Vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong nước
Dòng tiền cá nhân chiếm hơn 90%
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như không ít kênh đầu tư bị ảnh hưởng nên thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân. Hiện tượng này diễn ra trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam, bởi kênh đầu tư chứng khoán có tính thanh khoản cao và cơ hội kiếm lời nhanh, việc giao dịch không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân trong tháng 8/2021 cao hơn tháng 7, đạt trên 120.000, nâng tổng số tài khoản mở mới trong 8 tháng năm 2021 lên hơn 84.000, cao hơn cả số lượng tài khoản mở mới trong 2 năm 2018 – 2019.
Trên sàn chứng khoán HOSE và HNX, trong tháng 8/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đều bán mạnh với giá trị gần 31.000 tỷ đồng.
Xét tỷ trọng giao dịch, nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 90% và mua ròng mạnh, tạo động lực cho thị trường tăng điểm và nhanh chóng hồi phục sau đợt điều chỉnh.
Bên cạnh dòng tiền thực, dòng tiền vay thông qua giao dịch ký quỹ (margin) cũng tăng cao, tình trạng margin tại một số công ty chứng khoán đang “căng cứng”.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng, trong giai đoạn tới, nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò chủ đạo. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, trong khi dòng tiền nhiều khả năng chưa rút ra ngay sau khi hết giãn cách xã hội để phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, vì lo ngại dịch bệnh có thể có các đợt tái bùng phát trong tương lai.
Trong dài hạn, xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản là tất yếu, phù hợp với xu hướng trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất so với các thế hệ nhà đầu tư trước đây không nằm ở chuyên môn hoặc đưa ra quan điểm độc lập mà thể hiện ở tỷ suất và mức độ chi phối thị trường giữa các nhóm nhà đầu tư. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng lên quanh mức 90%, cao nhất trong những năm gần đây. Chính điều này làm suy yếu vai trò chi phối thị trường của các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài. Theo đó, hai khối nhà đầu tư này liên tục bán ròng, nhưng thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm và hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều có lãi, giúp nâng cao sự tự tin trong giao dịch.
Trong 8 tháng năm 2021, khối nhà đầu tư trong nước bán ròng mạnh gần gấp đôi năm ngoái, trong khi năm ngoái họ đã có mức bán ròng cao hàng đầu kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Nhìn lại giai đoạn tăng trưởng của VN-Index từ giữa năm 2020 đến nay, khối ngoại được bổ sung vốn từ một số quỹ ETF, nhất là Quỹ Fubon của Đài Loan (Trung Quốc), nhưng vẫn có xu hướng bán ròng.
Nhờ lực cầu mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, cùng với lượng tài khoản cá nhân mở mới cao nhất lịch sử, lượng bán ra của khối ngoại đã được hấp thụ hết và mức độ tác động của khối ngoại ngày càng thấp, hiện chiếm chưa tới 10% tổng giá trị giao dịch.
Dòng vốn nội được nhìn nhận sẽ tiếp tục là lực đỡ chính của thị trường. Trong 8 tháng năm 2021, tỷ lệ giá trị giao dịch trung bình của dòng tiền nội đạt 92%, cho thấy thanh khoản thị trường phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền nội, phần lớn là của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dòng vốn nước ngoài chưa có dấu hiệu quay trở lại nên diễn biến thị trường vẫn sẽ phụ thuộc vào dòng tiền của các nhà đầu tư nội.
Xét về dòng tiền, chuyển động của thị trường trong hơn một năm qua cho thấy, nhà đầu tư cá nhân là lực đẩy giúp VN-Index có xu hướng tăng kéo dài, lập đỉnh lịch sử tại 1.420 điểm vào đầu tháng 7/2021, gần đây dao động quanh 1.340 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE và vai trò chủ đạo vẫn là nhà đầu tư cá nhân. Vì dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quan trọng nên quan điểm của nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng hơn và không bị phụ thuộc vào các tổ chức như trước.
Nội lực doanh nghiệp
Nhìn vào 30 doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn hàng đầu đến VN-Index có thể thấy thứ tự về vốn hóa lần lượt từ cao xuống thấp như sau: ngân hàng, “họ” Vin, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ và các ngành còn lại.
