Thông tin kinh tế, tài chính ngày 28/6/2021: Ngành kinh doanh nào đang sinh lời bất chấp covid-19?
Giá vàng hôm nay 28/6: Thận trọng với 'giao cắt tử thần', dù lạm phát vẫn có thể lập đỉnh
Chỉ số USD Index trong tuần qua đã hạ 0,4%. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm có thời điểm tăng lên ngưỡng 1,5%. Và giá vàng dù có nhiều lúc giảm vẫn có một tuần tăng đầu tiên, tính từ tháng 5/2021, bởi nhà đầu tư quan tâm đến số liệu lạm phát tiêu dùng (PCE) trong tháng 5.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số PCE đã tăng 0,4% trong tháng trước, trong khi đó chỉ số PCE lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,5%. Nếu tính theo năm, chỉ số PCE tăng 3,9% trong năm qua và như vậy ghi nhận mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 8/2008. Nếu tính chỉ số PCE lõi tăng 3,4% tính từ đầu năm đến tháng 5/2021 – mức tăng cao nhất tính từ năm 1992.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ không có nhiều thay đổi trong tháng 5/2021 và thậm chí còn thấp hơn so với kỳ vọng. Còn thu nhập cá nhân giảm 2%, cũng thấp hơn so với kỳ vọng.
Nhà đầu tư trên thị trường vàng quan tâm đến những quy định mới được biết đến với cái tên Basel III dự kiến có hiệu lực từ đầu tuần tới với các ngân hàng châu Âu. Dự kiến, quy định này sẽ có những ảnh hưởng đến thị trường vàng, diễn biến trong tuần qua được cho có nguyên nhân một phần từ việc Basel III chuẩn bị có hiệu lực, Chủ tịch quỹ Libertas Wealth Management Group – ông Adam Koos phân tích.
Trưởng bộ phận đầu tư tại Wolfpack Capital – ông Jeff Wright khẳng định yêu cầu vốn dự kiến áp dụng cho ngân hàng châu Âu tích cực với giá vàng nhưng chỉ vàng vật chất. Theo quy định mới, vàng vật chất sẽ trở thành tài sản cấp 1 không có rủi ro, nó cho thấy vàng có mức độ thanh khoản cao nhất tương đương tiền mặt.
Những quy định chuẩn bị được áp dụng không đồng nghĩa nhiều ngân hàng châu Âu sẽ mua thêm vàng bởi thực tế họ đã tăng mua vàng trong vài năm qua khi thay đổi chính sách được công bố. Tuy nhiên về dài hạn, vàng sẽ có vị trí cao hơn tại ngân hàng lớn và ngân hàng trung ương, nhờ vậy thanh khoản nói chung cho thị trường vàng sẽ cải thiện, yếu tố được đánh giá tích cực với nhà đầu tư vàng.
Phiên cuối cùng của tuần này (25/6) vàng xuất hiện tín hiệu phục hồi so với mức giảm ở đầu phiên. Chốt phiên bật tăng trở lại trong khoảng 10.000 - 50.000 đồng/lượng tại một số hệ thống giao dịch. Công ty VBĐQ Sài Gòn đồng loạt tăng 50.000 đồng/lượng cho cả chiều mua vào và chiều bán ra, hiện niêm yết tại 56,50 - 57,05 triệu đồng/lượng.
Hệ thống Bảo tín Minh Châu tại Hà Nội điều chỉnh giá vàng SJC tăng lần lượt 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 10.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 56,59 - 56,95 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long được niêm yết tại 51,76 - 52,36 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,05 - 52,15 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đóng cửa tuần tại 1.782,5 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.110 VND, giá vàng thế giới tương đương 49,60 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm.
Chứng khoán: Thị trường khả năng đầu tuần giằng co, cuối tuần bứt phá
Chỉ số chứng khoán VN-Index được dự báo nhiều khả năng vượt ngưỡng 1.400 điểm vào cuối tuần giao dịch mới. Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Theo YSVN, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy và có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn này vào cuối tuần giao dịch mới, vì thế thanh khoản có thể cũng sẽ cải thiện dần.
