Tin tức kinh tế, tài chính ngày 22/7/2021: Nhiều ngân hàng ồ ạt tuyên bố giảm lãi suất
Giá vàng hôm nay 22/7: Giảm tiếp
Khoảng 6 giờ ngày 22/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.804 USD/ounce, ghi nhận thêm một phiên giảm 6 USD/ounce.
Trước đó trong ngày 21/7, giá vàng thế giới có lúc giảm hàng chục USD/ounce khi nhà đầu tư nghĩ việc nắm giữ vàng sẽ đối mặt với rủi ro.
Nhà phân tích của Công ty Giao dịch Ngoại hối Oanda (Mỹ)- ông Edward Moya nhận định USD có thể tiếp tục tăng giá trong tương lai và yếu tố này đang thúc đẩy các tổ chức tài chính giảm số lượng vàng nắm giữ.
Đơn cử, trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm 20 đến rạng sang 22/7, một số quỹ đầu tư bán ra gần 2 tấn vàng. Riêng quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares không giao dịch sau khi đứng bên lề thị trường vào phiên trước.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh đồng USD không suy yếu so với nhiều đồng tiền khác, nhà đầu tư hạn chế đưa vốn vào kim loại quý. Giá vàng gần như không có động lực để đi lên.
Cụ thể, giới đầu tư tài chính tiếp tiếp tục dồn vốn vào cổ phiếu. Kết quả là thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tăng điểm dữ dội sau khi tăng mạnh vào phiên giao dịch trước. Điều này chứng tỏ dòng tiền chảy vào kim loại quý vô cùng khiêm tốn. Vì thế, khi giá vàng thế giới giao dịch tại 1.815 USD/ounce nhiều người đã tranh thủ bán ra thu hồi vốn. Giá vàng giảm mạnh 20 USD/ounce, xuống còn 1,795 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 21/7.
Tuy nhiên, may mắn cho thị trường vàng là sau khi xuống còn 65 USD/thùng, giá dầu thô bất ngờ vọt lên 70 USD/thùng. Có thể, yếu tố này đã thúc đẩy một số nhà đầu tư đưa vốn vào vàng do giá dầu thô tăng thường kéo giá vàng tăng theo.
Thế nên, giá vàng hôm nay giành lại 10 USD/ounce, từ 1.795 USD/ounce vọt lên 1.805 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 22/7. Sau đó, giá vàng hôm nay đi ngang và đến 6 giờ giao dịch tại 1.804 USD/ounce.
Dưới góc độ kỹ thuật, Jim Wyckoff – nhà phân tích của kitco.com (trang thông tin thị trường vàng tại Mỹ) dự báo trong ngắn hạn giá vàng có thể cán mức 1.825 USD/ounce. Nếu không vượt qua mức kháng cự này thì giá vàng thế giới sẽ lùi về vùng 1.790 USD/ounce.
Chứng khoán ngày 22/7 - Hồi phục ngắn, đừng kỳ vọng
Kết phiên, VN-Index giảm 2,5 điểm (0,2%) còn 1.270,79 điểm, HNX-Index giảm 0,1% xuống 300,8 điểm, duy nhất UpCOM-Index tăng nhẹ 0,72% lên mức 84,3 điểm.
Thanh khoản giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.400 tỷ đồng, giảm 16,8%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE là 16.700 tỷ đồng, giảm 16,9%.
Khối ngoại hôm nay bán ròng 1.451 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu khối ngoại mua/bán nhiều nhất trên sàn HOSE. (Nguồn: ndh.vn)
Hiện tại, VN-Index đang có dấu hiệu hồi phục lại nhưng đây sẽ là nhịp hồi phục ngắn hạn và rất có thể VN-Index sẽ quay trở lại test lại vùng 1.225 điểm để tạo thành mô hình hai đáy. Cơ sở của việc có nhận định này là do tình hình dịch bệnh vẫn đang khá phức tạp và đây có thể là nguyên nhân chính.
Danh mục cổ phiếu hướng đến nên tập trung vào những cổ phiếu có câu chuyện riêng, mang tính đầu tư trung dài hạn chứ không nên mua đuổi bất kỳ cổ phiếu nào vì tính khó đoán của thị trường.
Các nhóm ngành hot như ngân hàng, chứng khoán đang đều là những đoạn đuôi sóng, chỉ nên tập trung vào các ngân hàng tốt và đầu tư trung dài hạn. Không nên đầu tư nhiều vì các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng từ đầu năm đến giờ đã có sóng tăng trưởng khá cao.
Nếu dư tiền mặt và ưa mạo hiểm, nhà đầu tư có thể tham gia thị trường khoảng 20% NAV để có thể mua dần các cổ phiếu tốt mà đang có giá salesoff và còn tiềm năng tăng trưởng .
