Nam Định: Hội thảo khoa học "Huyền Trân Công chúa - Cuộc đời và giai thoại"
Toàn cảnh Hội thảo khoa học: "Huyền Trân Công chúa - Cuộc đời và giai thoại".
7h30' ngày 30/11, Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản và các đơn vị đã tổ chức Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa - Cuộc đời và giai thoại”. Buổi hội thảo cũng có sự tham dự của các lãnh đạo thuộc các Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Với vị trí địa lý ở Trung tâm khu vực Nam đồng bằng Sông Hồng, Nam Định - vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng là nơi hội tụ, lưu giữ và lan toả nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Việt. Nam Định còn là vùng đất khởi nghiệp, phát tích của Vương triều Trần, một trong những triều đại phát triển thịnh trị bậc nhất trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Những đức quân vương, những văn thần võ tướng tài ba thời Trần mãi lưu danh trong lịch sử nước nhà và được Nhân dân tôn thờ tại nhiều di tích. Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, chúng ta không thể không đề cập đến Huyền Trân Công chúa, bà là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Để giữ bang giao với nước láng giềng, Huyền Trân Công chúa được Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả làm Hoàng hậu của Vua Chế Mân nước Champa. Cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa với Vua Chế Mân chỉ kéo dài 01 năm do Vua Chế Mân đột ngột qua đời. Sau khi Vua Chế Mân qua đời, Vua Trần Anh Tông cử đoàn sứ giả sang Champa đón Công chúa về nước Đại Việt.
Huyền Trân Công chúa.
Theo di nguyện của Vua cha, sau khi về đến nước Đại Việt, Công chúa xuống tóc xuất gia tu hành với pháp danh: Ni sư Hương Tràng. Năm 1311, Ni sư Hương Tràng lập am thờ Phật tại chân núi Hổ; am tranh là di tích Chùa Hổ Sơn sau này với tên hiệu là Quảng Nghiêm tự. Năm 1340, Ni sư Hương Tràng viên tịch, Nhân dân địa phương tôn kính lập đền khói hương thờ phụng. Hàng năm, vào ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch, Nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tri ân công đức của Công chúa.
Hội thảo hôm nay là sự kiện quan trọng để bổ sung thêm những nguồn tư liệu quý góp phần làm rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của Công chúa Huyền Trân với dân tộc ta và Phật giáo Việt Nam; về mối quan hệ giữa nước Đại Việt và nước Champa trong lịch sử; đồng thời làm rõ những giai thoại về Công chúa Huyền Trân để có nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về cuộc đời của bà.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tôn giáo từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên khắp cả nước, cùng các nhà quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương tỉnh Nam Định, huyện Vụ Bản. Hội thảo tập chung vào 3 chủ đề chính gồm: Cuộc đời Huyền Trân công chúa: lịch sử và những giai thoại: Nhằm tìm hiểu rõ hơn về Huyền Trân công chúa ở Đại Việt và Champa; Những nơi mang dấu ấn của bà và gắn kết những nơi này; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với dân tộc: làm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với Phật giáo: Quá trình xuất gia tu hành (thụ Bồ tát giới, pháp danh Hương Tràng, thời gian tu hành ở chùa Hổ Sơn…) và những cơ sở thờ tự thờ phụng Công chúa Huyền Trân hiện nay.
Thông qua tìm kiếm các nguồn tư liệu sử học, khảo cổ học, tư liệu Hán Nôm; thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cơ sở thờ tự liên quan đến Công chúa Huyền…, hội thảo không chỉ góp phần làm rõ những đóng góp của Huyền Trân công chúa đối với dân tộc và đạo pháp, làm rõ những điểm còn chưa rõ trong cuộc đời bà, khẳng định nhân cách cao đẹp của bà, mà còn góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa liên quan đến Huyền Trân công chúa, đến các di tích thờ phụng Huyền Trân công chúa ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là di tích chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
Hiện nay, di tích chùa Hổ Sơn, nơi thờ phụng Huyền Trân công chúa, vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Ngày 27-9-2006, chùa Hổ Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Toàn cảnh khu di tích Hổ Sơn.
Mới đây, khu di tích Hổ Sơn đã được đầu tư tôn tạo và mở rộng khuôn viên với tổng diện tích 13ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong đó có nhiều hạng mục được đánh giá cao như: 2 dãy tượng 18 vị la hán theo nguyên mẫu ở chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội); bảo tháp 13 tầng, cao 26m, tượng Phật Bà Quan Âm, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam và nhất là Bảo tàng Huyền Trân công chúa có hình dáng mô phỏng chiếc thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sapphire nguyên khối, cao 5,1m, tượng trưng cho 51 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông thị hiện…
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sapphire nguyên khối.
Cùng với quần thể Phủ Dày nổi tiếng, chùa Hổ Sơn được xác định là một trong những di tích tâm linh quan trọng của huyện Vụ Bản để phát triển du lịch tâm linh.
Tại buổi Hội thảo khoa học, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Nam Định ông Trần Lê Đoài - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trân trọng gửi lời cảm ơn tới Viện Nghiên cứu Tôn giáo; các Bộ, Ban, Ngành, Trung ương; các địa phương đã cùng phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa - Cuộc đời và giai thoại” góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Chùa Hổ Sơn gắn liền với Huyền Trân Công chúa. Ông cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định; các đại biểu, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị, nhà tài trợ, các nhà Khoa học đã nhiệt tình, trách nhiệm tham gia đóng góp vào Hội thảo khoa học này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.