu USD).

Luật Hàn Quốc cho phép người nộp thuế thành 6 lần trong 5 năm. Đó là cách chủ tịch LG Koo Kwang-mo và các chị em gái của ông trả khoản thuế hơn 900 tỷ won.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51
Đang tải...