Thái Nguyên: Những con đường “tắc” vì lòng tham?
Những ngày đầu năm 2016, một công trình xây dựng được báo chí nói đến nhiều nhất tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là Dự án xây dựng đường Bắc Sơn trải qua hơn 25 năm với 8 đời Chủ tịch tỉnh đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì khiếu kiện kéo dài.
Theo tính toán, đường Bắc Sơn chỉ dài 1,22km đã thi công được 0,6km đường rải áp-phan; hơn 600m còn lại đang san lấp mặt bằng và rải cấp phối. Đường Minh Cầu nối dài- một phần thêm của dự án này, dài 270,2m hiện rải áp-phan được 100m; hơn 170m còn lại đang chờ giải phóng mặt bằng!
Phản ánh từ người dân cho hay: Ngay đầu đường Bắc Sơn, cách đây vài năm chính quyền địa phương đã làm lễ gắn biển công trình chào mừng 50 năm ngày thành lập TP Thái Nguyên?!
Đường Bắc Sơn chỉ dài 1,22km nhưng một phần tư thế kỷ mới thi công xong 0,6km
Với chiều dài 735m, mặt đường rộng 10,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m, đường Xuân Hòa, phố Xương Rồng nối từ đường Cách mạng Tháng Tám đến đường quy hoạch khu dân cư số 7C Túc Duyên có tổng kinh phí đầu tư 19,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Thái Nguyên được khởi công từ tháng 4/2012 đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên tuyến đường này có một “đường cong mềm mại” khi không thể giải phóng mặt bằng vài chục mét vuông đất trước cửa của duy nhất một hộ gia đình.
Đường Xuân Hòa dù đã hoàn thành khá lâu nhưng không thể giải tỏa được nút thắt này
Tương tự, đường Tích Lương nối từ Quốc lộ 3 cũ- đường 3/2- vào khu dân cư mới thuộc phường Tích Lương TP Thái Nguyên về cơ bản cũng đã hoàn thành từ rất lâu. Thậm chí nhiều đoạn đường sau thời gian sử dụng đã xuất hiện ổ trâu ổ gà vì thi công kém, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thông thoáng ở ngay ngã rẽ vì một gia đình không chấp thuận phương án đền bù của địa phương.
Nút thắt ngay lỗi rẽ vào đường Tích Lương
Nhiều chỗ trên mặt đường Tích Lương đã hỏng.
Trong khi đó, ở phường Tân Lập, dù cả UBND tỉnh Thái Nguyên lẫn UBND TP Thái Nguyên đều đã ban hành quyết định thu hồi đất của duy nhất một hộ dân để làm đường vào khu dân cư ở tổ 1B, nhưng nhiều năm trôi qua các quyết định này vẫn không được thực thi, khiến hơn 20 hộ dân trong tình trạng bị “nhốt” không lối ra.
Mới nhất, tại dự án xây dựng đường Việt Bắc giai đoạn 1 nằm song song với tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội, có chiều dài trên 3km, đi qua 2 phường Đồng Quang và Quang Trung, nguồn vốn từ Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” vay của Ngân hàng Thế giới có tổng dự toán gần 123 tỷ đồng cũng đang bị nhiều hộ dân phản đối khiến nhà thầu phát chán vì kiểu thi công “xôi đỗ”.
Lý do khiến các con đường dù đã thi công xong từ lâu hay đang triển khai thi công- bị “tắc” được các chủ đầu tư đưa ra là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, người dân không đồng tình với phương án được chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương đưa ra.
Trao đổi với phóng viên, những người dân chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng khẳng định họ luôn ủng hộ xây dựng công trình công cộng phục vụ phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phương án đền bù hỗ trợ còn thiếu công bằng và chưa hợp lý.
Dẫn chứng mà người dân đưa ra là tại dự án xây dựng đường Bắc Sơn, thực chất con đường đã được thông tuyến nhưng nhà đầu tư cố tình không thi công bởi nhiều hộ dân chỉ đồng ý bàn giao đất làm đường, không đồng ý cho nhà đầu tư thu hồi đất để chia lô…bán do giá thu hồi quá chênh lệch với giá bán.
Bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: Lòng tham loài người đã được người xưa nói "vô đáy", nhận bao nhiêu cũng không thấy đủ. Có kẻ tham danh, có kẻ tham lợi. Bởi vậy diệt bỏ lòng tham, nhất là lòng tham của chính mình thì rất khó nếu không xuất phát từ tâm của mình.
Ở mỗi dự án, mỗi công trình nguyên nhân “tắc” trong giải phóng mặt bằng không đâu giống đâu. Nhưng theo các chuyên gia vấn đề không phải “tắc” ở chính sách, cũng không phải “tắc” ở lòng dân mà “tắc” từ trong suy nghĩ, việc làm của nhà đầu tư, của cấp chính quyền liên quan với những con người đã và đang thực hiện các chính sách ấy.
Nếu như chính quyền địa phương quyết liệt hơn, các phương án bồi thường công minh, công bằng hơn thì chắc chắn các con đường tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sẽ nhanh chóng thông, không có chuyện đường thi công xong, thậm chí đã hỏng vẫn chưa thể bàn giao, nghiệm thu như đã và đang hiện hữu.
Một nhiệm kỳ mới bắt đầu với nhiều lãnh đạo mới được Đảng cử, dân bầu… nhưng câu hỏi về việc không biết đến bao giờ những con đường ở Thái Nguyên mới hết “tắc” vẫn còn treo lơ lửng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.