Chỉ báo tâm lí suy yếu trong vài phiên gần đây cho thấy tâm lí nhà đầu tư có phần thận trọng hơn. Nhưng chỉ báo này vẫn nằm trong vùng lạc quan. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Dự báo từ Công ty chứng khoán ngân hàng BIDV, VN-Index trong tuần giao dịch mới có thể vận động trong vùng 1.360-1.400 điểm.
Lạc quan hơn, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường trong nước đã bước vào sóng tăng điểm mới với sự trở lại của nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán. Về kĩ thuật, điểm số tăng vượt đỉnh kèm dòng tiền sôi động là dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng tiếp tục của thị trường. Với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản 1.400 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục.
Cũng dự báo trong tuần giao dịch mới VN-Index có khả năng sẽ nhích dần lên ngưỡng 1.400 điểm, nhưng Công ty chứng khoán SHS cho rằng chỉ số có thể rung lắc mạnh quanh ngưỡng này. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại, nếu đã có tỉ trọng cổ phiếu lớn nên hạn chế mua thêm, tận dụng những nhịp tăng điểm để chốt lời dần các cổ phiếu đã đạt mục tiêu.
Về quan điểm kĩ thuật, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết các chỉ báo kĩ thuật đang cho tín hiệu củng cố đà tăng. Chỉ số đang đứng trước cơ hội tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự gần quanh vùng tâm lí 1.400 điểm và xa hơn là vùng tâm lí 1.500 điểm.
Nhìn chung, thị trường đang có cơ hội duy trì đà tăng và hướng lên thử thách các ngưỡng kháng cự cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt, dự báo kết quả kinh doanh quí 2 tăng trưởng và đang hút được dòng tiền mạnh.
Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng thị trường mở ra xu hướng tăng điểm sau khi trải qua tuần lễ giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp. Các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bất động sản, ngân hàng và cảng biển cũng đang thu hút nhà đầu tư bởi kì vọng khả quan vào báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021.
DAS khuyến nghị chiến lược đầu tư hiện nay là ưu tiên nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục để đón sóng. Nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục, mua các cổ phiếu đầu ngành có dự báo kết quả kinh doanh quí 2/2021 tăng trưởng.
Nhận định từ Công ty chứng khoán Asean (Aseansc), chỉ số VN-Index đã thiết lập mức đỉnh mới 1.390,12 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ tiếp tục luân phiên tăng giá, tạo lực kéo cho VN-Index tiến lên các tầm cao mới, nhất là khi sắp tới kỳ chốt NAV (giá trị tài sản ròng) của các quĩ đầu tư 6 tháng đầu năm.
Trong lịch sử, các kỳ chốt NAV thị trường đều có được giao dịch tích cực và thường tăng mạnh về cuối phiên. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index được dự báo ở mức 1.400-1.410 điểm, và tiếp theo ở vùng 1.420-1.430 điểm.
Lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng
Lãi suất giao dịch tiền đồng giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng gần đây tăng 0,1 - 0,3%/năm so với cách nay 10 ngày.
Lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng nhẹ
Cụ thể, lãi suất bình quân tiền đồng liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng lên 1,21%/năm, 1 tuần lên 1,41%/năm, 2 tuần lên 1,74%/năm, 1 tháng lên 1,77%/năm, 3 tháng lên 2,09%/năm… Doanh số giao dịch đã giảm ở một số kỳ hạn ngắn như qua đêm giảm 26.400 tỉ đồng, còn 99.630 tỉ đồng; 1 tuần giảm 8.000 tỉ đồng, còn 12.266 tỉ đồng. Riêng kỳ hạn 2 tuần, doanh số tăng gần 3.000 tỉ đồng, lên 8.145 tỉ đồng.
Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng hiện khá ổn định. Một số ngân hàng có lãi suất huy động 6 tháng ở mức cao như SCB từ 6,31 - 6,4%/năm; Ngân hàng Bản Việt là 6%/năm; SHB là 6,45%/năm… Mức lãi suất cao nhất của các nhà băng hiện nay dao động từ 6,4 - 7%/năm. Chẳng hạn, SCB là 6,9%/năm ở kỳ hạn trên 18 tháng, Ngân hàng Bản Việt là 6,4%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, SHB là 7,01%/năm ở kỳ hạn 9 tháng, Sacombank có mức cao nhất là 6,2%/năm ở kỳ hạn 36 tháng…
Trong khi các ngân hàng có vốn nhà nước nắm giữ vẫn giữ ở mức lãi suất huy động khá thấp như Vietcombank huy động 6 tháng ở mức 3,8%/năm, Agribank, Vietinbank và BIDV ở mức 4%/năm.
Công ty cổ phần chứng khoán SSI dự báo khả năng lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3 khi dịch bệnh được kiểm soát và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn.
Bất động sản logistics, kho lạnh, trung tâm dữ liệu hút vốn đầu tư năm 2021
Covid-19 khiến kinh tế khó khăn song kho bãi hậu cần, kho lạnh, trung tâm dữ liệu vẫn tăng trưởng nhanh, dẫn đầu các kênh hút vốn đầu tư.
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo "Sự trỗi dậy của những loại hình bất động sản công nghiệp giữa đại dịch" và chỉ ra 3 nhóm tài sản có tiềm năng tăng trưởng cao, đang dẫn đầu danh mục hút vốn đầu tư toàn cầu năm 2021.
* Kho bãi hậu cần – Bất động sản logistics
Dịch vụ hậu cần kho bãi (logistics) đang đứng đầu trong các danh mục đầu tư năm nay bất chấp Covid-19 diễn biến khó lường ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đại dịch là một chất xúc tác cho nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy thị phần thương mại điện tử của ngành bán lẻ tăng lên ở tất cả thị trường trên toàn thế giới. Logistics là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên này. Các ước tính cho rằng, sau đại dịch, chi tiêu bán lẻ trực tuyến ở Tây Âu sẽ tăng 442 tỷ euro vào năm 2025. Cứ thêm 1 tỷ euro doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ tạo ra nhu cầu trung bình 75.000 m2 diện tích nhà kho. Như vậy, đến năm 2025, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong khu vực sẽ tăng thêm 33,2 triệu m2 nhu cầu kho bãi.
Dù được các nhà đầu tư dành rất nhiều ưu ái cho thị trường kho bãi hậu cần, song nguồn cung logistics hiện tại là không đủ cho nhu cầu đang bùng nổ giữa đại dịch. Phần lớn nguồn cung nằm trong tay các nhà quản lý và nhà phát triển khu vực và toàn cầu như Prologis, GLP hoặc Crow Holdings. Những công ty này có quỹ đất lớn và có một lượng cổ phiếu khổng lồ, nhưng họ lại hiếm khi bán chúng, hoặc chỉ bán cho một trong những quỹ đầu tư bất động sản của chính mình.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, bất động sản kho bãi hậu cần là một trong những thị trường ngách mới nổi với nhiều cơ hội tăng trưởng. Tại Việt Nam, lợi suất đầu tư vào nhóm tài sản logistics dao động 9-11%, khá lý tưởng so với các thị trường đã định hình và phát triển sớm.
Một kho lạnh đang hoạt động. Ảnh: ABA.
* Kho lạnh
Kho lạnh là một phần chuyên biệt của chuỗi cung ứng, sử dụng các nhà kho kiểm soát nhiệt để lưu trữ và vận chuyển thực phẩm hoặc vật tư y tế, chẳng hạn như vaccine. Dữ liệu nghiên cứu thị trường từ Research & Markets ước tính rằng 7,9 tỷ USD đã được đầu tư để phát triển kho bảo quản lạnh trên toàn cầu vào năm ngoái, con số này sẽ tăng lên 19 tỷ USD vào năm 2027, do sự thúc đẩy của nhu cầu mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến và giảm lãng phí thực phẩm.
