Tin tức Miền Tây ngày 17/2/2022: 10 cây Mai vàng Sa Đéc đạt Kỷ lục Guiness

2022-02-17 23:00:00 0 Bình luận
Sau Tết Nguyên đán, ngư dân tỉnh Cà Mau đang tích cực chuẩn bị ra khơi với tâm trạng phấn khởi, đặt nhiều hy vọng vào đợt khai thác từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm, bởi đây là thời điểm khai thác đạt hiệu quả cao.

Theo Báo Cà Mau, ông Bùi Tấn Thành (Ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh), một lão ngư gắn bó cả đời với ngọn sóng, cho biết: “Khai thác tuỳ điều kiện mỗi năm có thuận lợi, khó khăn khác nhau, nhưng đây là thời điểm cho hiệu quả cao. Ngư dân đang chuẩn bị để ra khơi, cao điểm là ngày 17/2 âm lịch”.

Chuẩn bị ra khơi, song trong họ cũng có nhiều nỗi niềm ưu tư. Nhưng họ không lo chuyện khai thác không đạt kỳ vọng, bởi nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển truyền thống của mình thì người làm nghề biển “nắm trong lòng bàn tay”. Lão ngư Bùi Tấn Thành chia sẻ: “Lỗ thì chắc không lỗ, nhưng lãi sẽ chẳng là bao nếu tình hình vật giá chưa cải thiện. Ðợt này chi phí cho chuyến biển cao hơn. Giá nhiên liệu tăng từ trước Tết, nguồn thuỷ sản đã giảm nhiều, bên cạnh đó là thiếu bạn đi biển. Tôi làm nghề lưới mực, mỗi chuyến biển chi phí ít nhất 40 triệu đồng, nếu tính trả công cho bạn thì mỗi chuyến phải thu về từ 100 triệu mới có lời”.

Ngư dân Khánh Hội chuẩn bị ngư cụ cho vụ khai thác đầu năm.

“Thiếu bạn” là chuyện không chỉ riêng ai. Anh Nguyễn Văn Thừa (xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời), đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến biển phải vài tháng mới vào bờ. Anh tâm sự: “Thực tế thì tôi chỉ chọn nhận người quen biết đi theo ghe, nhưng khi ngư phủ thiếu nhiều, anh em vẫn bỏ mình theo ghe khác vì chủ tàu khác họ chấp nhận trả thêm tiền”.

Ðây là những vấn đề muôn thuở của các chủ tàu. Tạm bỏ qua vấn đề đó thì chuyến biển đầu năm là niềm hứng khởi của ngư dân, mong một năm thắng lợi của nghề biển. Anh Cao Văn Cương (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) hy vọng: “Ðầu năm, ngư dân luôn muốn có chuyến biển nhiều may mắn. Nói chung là khai thác thuận lợi, tôm cá đầy ghe là may mắn cả năm!”.

Cùng chung hy vọng với bà con ngư dân về một năm khai thác biển thuận lợi hơn, anh Nguyễn Văn Thừa bày tỏ: “Mong năm nay dịch bệnh sớm qua, giá hải sản ổn định và giá nhiên liệu giảm để chúng tôi còn có lãi cao, chia nhiều hơn cho anh em ngư phủ để họ ổn định cuộc sống gia đình”.

Tàu cá ngư dân Khánh Hội sẵn sàng cho chuyến ra khơi kịp con trăng tháng 2 âm lịch.

Với lão ngư Bùi Tấn Thành, cả cuộc đời gắn bó với biển, ông không sợ con sóng cả, bởi kinh nghiệm ra khơi khi còn “để chỏm” đã dạy cho ông cách đối phó với sóng to, gió lớn. Nhớ lại năm qua, ông chia sẻ tận lòng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng theo kiểu người làm nghề biển không hiểu nổi. Mọi người, mọi nghề đều bị ảnh hưởng, không nhiều thì ít; chưa bao giờ ra khơi lại bị kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định như năm vừa qua. Thế nhưng, ông chốt lại rằng: “Những quy định ban đầu làm mình thấy bất tiện, thế nhưng đến giờ thì lại thấy nó cần thiết. Năm nay ngư dân ra khơi có quá nhiều khó khăn nhưng vẫn có niềm tin vụ khai thác đầu năm đầy hứa hẹn. Nhà nước quan tâm tiêm ngừa, kiểm soát ngư phủ ra khơi đảm bảo an toàn, làm chúng tôi cũng yên tâm hơn

