Bản tin kinh tế, tài chính ngày 24/8/2021: Đề xuất ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho khách vay tiền cá nhân

2021-08-24 10:07:13 0 Bình luận
Chuyên gia mong ngân hàng đừng "vô cảm". Cấp thiết đào tạo nghề để xây dựng lớp nông dân thế hệ mới

Giá vàng hôm nay 24/8: Vàng 'lội ngược dòng' chinh phục mốc 1.800 USD

Sáng 24/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào 56,50 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 57,20 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với thời điểm chốt phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá bán vàng hiện đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới giá vàng tăng nhẹ, tại thời điểm mở phiên giao dịch 24/8 (theo giờ Việt Nam) giá vàng đang được niêm yết trên Kitco là 1.801,4 USD/ounce.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 22.925 VND, giá vàng thế giới tương đương 49,75 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,45 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm.

Giá vàng thế giới hôm nay chính thức chinh phục mốc 1.800 USD/ounce. (Nguồn: Kitco)

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco bứt phá mạnh khi doanh số bán nhà của Mỹ tăng 2% trong tháng 7/2021, cao hơn kỳ vọng của thị trường.

Bên cạnh đó, IHS Markit cho biết, Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất tại Mỹ trong tháng 8/2021 đã giảm xuống 61,2 so với mức 63,4 của tháng 7/2021.

Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng cho thấy, rủi ro tiếp tục gia tăng đối với sự phục hồi kinh tế hiện tại khi thế giới bắt đầu chứng kiến ​​sự lây nhiễm ngày càng tăng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Theo một số nhà kinh tế, đà chậm lại của nền kinh tế có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải dừng kế hoạch giảm chương trình mua trái phiếu của họ vào cuối năm nay.

Song song với đó, chỉ số đồng USD đã giảm 0,1%, rời khỏi mức đỉnh của 9 tháng rưỡi ghi nhận trong tuần trước, qua đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền tệ khác.

Vàng đã tăng 19 USD, lên mức 1.799, 7 - 1.800,7 USD/ounce.

Virus chủng mới Delta hoành hành, khiến nhiều địa phương phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong nhiều ngày, thị trường kim loại quý vì thế khá trầm lắng, một số thương hiệu như VBĐQ Sài Gòn chỉ có một số thay đổi nhẹ, một số khác như Tập đoàn Doji, Phú Quý và Bảo tín Minh Châu... tiếp tục không điều chỉnh tăng giảm theo cả hai chiều giao dịch.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn hiện niêm yết giá vàng SJC ở 56,40 - 57,10 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,25 - 57,85 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,60 - 57,60 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,45 - 57,20 triệu đồng/lượng.

Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Tuần trước, Nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures Daniel Pavilonis nhận định, mặc dù vàng đã nhanh chóng ổn định trên 1.700 USD/ounce sau một đợt sụp đổ nhanh chóng vào tuần trước, nhưng kim loại quý chưa đủ hỗ trợ để có thể đưa giá lên mức cao hơn.

Nhà môi giới Pavilonis nói: “Vàng đang nằm ngay trên đường xu hướng giảm và có thể tiếp tục giảm giá. Không chỉ vàng, bạc cũng đang ở mức thấp và tôi nghĩ vàng sẽ bắt đầu theo sau bạc. Đợt giảm tiếp theo, vàng có thể sẽ 'dừng chân' ở mức 1.670 USD".

Không chỉ ông Pavilonis, nhiều chuyên gia khác cũng hoài nghi về đà tăng của giá vàng trong tuần này. Tuy nhiên, giá vàng đã có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục và chính thức chinh phục ngưỡng kháng cự quan trong 1.800 USD/ounce.

Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Bank of Montreal (BMO) có trụ sở tại Canada, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những rủi ro mới xuất phát sự gia tăng của biến thể Covid-19 mang tên Delta.

Cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán tăng trần lúc thị trường lao dốc

Phiên giao dịch 23-8 gây nhiều chú ý vì trùng lúc TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời phiên liền trước (20-8) VN-Index cũng bị giảm mạnh hơn 45 điểm.