Hiện nay trên thế giới, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng nghiêm ngặt hơn và đang hướng đến chuỗi cung ứng thực phẩm để giảm lãng phí thực phẩm, từ đó thúc đẩy nhu cầu về kho lạnh. Đối với các nhà đầu tư, kho lạnh mang lại lợi suất cao hơn 50-100 điểm cơ bản so với các cơ sở hậu cần khô, và do chi phí lắp đặt cao nên người thuê thường luôn sẵn sàng ký hợp đồng thuê dài hạn. Nhu cầu giao hàng nhanh chóng của người tiêu dùng đã làm tăng nhu cầu về các kho hậu cần ở chặng cuối (last-mile logistics warehouse), nằm ở gần vị trí của khách hàng.
* Trung tâm dữ liệu
Các nhà sản xuất nội dung như Netflix và Apple đã lấy không gian kho bãi để sử dụng làm phim trường bởi sự bùng nổ của các dịch vụ phát trực tuyến video. Nhu cầu ngày càng cao về không gian studio đang thúc đẩy nhu cầu về kho bãi ở các thành phố mạnh về truyền thông như London, Los Angeles và New York.
Trong khi đó, hội nghị truyền hình và điện toán đám mây bùng nổ đồng nghĩa với việc nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng lên trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, những quỹ phát triển trung tâm dữ liệu mới đã được ra đời bởi Gaw Capital Partners. Ngoài ra, Keppel Group cũng đã phát triển nhiều quỹ để xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu ở thị trường châu Á và châu Âu.
Việt Nam đang ở ngã rẽ, với sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự thúc đẩy mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số. Vì vậy, cơ hội dành cho các quốc gia đang phát triển và data centers, trong đó có Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, các trung tâm dữ liệu tại thị trường Việt Nam hiện nay sẽ phải vật lộn để đối phó với những quốc gia hàng đầu và vượt qua các đối thủ sừng sỏ này.
Thép và ethanol tăng giá mạnh nhất trong thị trường hàng hóa năm nay
Thị trường hàng hóa trong khoảng một năm qua đã chứng kiến những thời khắc biến động tột bậc. Hakan Kaya, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Neuberger Berman ví von: "Đầu tư vào thị trường hàng hóa đã như một con rùa sau khi đại dịch Covid-19 tấn công trong năm 2020, nhưng sau đó đã biến thành một con thỏ" cho đến gần đây.
Mặc dù một số mặt hàng đã điều chỉnh giá, song việc nguồn cung bị thắt chặt, hoặc bị gián đoạn, trong khi nhu cầu tăng trên toàn cầu đã khiến thị trường hàng hóa trở thành "bông hoa nở muộn" trong số những tài sản rủi ro.
Chỉ số S&P GSCI - chỉ số hàng hóa bao gồm 24 hợp đồng kỳ hạn tương lai được giao dịch trên các sàn giao dịch – đã tăng 28% từ đầu năm đến nay, tăng mạnh nhất so với các 6 tháng đầu năm suốt từ 2009 đến nay.
Trong số đó, thép dẫn đầu mức tăng giá trong số những mặt hàng chủ chốt, với mức tăng 70% tính đến 22/6, theo đó thép Mỹ đạt 1.658 USD/tấn ngắn.
Maria Rosa Gobitz, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của MetalMiner cho biết: "Nguyên nhân sâu xa của đợt tăng giá chưa từng có này là do hiệu ứng bullwhip" (hiệu ứng phản ánh hiện tượng sai lệch số lượng sản phẩm sản xuất ra so với nhu cầu thực tế) của việc đóng cửa quá nhiều công suất trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Giá thép có thể sẽ tiếp tục tăng trong một quý nữa". Theo nhà phân tích này thì khoảng một năm nữa thị trường mới bình thường trở lại.