Bộ sưu tập 10 cây mai vàng ở Sa Đéc đạt Kỷ lục thế giới​

Theo Báo Đồng Tháp, bộ sưu tập 10 cây mai vàng của ông Vũ Đức Đông ngụ phường An Hòa, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) vừa được Tổ chức Kỷ lục thế giới công nhận xác lập Kỷ lục thế giới “Bộ sưu tập mai vàng Tuệ Sâm có nhiều tác phẩm độc bản nhất”. Đây cũng là kỷ lục thế giới hiếm hoi ở Việt Nam về lĩnh vực cây cảnh được Tổ chức Kỷ lục thế giới trao tặng.

Cây mai dát vàng Tuệ Sâm trong bộ sưu tập 10 cây mai vàng của ông Vũ Đức Đông. Ảnh: Ngọc Duy

Trong số bộ sưu tập 10 cây mai vàng của ông Vũ Đức Đông, cây mai chủ lực là cây mai được dát 9 chỉ vàng 9999 trên thân với 2 chữ bằng vàng “Tuệ Sâm”, cây mai này có tuổi đời trên 100 năm, chiều cao từ rễ lên tới ngọn khoảng 2m; hoành đế rộng 3m, cành lá mọc lên từ dưới phần rễ trần có hình dáng như thân rồng uốn lượn rất đẹp. Đặc biệt, trên bệ thân mẹ mọc ra một nhánh mà giới chơi cây kiểng thường gọi là “Lão mai sinh quý tử”. Cây mai này còn có hình dáng đẹp mắt như một đứa bé được ôm trong lòng mẹ. Bộ rễ có 9 chi như 9 con rồng, mỗi con có dáng hình khác nhau.

9 cây mai còn lại của ông Đông cũng là những tác phẩm độc đáo phần lớn đều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đạt giá trị độc bản. Bộ sưu tập này được Tổ chức thế giới đánh giá như một nơi hội tụ những tác phẩm đẹp, lạ, có giá trị và thể hiện tình cảm gia đình.

Hiện tại, bộ sưu tập này đang được trưng bày ở Câu lạc bộ Mai vàng TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Bằng xác lập Kỷ lục thế giới sẽ được Tổ chức trao tặng cho ông Vũ Đức Đông vào ngày 22/2 tới đây.

​​​​​​Đặc sắc vườn kinh Pháp cú khắc trên đá ở Vĩnh Long

Theo Báo Nhân Dân, chùa Phước Hậu (hay còn gọi là Tổ đình Phước Hậu) nằm ven sông Hậu thuộc ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long từ lâu là một nơi tu hành trang nghiêm và là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Long.

Vườn kinh Pháp cú được khắc trên những tảng đá. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Đến chùa Phước Hậu ai cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ngôi chùa, những hàng cây cao lớn tỏa bóng mát. Ấn tượng nhất đối với nhiều khách tham quan chính là những câu kinh khắc trên đá rất công phu, được nhà chùa bố trí hài hòa tạo thành vườn kinh Pháp cú độc nhất vô nhị ở miền Tây.

Vườn kinh Pháp Cú gồm 213 phiến đá màu xanh kích thước 0,4x0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt được sắp xếp theo hình 8 lá bồ đề thể hiện bát chánh đạo, nói lên con đường 8 nhánh đức phật đã dạy cho chúng ta thực hành tu theo đó nhằm an lạc. Kinh Pháp cú là những lời vàng ngọc là tinh hoa của Phật giáo do đức Phật Thích Ca nói khi Ngài còn tại thế.

Vườn kinh Pháp Cú nằm trong khuôn viên chùa Phước Hậu ẩn mình dưới tán hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Vườn gồm 213 phiến đá màu xanh kích thước 0,4x0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt, ngoài ra còn có một bài thơ nói về đại ý của bộ kinh Pháp cú, 1 bài nói về công hạnh của người tu, phật tử và một phiến đá khắc hình Hòa thượng Thích Minh Châu. Ở giữa có tháp 4 phật quay bốn hướng. Những phiến đá được sắp xếp bố trí theo hình kết 8 lá bồ đề tượng trưng cho bát chánh đạo.

