TP.HCM đình chỉ dạy giáo viên làm gãy ngón tay học sinh
Chiều 12/10, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn trong tuần qua. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp chiều 12/10 tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh.
Tại phiên họp, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã thông tin về quy trình xử lý giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tác động làm gãy ngón tay học sinh diễn ra vào chiều 4/10.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận được Báo cáo số 1748/BC-GDĐT ngày 12/10/2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình và Báo cáo số 146/BC-NVT ngày 12/10/2023 của trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi về vụ việc giáo viên gây thương tích cho học sinh lớp 1/1 vào chiều 4/10.
“Ngay sau khi sự việc diễn ra, hiệu trưởng nhà trường đã đình chỉ giảng dạy cô giáo gây nên vụ việc. Hiệu trưởng cùng cán bộ quản lý đã đến thăm hỏi tình hình sức khỏe học sinh, nhận trách nhiệm. Đồng thời, chuyển lớp đối với học sinh bị tác động để đảm bảo về tâm lý cho học sinh. Hôm nay 12/10, nhà trường thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét kỷ luật, đánh giá vụ việc...” - ông Hồ Tấn Minh thông tin.
Ông Hồ Tấn Minh nhìn nhận, vụ việc là sự kiện đáng buồn của ngành giáo dục thành phố. Sở và các đơn vị liên quan kiên quyết xem xét và xử lý đúng quy định, không bao che cho cá nhân vi phạm.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi xem xét thực hiện quy trình xử lý kỷ luật viên chức theo quy định, không bao che.
Theo ông Hồ Tấn Minh thông tin, Sở đã yêu cầu phía Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi kiên trì làm rõ, giải quyết những mâu thuẫn, tổ chức lại và làm việc với Ban đại diện cha mẹ học sinh, hội đồng sư phạm để giải tỏa suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng của giáo viên để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Quan điểm của Sở xử lý nghiêm để thấy môi trường sư phạm cố gắng theo quan điểm của ngành “Xây dựng trường học hạnh phúc, giảm thiểu sự việc mâu thuẫn, gọi là bạo lực học đường".
Ngay đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố có Công văn số 5244/SGDĐT-CTTT ngày 15/9/2023 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục, triển khai kế hoạch Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (Kế hoạch 2757/KH-GDĐT-CTTT ngày 12/8/2019). Đồng thời, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Trước đó, vào chiều 4/10, một học sinh lớp 1/1, trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình), sau giờ học về nhà than bị đau tay. Sau khi kiểm tra và hỏi thêm, gia đình biết được học sinh bị cô giáo đánh. Ngày 5/10, sau khi đưa học sinh đi khám và chụp X-Quang thì được chẩn đoán bị "gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần ngón 4, do chấn thương". Phía gia đình học sinh đã yêu cầu nhà trường phải đảm bảo quyền lợi học tập của con em và có biện pháp xử lý sai phạm của giáo viên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.