Nhiều ngân hàng “ồ ạt” tuyên bố giảm lãi suất
Hàng loạt ngân hàng liên tiếp ra thông báo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.
MSB vừa thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm so với lãi suất hiện hành của MSB từ nay đến ngày 31.12.2021 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, MSB giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) và giảm 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Tính đến 30.6.2021, MSB đã giải ngân 6.000 tỉ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp.
Trước đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ ngày 15.7 đến hết 31.12.
Trong đó, khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được giảm 1% lãi vay và giảm tối đa 1% đối với nhóm ngành còn lại. Khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh được giảm 1% và giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh TL
MB vừa công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các đối tượng khách hàng khác nhau sẽ được hưởng mức giảm lãi suất khác nhau, cao nhất là 3 - 4%/năm so với hiện tại.
Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12.2021 là 1% tổng danh mục cho vay VNĐ của ngân hàng.
Tại BIDV, từ ngày 15.7.2021 đến 31.12.2021, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Cụ thể, BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu đối với: các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải…); các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn; các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368 nghìn tỉ đồng và đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.
ACB thông báo sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15.7 đến 15.10.2021.
Sacombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 như: du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế...; đồng thời tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Dự báo về kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của Standard Chartered nhận định, lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng xảy ra các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Mặc dù tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện từ quý IV/2020, Standard Chartered cho rằng các đợt tăng lãi suất sẽ không xảy ra.
Cũng theo Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% cho đến cuối năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Nhà đầu tư bất động sản cắt lỗ, thoát hàng
Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, dòng tiền gặp khó khiến thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ để thoát hàng nhanh.
Không khó bắt gặp những dòng rao bán BĐS trên các trang mua bán nhà, đất với nội dung như “chính chủ cần tiền bán gấp, bán cắt lỗ, giảm giá bán rẻ, bán nhanh…”.
Trao đổi với phóng viên Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ông Tuấn, một chủ nhà, cho biết đã giảm đến 300 triệu đồng so với các căn hộ khác cùng chung cư. “Tôi đã đầu tư hoàn thiện nội thất, vốn để cho thuê nhưng dịch kéo dài lâu quá nên phải bán giá đó, coi như lỗ tiền nội thất” - ông Tuấn nói.
Thời điểm này nhà đầu tư có thể mạnh dạn trả giá để được mua sản phẩm bất động sản giá tốt. Ảnh: QUANG HUY
Ông Tuấn cho biết có vài căn hộ để cho thuê nhưng đều phải giảm giá mạnh. Lợi nhuận cho thuê BĐS giảm, kênh đầu tư chứng khoán cũng thâm hụt nên ông buộc phải bán rẻ để có tiền đầu tư lĩnh vực khác.
Cũng đầu tư một căn hộ ở vùng ven nhưng kẹt tiền vì vay ngân hàng, ông Hùng Dũng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) buộc phải rao bán giá rẻ. “Giá bán căn hộ này hiện khoảng 2,1 tỉ đồng nhưng tôi chấp nhận lỗ 100 triệu đồng, chi hoa hồng cao để ra hàng nhanh. Giờ đang giãn cách nên môi giới báo rất ít người hỏi mua” - ông Dũng lo lắng.
Trong khi đó, sau khi lao theo những cơn sốt đất, thị trường hạ nhiệt khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, lo tìm cách thoát hàng. Ông Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết đang rao bán lô đất nông nghiệp gần 1.000 m2 với giá chỉ 1,6 tỉ đồng, dù trước đó ông bỏ ra gần 2 tỉ đồng để mua. Ông mua BĐS này do tin lời môi giới, dự định lướt sóng nhanh để lấy lời. Không ngờ chỉ sau vài tuần giá lại giảm nhanh, cộng thêm dịch COVID-19 bùng phát nên gần như cả khu vực đứng hình từ cuối năm 2020 đến nay. Dù ông đã bán với giá dưới vốn nhưng vẫn có rất ít khách hàng quan tâm.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một nhà đầu tư chứ không phải là làn sóng bán tháo. Nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ thời gian này để cơ cấu lại tài sản.
Hiện nay người mua nhà có thể mạnh dạn trả giá để mua được giá tốt, giảm khoảng 3%-5% là điều có thể.
“Nếu người bán giảm đến 10%-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Tuy nhiên, cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn” - ông Quang phân tích.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), cho rằng dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập người dân suy giảm. Kéo theo đó, nhu cầu chi tiêu giảm nên giá bán cũng chịu áp lực giảm. Tại một số thị trường, tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Phân khúc đất nền và nhà liền kề đã xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, giảm giá. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng.