Theo Thượng tọa Thích Phước Cần, bồ đề là tiếng Ấn Độ, tiếng Hán dịch là giác ngộ. Tám lá bồ đề kết lại nói lên con đường 8 nhánh Đức Phật đã dạy cho chúng ta để chúng ta thực hành tu theo đó nhằm an lạc hiện tại và mai sau gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định. Vườn kinh hoàn thành trong 2 năm.

Thượng tọa Thích Phước Cẩn, Trụ trì chùa Phước Hậu kể lại: “Năm 2014, tôi được phật tử mời đi Myanmar du lịch. Qua bên đó, tôi được ngắm nhiều ngôi chùa đẹp, đặc biệt những phiến đá khắc kinh rất độc đáo mà các chùa ở Việt Nam không có. Khi về, tôi đã nghiên cứu tìm cách khắc những bài kinh bằng tiếng Việt lên phiến đá”.

Theo Thượng tọa Thích Phước Cẩn, từ ý tưởng ban đầu đến việc thực hiện vô cùng khó khăn từ việc chọn nguyên liệu đá, cách bày trí đến chọn loại kinh nào để dịch ra tiếng Việt.

Hòa thượng Phước Cẩn cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện, nhiều phật tử là kiến trúc sư, nhà mỹ thuật góp ý, đưa ra ý tưởng để bày trí sao cho khoa học, đẹp mắt. Sau đó tôi quyết định làm vườn kinh pháp cú là tinh hoa của Phật giáo do cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Việt Nam, dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt”.

Vườn kinh Pháp cú nằm dưới tán cây cổ thụ luôn rợp bóng mát. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Theo Thượng tọa Thích Phước Cần, ý nghĩa của việc hình thành và xây dựng vườn kinh Pháp cú là mong muốn mỗi Phật tử, du khách khi tham quan, họ chỉ cần đọc được một câu trên những tảng đá này cũng đã chiêm nghiệm được lời vàng ý ngọc và tự sửa mình… ngày càng sống tốt đạo đẹp đời hơn.

Theo Thượng tọa Thích Phước Cẩn, trước đây, chùa Phước Hậu chỉ là một cái am nhỏ. Năm 1894, ông Hương cả làng Đông Hậu là Lê Văn Gồng vốn có lòng mộ đạo, vận động thiện nam tín nữ trong làng xây dựng một ngôi chùa sườn gỗ, mái ngói âm dương, vách ván, nền gạch. Ngôi chùa này là một dạng chùa làng nên được đặt tên là chùa Đông Hậu.

Đến năm 1910, ông Gồng mất, con gái ông là bà Lê Thị Huỳnh và phật tử địa phương đã thỉnh Hòa thượng Hoằng Chỉnh ở chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) vào trụ trì. Hòa thượng Hoằng Chỉnh đã đổi hiệu chùa Đông Hậu thành Phước Hậu.

Sau nhiều lần trùng tu, xây mới, chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình như chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Chánh điện chùa Phước Hậu hình chữ “sơn”, nhìn xuống dòng sông. Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng cao chót vót. Nội điện rộng rãi trang trí đơn giản, nền lót gạch bông, lại có nhiều cửa ra vào nên trông trống trải. Chùa Phước Hậu được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng ngày 25/1/1994.

Vườn kinh Pháp cú nhìn từ trên cao. (Ảnh: BÁ DŨNG).

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh, cho biết: “Chùa Phước Hậu là một di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đây cũng là di tích lịch sử cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù ở rất gần Trà Ôn, không xa Cần Thơ nhưng đây là điểm tựa cách mạng. Nơi đây có nhiều hạng mục công trình rất đặc sắc, trong đó có nhiều di vật cổ của Tổ đình Phước Hậu, nơi đào tạo tăng tài của Vĩnh Long và của cả Nam Bộ. Về sau, từ khi xếp hạng lịch sử văn hóa, nhà chùa cũng đã đầu tư tôn tạo rất nhiều công trình như bờ kè chống sạt lở, kiến tạo thanh chuông, chỉnh trang và tu bổ chánh điện, hậu tổ cùng các hệ thống tháp…”.