Theo đó, nếu cổ phiếu ngân hàng giảm giá thì cả thị trường sẽ khó tránh khỏi nguy cơ lao dốc.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, trong đó cho phép các tổ chức tín dụng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng (đến 30/6/2022), thông tin này liệu có giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng đi lên? Câu trả lời là rất khó, vì nợ xấu vẫn là nợ xấu, ngân hàng nào không mạnh tay trích lập dự phòng thì lợi nhuận thực rồi cũng sẽ “phơi bày”.
Nợ xấu, hạ lãi suất cũng như trích lập dự phòng cao khiến ngân hàng mất đi một phần lợi nhuận, làm cho cổ phiếu nhóm này đang trong giai đoạn suy giảm. Dù vậy, mọi thứ hầu như đã phản ánh vào giá, để tăng lại ngay thì chưa chắc, nhưng giảm sâu hơn cũng khó xảy ra. Lợi nhuận ngân hàng ít đi do trích lập dự phòng lớn, nhưng khi nới lỏng giãn cách, không phải trích lập dự phòng nhiều nữa, dự báo giá cổ phiếu sẽ hồi phục mạnh.
Đối với nhóm bất động sản, giá cổ phiếu gần đây tăng với kỳ vọng đón đầu mùa báo cáo kinh doanh khả quan, bởi các doanh nghiệp chủ yếu ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong 2 quý cuối năm và giá nhà đất trong bối cảnh dịch bệnh gần như không giảm, thậm chí còn tăng. Xét đầu tư trung và dài hạn, nên mua cổ phiếu bất động sản dựa trên quỹ đất, các dự án hơn là dựa theo lợi nhuận từng quý.
Nhóm thép nhiều khả năng đạt lợi nhuận cao trong quý III/2021, vì giá thép hiện gấp rưỡi cùng kỳ và các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhóm chứng khoán vẫn được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường chứng khoán.
Trong nhóm bán lẻ, MSN và MWG dự kiến có lợi nhuận tốt trong quý III/2021, khi chuỗi Vinmart và Bách hóa xanh không bị gián đoạn kinh doanh vì dịch Covid-19.
Các ngành còn lại như cảng biển, dầu khí, phân bón đang trong giai đoạn hưng thịnh, với việc giá cước vận tải tăng cao cũng như giá phân bón tăng mạnh.
Nhìn chung, các nhóm doanh nghiệp yếu sẽ có kết quả kinh doanh kém đi, nhưng ảnh hưởng nhỏ đến VN-Index, còn nhóm ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số đang có hoạt động kinh doanh không quá tệ. Đa số cổ phiếu trong Top 100 doanh nghiệp thuộc ngành hàng thiết yếu, hoạt động kinh doanh được duy trì trong giai đoạn dịch bệnh.
Do đó, lo ngại giải ngân trong thời điểm hiện tại có thể thua lỗ ngay khi cổ phiếu về tài khoản (T+3) nên chờ VN-Index giảm về 1.200 điểm để mua có vẻ thiếu cơ sở trong ngắn hạn. Tất nhiên, nhà đầu tư cần chọn cổ phiếu tốt và có triển vọng để mua.
Dự báo, thị trường đã tăng được một quãng xa so với đầu năm cũng như mức đáy năm ngoái nên sẽ tiếp tục có những cổ phiếu điều chỉnh giá, nhưng dòng tiền sẽ luân phiên chạy giữa các nhóm ngành và trong từng ngành. Theo đó, những cổ phiếu tốt, định giá hợp lý, triển vọng kinh doanh sáng hoặc có “câu chuyện riêng” hỗ trợ sẽ tăng giá. Những cổ phiếu này có thể điều chỉnh trong ngắn hạn nếu thị trường chung xấu đi, nhưng sẽ sớm bật tăng mạnh mẽ trở lại.
Cổ phiếu có câu chuyện trong tương lai đáng quan tâm là hưởng lợi từ đầu tư công được đẩy mạnh, triển vọng kết quả kinh doanh quý III và quý IV tiếp tục khả quan, nhóm bất động sản công nghiệp, xuất khẩu…/.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.