Giá ethanol năm nay cũng tăng mạnh khi thêm gần 63% trong 6 tháng đầu năm nay. Đối với mặt hàng này, Brian Milne, biên tập viên và đồng thời là giám đốc phụ trách sản phẩm của DTN, cho biết sự sụt giảm nhu cầu ethanol vào năm ngoái đã gây áp lực lên hoạt động pha trộn ethanol và chính quyền của ông Trump tháng 11/2020 đã từ chối thực hiện lộ trình sử dụng ethanol năm 2021, được gọi là Nghĩa vụ về khối lượng tái tạo (Renewable Volume Obligation- RVO) (nhiên liệu tái tạo có bao gồm etanol). Do giá ethanol ở mốc so sánh (cuối năm 2020 – đầu năm 2021) nên mức tăng càng cao.
Hình ảnh minh họa
Brian Milne cho biết kỳ vọng chính quyền ông Biden sẽ điều chỉnh RVO theo quy chế, kết hợp với việc cải thiện nhu cầu đã thúc đẩy thúc đẩy giá ethanol trong năm nay. Tuy nhiên, một báo cáo của Reuters đưa ra trong tháng này cho biết chính quyền của ông Biden có thể hỗ trợ các nhà máy lọc dầu bằng cách miễn các nhiệm vụ pha trộn nhiên liệu sinh học. Mặc dù vậy, nhu cầu xăng mùa hè được dự đoán sẽ "mạnh mẽ" – dù có thể chưa đạt bằng mức cao như năm 2019.
Giá thịt lợn Mỹ năm nay cũng gây chú ý bởi đã tăng mạnh. Arlan Suderman, chuyên gia kinh tế hàng hóa chính thuộc StoneX, cho rằng giá cao là do "nhu cầu trong nước và xuất khẩu mạnh", mặc dù nhu cầu dự kiến sẽ giảm vào nửa cuối năm 2021 do xuất khẩu tới Trung Quốc chậm lại. Giá lợn nạc kỳ hạn kỳ hạn tương lai giao dịch ở Mỹ đã tăng gần 48% trong năm nay, sau khi giảm 2% vào năm 2020.
Trong khi đó, giá gỗ xẻ chỉ tăng 2% trong 6 tháng đầu năm nay, sau khi giảm hơn 30% trong tháng 6/2021. Greg Kuta, chủ tịch công ty môi giới gỗ Westline Capital Strategies, cho biết: "Ngành công nghiệp gỗ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng việc dự trữ cho hoạt động kinh doanh vào mùa Xuân tới".
Giá gỗ hợp đồng tương lai đã tăng vọt lên mức kỷ lục 1.670,50 USD/nghìn feet vào tháng 5/2021, nhưng đã mất 47% kể từ đó và hiện giao dịch ở mức dưới 900 USD.
Greg Kuta cho biết sự thiếu hụt vật liệu xây dựng và các vấn đề về chuỗi cung ứng đã làm cho tiêu thụ gỗ xẻ bị chậm lại. Tuy nhiên, nếu so sánh 52 tuần qua thì giá gỗ ở vẫn tăng gấp đôi, cho thấy nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gỗ sẽ tiếp tục biến động, còn dài hạn thì giá sẽ vững trong khoảng 550 USD đến 850 USD/nghìn feet.
Nhìn chung, sự biến động giá hàng hóa nhiều hơn mức bình thường có nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn.
Giám đốc Hakan Kaya của Neuberger Berman cho rằng xu hướng giá tăng – đã diễn ra kể từ tháng 4/2020 – có thể sắp kết thúc, song giai đoạn biến động mạnh vẫn chưa qua, chỉ là mỗi mặt hàng sẽ có mức độ biến động khác nhau trong tương lai. Ông nói: "Chúng tôi thích những mặt hàng có nhu cầu mạnh hoặc có vấn đề về nguồn cung… hoặc cả hai", "Đó có thể gồm: Đồng, nickel và các kim loại công nghiệp khác", ý muốn nói tới những mặt hàng sẽ lựa chọn để đầu tư trong thời gian tới. Đây là những mặt hàng thường có nhu cầu cao trong giai đoạn kinh tế hồi phục, do đặc điểm được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực hàng hóa và xây dựng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.