Khởi động phiên hôm nay, áp lực bán diễn ra ở nhiều cổ phiếu trụ của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn như Masan (MSN), Vingroup (VIC), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), PetroVietnam Gas (GAS)...

Nhiều ngân hàng cũng chịu chung cảnh cổ phiếu bị rớt giá, điển hình như Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), VPbank (VPB), MBBank (MBB), ACB (ACB)...

Điểm sáng là lực mua vẫn diễn ra ở cổ phiếu của Novaland (NVL), VietinBank (CTG), Viglacera (VGC), Vinacafé Biên Hòa (VCF), Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG)...

Đáng chú ý, trong lúc hầu hết các ngành đều chứng kiến cổ phiếu lao dốc thì ngành chứng khoán lại đảo chiều và tăng mạnh. 

Toàn bộ 24 mã của các công ty chứng khoán đều tăng giá, trong đó có tới 7 doanh nghiệp có mã tăng trần gồm: Chứng khoán Agribank (AGR), Chứng khoán APG (APG), Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Chứng khoán Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VIG) và Chứng khoán Phố Wall (WSS).

Tạm khép lại phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 18,08 điểm (-1,36%) xuống 1.311,35 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 14.154 tỉ đồng.

Rổ VN30 có mức giảm sâu hơn, tạm dừng ở việc âm 23,11 điểm (-1,59%) xuống 1.427,34 điểm.

Sàn HNX cũng giảm 0,91 điểm (-0,27%) xuống 337,15 điểm.

Trong lúc thị trường suy giảm, rổ HNX30 đi ngược xu hướng chung, tạm tăng 5 điểm (+0,9%) lên 558,34 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường vào phiên sáng, bao gồm ba sàn chính là HoSE, HNX và UPCoM đạt xấp xỉ 17.935 tỉ đồng. Khối ngoại tạm bán ròng 130 tỉ đồng.

Vào đầu phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư phản ánh khó truy cập vào ứng dụng (app) của một số công ty chứng khoán như SSI, VCBS… Đến lúc vào được thì không trơn tru như bình thường. "Không vào được, quay vòng vòng", một nhà đầu tư mở tài khoản tại SSI chia sẻ.

Ở giao dịch cuối tuần trước, bảng giá của SSI cũng gặp lỗi. Nhà đầu tư khó đăng nhập vào ứng dụng của TCBS, KBSV...

Mong ngân hàng đừng "vô cảm"

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm lãi vay, giãn nợ hay cơ cấu nợ vay… thì đối với khách hàng cá nhân cũng phải được hưởng những chính sách như vậy. Bởi dịch bệnh không trừ ai và khó khăn là như nhau. Do đó, ngân hàng không thể chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà bỏ qua khách hàng cá nhân, nhất là những người vay để mua nhà.

Mặc dù người mua nhà đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập sụt giảm do dịch bệnh, nhưng vẫn không nhận được chia sẻ nào từ phía ngân hàng.

TS.Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, thu nhập của đại đa số người dân giảm mạnh do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua, nhưng các ngân hàng vẫn liên tục công bố lãi lớn.

Theo ông, đây là sự vô cảm của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Bởi việc duy trì lãi vay cao cũng cho thấy sự thiếu thiện chí của các ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với chính khách hàng của mình. Đồng thời, TS. Đinh Thế Hiển cũng đề nghị các ngân hàng nên có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất vay với nhiều đối tượng để hỗ trợ khách vay trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT- NHNN ngày 2/4/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19; Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021…) thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.

Tuy nhiên, việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Bởi vậy, tuỳ vào từng ngân hàng, có nơi khách hàng được hỗ trợ nhanh chóng, có nơi phải chờ và đáp ứng với nhiều thủ tục.

Hiện NHNN đang tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 01/2020 lần thứ 2, theo hướng mở rộng phạm vi cơ cấu nợ. Theo đề xuất, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến 30/6/2022 thay vì 31/12/2021. Phạm vi các khoản dư nợ được miễn giảm lãi, phí mở rộng đến trước ngày 1/8/2021, thay vì 10/6/2020 như hiện nay.

