Truông Bồn 50 năm nhớ lại (31/10/1968 - 31/10/2018)
![]() |
Tiểu đội hai (Tiểu đội cảm tử), Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP Nghệ An đang san lấp hố bom (Ảnh tư liệu do PV TTXVN Phùng Triệu chụp tháng 8/1968) |
Những ngày này, nườm nượp du khách gần xa trên mọi miền Tổ quốc đã trở về Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để thắp nén hương thơm, đặt những bông hoa tươi thắm lên bàn thờ của các TNXP đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đất lịch sử này.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên tuyến đường chiến lược 15A - cung đường độc đạo Truông Bồn là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Phát hiện được vị trí chiến lược của Truông Bồn, từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá với gần 2 vạn quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta.
![]() |
Câu chuyện của cựu TNXP Trần Thị Thông đã khiến nhiều khán giả trong khán phòng không kìm được nước mắt. |
Sự hi sinh của các TNXP đã góp phần giúp đất nước giành độc lập |
Trong cuộc “đọ sức” với bom đạn của giặc Mỹ tại “tọa độ lửa” Truông Bồn, hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ của 9 Đại đội TNXP, thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã cùng với các lực lượng của quân và dân ta ngày đêm bám trụ và chiến đấu ngoan cường với lòng quả cảm; với ý chí và quyết tâm sắt đá đã lập nên những chiến công, những kỳ tích nơi đây.
Để có được chiến thắng đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” “Tiểu đội thép” Anh hùng thuộc Đại đội TNXP 317.
![]() |
Thủ tướng dâng hương dâng hoa tại mộ 13 liệt sỹ TNXP tại Truông Bồn |
Cựu TNXP Trần Thị Thông (người duy nhất còn sống sót) xúc động kể lại: Khoảng 5h30 ngày 31/10/1968, 13 trong 14 chiến sỹ thuộc Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ có 6 liệt sĩ được tìm thấy thi thể, 7 người còn lại thân thể đã hòa vào đất. Máu của các anh, các chị tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, tô thắm thêm màu cỏ cây, đất trời, hoa lá, viết nên một huyền tích anh hùng về lịch sử của Truông Bồn.
Tên các anh chị đã khắc vào sông núi, trở thành sức mạnh cho tuổi trẻ của cả đất nước trong cuộc kháng chiến vĩ đại ở thế kỷ XX. Thế nhưng các TNXP vẫn là người anh, người chị giản dị như bao người Việt Nam.
Ông Nguyễn Võ (sinh 1950), trú tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, em trai của nữ TNXP Nguyễn Thị Văn thắp hương tại tấm bia ghi tên 13 TNXP đã hi sinh. |
Các anh, chị ở lứa tuổi 20, người trẻ nhất mới qua tuổi 17 đã cùng nhau vượt qua sự khốc liệt của chiến trường khi ban ngày phải phơi mặt dưới ánh nắng chói chang và cái nóng hầm hập của gió Lào để lấp hố bom, san đường mở lối, thà hy sinh chứ quyết không để đường bị tắc, xe bị ùn tại trọng điểm Truông Bồn.
Không những cựu chiến binh, các em nhỏ cũng đến dâng hương và tìm hiểu về lịch sử huyền thoại của Truông Bồn. |
Ngày san lấp đường, đêm thay nhau làm “cọc tiêu sống”, để điều hành, cảnh giới cho những đoàn xe vượt trọng điểm chở hàng ra tuyền tuyến. Sự hi sinh của các anh, các chị đã làm nên những giá trị tinh thần bất tử, tạo nên một Truông Bồn huyền thoại.
Ngày các anh, các chị ngã xuống cũng là ngày Chiến thắng Truông Bồn. Không một sự hi sinh nào là vô nghĩa, bởi bài học để lại vô cùng to lớn, nhắc nhở thế hệ trẻ về một thời đất nước gian lao nhưng dân tộc ta, cha anh ta chưa bao giờ biết cúi đầu khuất phục.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.