“Đặc biệt, trong di tích này, Thượng tọa Thích Phước Cẩn đã dành nhiều tâm huyết để tôn trí nhiều tượng đá, những công trình bằng đá và đặc sắc nhất là vườn kinh Pháp cú. Kinh Pháp cú là những lời vàng ngọc là tinh hoa của Phật giáo do đức Phật Thích Ca nói khi ngài còn tại thế… Thượng tọa Thích Phước Cẩn đã chọn những câu kinh đặc sắc khắc bằng chữ Phạn và chữ Việt, tôn trí và bày trí ở khuôn viên rất đẹp ở giữa vườn cây cổ thụ, bóng mát rất đẹp.

Khi bày trí, hòa thượng có tham vấn ý kiến của các kiến trúc sư và họa sĩ cùng các nhà điêu khắc cho nên công trình mang tính mỹ thuật cao, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của vườn cây ven bờ sông Ba Sắc rất đẹp.

Chùa Phước Hậu, hay còn gọi là Tổ đình Phước Hậu, là nơi đào tạo nhiều tăng tài cho Vĩnh Long cũng như cho vùng đất Tây Nam Bộ. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Nơi đây đã thu hút tín đồ hồi hương khắp nơi và cả nước về. Khi đến vùng Trà Ôn và Tam Bình, nhiều người tìm đến chùa Phước Hậu. Khách du lịch trong nước cũng như ngoài nước từ tuyến Vĩnh Long xuống hay Cần Thơ qua đi đường sông thì họ tới chùa Phước Hậu. Bởi giữa đồng bằng này, Vĩnh Long không có núi nhưng lại có vườn kinh pháp cú bằng đá rất là đặc sắc, cho nên nơi đây từng bước thu hút đông khách du lịch”, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Hoanh nhấn mạnh.

Giờ đây, đến chùa Phước Hậu, khách thập phương không chỉ tham quan, thưởng ngoạn, hít thở không khí trong lành giúp lòng thanh thản mà còn được chiêm ngưỡng những vườn kinh đá độc đáo, có ý nghĩa giáo dục cao. Nó giúp chúng ta thêm yêu quê hương, đất nước, sống có nghĩa, có tình, thủy chung son sắc.

Cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau: Dự kiến khởi công vào cuối năm nay

Theo Báo Hậu Giang, chiều ngày 16/2, tại UBND tỉnh Hậu Giang, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ về dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (phải) phát biểu tại buổi làm việc.

Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau), giai đoạn 1 sẽ có quy mô 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 109,5km với tổng mức đầu tư khoảng 27.254 tỉ đồng; dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được chia thành 2 dự án thành phần; dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, dài 36,7km; tổng mức đầu tư 9.769 tỉ đồng. Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dài trên 72km với tổng mức đầu tư gần 17.500 tỉ đồng. Theo dự kiến của Bộ GTVT, dự án dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau) sẽ khởi công vào cuối năm 2022, các địa phương sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng từ giữa tháng 3-2022.

Phát biểu tại buổi làm việc với 5 tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng: Mục tiêu cuối cùng của tuyến cao tốc này là tạo điều kiện tối đa để kết nối giao thông, đề nghị đơn vị tư vấn lập dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu đề xuất của các tỉnh để gia tăng hơn nữa tính kết nối của các địa phương, phát huy tiềm năng kinh tế vùng. Riêng đoạn qua Cần Thơ, trong điều kiện cầu Cần Thơ 2 chưa đầu tư, đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có phương án tổ chức giao thông phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận quan tâm các nút giao phức tạp là IC4 (kết nối Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và IC6 (kết nối Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu). Trong khâu giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ bồi thường, đề nghị các tỉnh, thành phố tích cực hỗ trợ Ban quản lý dự án, Bộ GTVT để dự án sớm được triển khai, đảm bảo tiến độ.

Tại buổi làm việc, đa số các các địa phương kiến nghị đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề kết nối các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh sẽ chủ động thực hiện thu hồi đất, cũng như điều tra hộ dân bị ảnh hưởng, chỉ đạo các ngành tỉnh xúc tiến khâu giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Hậu Giang đề nghị đơn vị quan tâm việc điều chỉnh tim tuyến tại vị trí giao với Quốc lộ 1 và đoạn giao cắt qua địa phận thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho phù hợp với quy hoạch.

Tuyến đường bộ Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam và là một trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là tuyến kết nối 2 cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Đồng thời, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...