Cấp thiết đào tạo nghề để xây dựng lớp nông dân thế hệ mới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng một đất nước muốn phát triển phải có 3 đỉnh tam giác là Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện cho đỉnh Nhà nước, các doanh nghiệp là đỉnh thị trường, Hội nông dân là đỉnh xã hội.  

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể đi một mình được vì bản thân nông nghiệp là chuỗi ngành hàng, bị tác động bởi tâm lý xã hội nông thôn, tâm lý người nông dân", Bộ trưởng khẳng định, đồng thời lưu ý, các hội nghị, lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân chưa hiệu quả, bởi vì các lớp đào tạo nghề cho nông dân quá chú trọng đến kỹ thuật. Cán bộ tập huấn cũng chưa nói bằng tiếng nói của nông dân, cảm xúc của nông dân.

“Chúng ta phải nói bằng ngôn ngữ như ông bà của chúng ta thường sử dụng, tạo cho ta sự thật thà, dung dị. Chứ chúng ta không nên nói những thuật ngữ quá hàn lâm và cao siêu, nông dân sẽ rất khó nghe, khó hiểu và rất khó tương tác. Nhiều khi, không gian của buổi tập huấn cần gắn với những không gian dung dị, đời thường, chứ nhiều khi chúng ta mời bà con đến hội nghị hoành tráng quá khiến các học viên cảm thấy không thoải mái", ông Hoan bày tỏ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hai cơ quan trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 5 hoạt động phối hợp cụ thể.

Thứ nhất, vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể theo kết luận của Bộ Chính trị. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà Hội Nông dân cần tham gia để giải đáp cho "lời nguyền" sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai người ấy làm, cạnh tranh không lành mạnh.

Trước mắt, không cần làm dàn trải mà vận động nông dân tham gia các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hội Nông dân Việt Nam phối hợp vận động nông dân đăng ký tham gia xây dựng mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi.

Theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và Luật Thuỷ sản, chúng ta phải chứng nhận mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản.

Nội dung các lớp tập huấn bao hàm cả nội dung dạy nghề, dạy kiến thức tổng quan về lập kế hoạch sản xuất, phân tích thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh... chứ không phải dạy họ nuôi con này, trồng cây kia mà không biết thị trường ở đâu.

Thứ ba, Hội Nông dân cần tham gia hỗ trợ các lớp huấn luyện nông dân để nâng cao năng lực cộng đồng. Từ đó người nông dân đúng nghĩa là chủ thể của nông thôn mới.

Thứ tư, hai bên cần phối hợp tổ chức chung các diễn đàn liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì hàng năm bên nào nào cũng làm, nếu kết hợp nguồn lực để cùng triển khai thực hiện thì vừa tiết kiệm vừa mang lại hiệu quả. 

Thứ năm, cần tạo dựng, giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân tử tế, người nông dân thông minh. Trong đó, xác định tiêu chí đánh giá cụ thể, ví dụ, người nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn phải chia sẻ với cộng đồng, tham gia kinh tế tập thể,...

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất nhiều hoạt động mà Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể hợp tác để cùng bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như tuyên truyền vận động phát triển kinh tế tập thể, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; bảo vệ môi trường nông thôn; đề xuất các chính sách về “Tam nông”, giám sát sử dụng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Hiện nay, do tác động của đại dịch Covid - 19, dòng người từ các thành phố lớn di cư hồi hương, đang gây áp lực cần tạo ra nhiều việc làm ở khu vực nông thôn và số lượng nông dân sẽ tăng trở lại.

Do đó, việc đào tạo lại nông dân để xây dựng lớp nông dân thế hệ mới đang được đặt ra bức thiết. Hội Nông dân có các trung tâm dạy nghề ở các tỉnh, với đầy đủ cơ sở vật chất, hoàn toàn có thể phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đào tạo nghề cho nông dân.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...