"Thương binh và Tử sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào..."
Cách mạng tháng Tám thành công chưa lâu, lấy cớ giải giáp quân Nhật ở Nam Bộ, ngày 23 tháng 9 năm 1945, một số quân Pháp đội lốt quân Anh, được quân đội Anh che chở đã nổ súng tiến công Sài Gòn. Dù đã hết sức nhẫn nhịn mong muốn hòa bình, nhưng đế quốc Pháp buộc chúng ta phải cầm súng một lần nữa. Tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Gia Định, Sài Gòn, Huế… bộ đội chủ lực của ta cùng với tự vệ chiến dấu, dân quân du kích đã thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 19 tháng 12 năm 194. Trong những trang sử đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp đã hiện lên biết bao dũng sĩ, anh hùng hy sinh vì nghĩa lớn.
Tháng 6 năm 1947, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu kính thương binh. Ngay sau đó, một Hội nghị trù bị đã họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên. Hội nghị đã chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm làm ngày Thương binh, liệt sỹ.
Ảnh minh họa (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đồng chí thương binh nặng nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.)
Nhân ngày Thương binh, liệt sỹ đầu tiên (27 tháng 7 năm 1947), Bác đã viết thư gửi Ban tổ chức, trong thư Người chỉ rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống lại quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đò là những chiến sĩ mà nay một số thành thương binh.. đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy”(1).
Năm sau, 1948, nhân ngày Thương binh, liệt sỹ lần thứ hai, báo Quân Du kích số 5 ra ngày 15 tháng 7 năm 1948 đã đăng “Lời kêu gọi” của Bác.
Mở đầu Bác viết: “Cùng toàn thể đồng bào! Anh em thương binh và gia đình liệt sĩ!
Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con…
Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của cá nước đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hịa đồng bào.
Họ hy sinh cho ai? Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào”.
Bác kêu gọi: “Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình sĩ tử. Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần…”
Đều đặn các năm sau, Bác đều gửi thư biểu dương thành tích của thương binh, gia đình liệt sĩ và căn dặn anh em thương binh: “các chú tàn nhưng không phế”, khuyến khích thương binh “hòa mình với nhân dân”, “tránh công thần”, “tích cực lao động để cải thiện đời sống”.
Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, sau khi Người đi xa, Đảng, Chính phủ, nhân dân ta và anh chị em thương binh vẫn tiếp tục thực hiện những mong muốn của Người, đền đáp công ơn của thương binh, gia đình liệt sĩ, ngày nay đã trở thành một phong trào sâu rộng nặng ơn nghĩa và đạo lý Việt Nam.
-----------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H, 1995, tr175.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.