Ngoài nguyên nhân do nhà đầu tư bị áp lực tài chính thì ông Đính chỉ ra một phần do thị trường phát triển không cân đối. Nhà ở bình dân thiếu trầm trọng, trong khi lượng hàng ở phân khúc trung, cao cấp thừa nhiều trong thời gian dài. Giới đầu tư ôm hàng chung cư lâu sẽ dễ mất giá, sốt ruột nên muốn bán để giữ an toàn dòng vốn. “Đây lại là cơ hội cho những người mua nhà để ở thực. Họ có thể trả giá, mua được giá hợp lý” - ông Đính chia sẻ.
Phú thọ đẩy mạnh phòng, chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Thọ đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp thành lập ba tổ công tác nhằm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định. Nhờ triển khai một cách chủ động, quyết liệt, tình hình dịch bệnh tại khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đã và đang được kiểm soát tốt.
Hanyang Digitech Vina là công ty 100% vốn của Hàn Quốc, đóng tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ. Công ty có hơn một nghìn công nhân, chuyên sản xuất các sản phẩm lưu dữ liệu cho máy tính và máy chủ. Ngoài thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch theo quy định, công ty sớm cài đặt và yêu cầu công nhân khai báo y tế bằng quét mã QR hàng ngày. Phương pháp này áp dụng với tất cả khách hàng đến giao dịch, làm việc tại công ty.
Anh Nguyễn Quốc Hoàn, lái xe chở hàng của Công ty Hanyang Digitech Vina chia sẻ, anh luôn chấp hành, thực hiện nghiêm túc quy định và biện pháp phòng dịch của doanh nghiệp. Việc khai báo y tế bằng cách quét mã QR-code, kiểm tra thân nhiệt không mất nhiều thời gian, nhưng đây là một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phòng Hành chính nhân sự, Công ty Hanyang Digitech Vina cho biết, Công ty đặc biệt chú trọng tới các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19... qua đó bảo đảm an toàn, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, không để công nhân lao động bị nghỉ việc, mất việc.
Công ty trách nhiệm hữu hạn YI DA Việt Nam (100% vốn nước ngoài, đóng trên địa bàn huyện Cẩm Khê) đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Lưu Thị Thanh Tâm, Phòng Quan hệ lao động, Công ty trách nhiệm hữu hạn YI DA Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chuyên về ngành may mặc với gần 4.600 công nhân, lao động. Hằng ngày, mỗi công nhân, người lao động đều được đo thân nhiệt 3 lần. Trước cửa các xưởng đều bố trí nước sát khuẩn và kết thúc ca làm việc, khẩu trang của công nhân được thu gom theo đúng quy định. Tại nhà ăn của công nhân, công ty cho lắp hệ thống vách ngăn, bữa ăn được chia ra làm nhiều đợt để bảo đảm khoảng cách theo khuyến cáo. Công ty tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ nhà xưởng hai lần/tuần…; đã thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời với sức chứa 30 người, bảo đảm khoảng cách. Ngoài ra, Công ty ký hợp đồng với Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê, khi có người nghi ngờ mắc sẽ được cách ly tạm thời, nhân viên y tế huyện đến lấy mẫu và thực hiện test nhanh theo quy định...
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch như xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19...
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Xí nghiệp vận hành Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, hiện khu công nghiệp có 25 doanh nghiệp với 100% vốn nước ngoài. Bản thân chủ doanh nghiệp nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tình hình dịch bệnh nên đặc biệt coi trọng việc phòng, chống dịch COVID-19 và đang thực hiện rất tốt. Một số doanh nghiệp chia công nhân ra làm nhiều ca khác nhau, tránh tập trung đông người vào cùng thời điểm. 100% doanh nghiệp đều tự tổ chức phun tiêu độc khử trùng định kỳ, phun khử khuẩn xe ra vào công ty, yêu cầu lái xe có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tổ chức phòng ăn tập thể trong công ty, chia ra làm nhiều ca, lắp đặt vách ngăn tại phòng ăn…
Ông Nguyễn Hữu Cường lưu ý, dù đang làm tốt công tác phòng, chống dịch nhưng các doanh nghiệp không được chủ quan, lơ là. Để thực hiện tốt việc này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phú Hà phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, siết chặt quy định phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tổ chức, sắp xếp lại phương án sản xuất kinh doanh tại đơn vị; bảo đảm phân luồng, giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế; bố trí thời gian ăn, nghỉ giữa các ca làm việc phù hợp để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch…
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Hanh khẳng định, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Quản lý yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm vào doanh nghiệp; khẩn trương bổ sung kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; bảo đảm an toàn cho chuyên gia, nhân viên, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; xây dựng phương án cách ly, xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp; tổ chức diễn tập phương án phòng, chống dịch tại khu công nghiệp. Đặc biệt, yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
Ban Quản lý yêu cầu 100% doanh nghiệp và các trụ sở cơ quan, đơn vị trực thuộc thiết lập điểm khai báo y tế điện tử qua mã QR-code tại đơn vị mình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch nhưng không hoang mang, lo lắng, tập trung cao cho nhiệm vụ sản xuất...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.