Bản tin miền Tây ngày 19/5/2022: Người Cà Mau nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh

2022-05-19 22:00:00 0 Bình luận
Những ngày còn là sinh viên học tập ở thủ đô, hễ có dịp là tôi vào Lăng viếng Bác. Cũng ở không gian thiêng liêng ấy, tôi lưu giữ lại những ký ức thật đặc biệt về tình cảm mà người dân nước mình, bạn bè quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Có những cựu chiến binh cao niên đi xe lăn từ miền Nam xa xôi, nước mắt lã chã khi chầm chậm đi qua nơi Người đang yên nghỉ.

Đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, hoàn thành ngay sau khi Bác Hồ qua đời 1 tuần lễ, nay trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng để các thế hệ tiếp nối thể hiện tình cảm lớn lao với Bác Hồ.

Với tôi, có dịp chia sẻ niềm tự hào của quê hương Cà Mau, quê hương cây vú sữa miền Nam luôn kề cận bên căn nhà sàn của Bác Hồ từ năm 1954. Mấy đứa bạn đồng học ở Nghệ An thì kể thêm về quê hương Người ở Làng Sen. Ai cũng muốn giành phần nhiều tình cảm với Bác. Các thầy của chúng tôi ở khoa Văn, khoa Sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trò chuyện với chúng tôi những thứ bao quát hơn, tỉ như: “Khi nói về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, ngay cả kẻ thù cũng phải thừa nhận, dành sự tôn trọng lớn lao đối với tài năng, nhân cách, trí tuệ của Người”.

Khi về công tác tại Cà Mau, đọc lại lịch sử địa phương, có dịp đi khắp quê hương mình, tôi nhận ra, Bác Hồ luôn hiện diện trong mỗi trái tim con người, trong từng gia đình, làng quê ở miệt đất địa đầu cực Nam Tổ quốc. Một trong những điều may mắn nhất của tôi là được kề cận, chuyện trò cùng một huyền thoại của đất Cà Mau, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay (Ba Bay), hiện đang cư ngụ tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Ấn tượng của tôi là vào những ngày cận Tết, bàn thờ Tổ quốc với ảnh Bác thiêng liêng được trang trí bằng nhành mai vàng, đôi dưa hấu đỏ, đọt dừa bẻ cong.

Trong bài ký “Người con gái Hưng Mỹ” của cố Nhà văn Nguyễn Thanh, có những dòng cảm động về cô Ba Bay khi hay tin Bác Hồ qua đời: “... cánh đồng Bùng Binh Cái Giếng quê chị hứng những cơn mưa dầm dề, liên miên. Chưa kịp khóc Bác vì Ba Bay bận túi bụi: Đánh giặc... Cho đến chiều hôm sau về tới nhà, chui vào mùng nằm bên cạnh mẹ, Ba Bay mới khóc Bác rưng rức...”. Chia sẻ về thời khắc ấy, cô Ba Bay vẫn nghẹn ngào: “Giữa lúc cuộc chiến diễn ra ác liệt, chiến trường miền Nam trong đó có Cà Mau đang đà xông tới thắng lợi, Bác Hồ qua đời là một mất mát quá to lớn. Nhưng không thể đau thương, bi luỵ, mà phải nghe theo lời dạy của Bác, đánh giặc để tiến tới ngày toàn thắng”.

Cũng tại Cà Mau, Đại hội Đảng bộ Tân Hưng Đông do nữ Bí thư Đảng uỷ Phạm Thị Bay chủ trì đã được tạc vào lịch sử với tính chất “độc nhất vô nhị”. Đại hội chỉ có phần khai mạc, nội dung quan trọng nhất của đại hội là lời thề với Bác: Chừng nào giải phóng chi khu Cái Nước, sẽ làm phiên bế mạc, báo công với Bác. Và rồi năm 1974, Cái Nước hoàn toàn giải phóng, nữ anh hùng Phạm Thị Bay cùng với toàn dân, toàn quân Cái Nước dựng ngay Đền thờ Bác Hồ trên xác đồn giặc. Về sau này, nghe những giai thoại có thật về cô Ba Bay, càng thấm thía tình cảm thiêng liêng của cô với Bác Hồ: “Với anh hùng Phạm Thị Bay, chuyện gì thì chuyện, nhưng ai mà nói không đúng về Đảng, về Bác Hồ thì coi chừng...”. Chợt nhớ tới mẩu chuyện cũng của một anh hùng khác ở Cà Mau, dũng sĩ diệt máy bay Nguyễn Việt Khái, từng nói lúc sinh thời: “Khi nó (lính chi khu Bình Hưng, chế độ Mỹ - Diệm) chửi Bác Hồ, tôi không thể chịu đựng nổi nữa”, và nã đạn tiêu diệt kẻ thù, chịu kiểm thảo của tổ chức.

Cô Ba Bay nay sức khoẻ đã yếu, mấy năm không về dâng hương Bác ở đền thờ tại thị trấn Cái Nước. Khi gặp chúng tôi, cô trăn trở hỏi thăm: “Không biết ở đền thờ có chăm sóc cây cối, còn đẹp như lúc trước hay không? Có làm lễ dâng hương Bác nhân ngày sinh nhật 19/5 hay không? Mấy năm rồi cô có đi được đâu...”. Khi nghe nói Đền thờ Bác vẫn đẹp, vẫn tổ chức dâng hương Bác nhân các ngày lễ lớn, cô Ba Bay không nói gì, chỉ thấy khoé mắt như nở nụ cười.

Sau khi Bác Hồ qua đời, ngay trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, Cà Mau có 14 Đền thờ Bác Hồ được dựng lên để tưởng nhớ Người. Tiêu biểu có thể kể đến Đền thờ Bác Hồ ở Viên An, dựng ngay giữa rừng đước mênh mông. Một chứng nhân (nay đã tạ thế), ông Tạ Văn Ứng (Hai Ứng) từng chia sẻ: “Chỉ 1 tuần lễ sau khi Bác Hồ qua đời, Đền thờ Bác Hồ đã được người dân Viên An dựng lên tại ruột rừng đước Ông Bọng (nay thuộc ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển). Người người chít khăn tang, quyết tâm góp sức, góp của, không quản ngày đêm xây dựng đền thờ, để có nơi hương khói cho Bác Hồ đàng hoàng, trang nghiêm”. Trong ngày toàn thắng của Cà Mau, linh vị của Bác Hồ từ Viên An được chở trên bè thuỷ lục ghe biển, tuần hành qua những nhánh sông, xác đồn giặc tiến về thị xã Cà Mau dự lễ mít-tinh chiến thắng, vọng vang trời đất lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Người Cà Mau treo ảnh Bác, lập bàn thờ Bác như là nhu cầu tự thân, tự giác. Trên quê hương này, có loại cây đã trở thành biểu tượng thiêng liêng về tình cảm dào dạt của Cà Mau nói riêng, miền Nam nói chung với Bác Hồ kính yêu, đó là cây vú sữa. Không chỉ tại quê hương cây vú sữa miền Nam, nay thuộc vùng Trí Lực - Trí Phải, huyện Thới Bình, mà cây vú sữa xanh tươi, trĩu quả ở khắp mọi nơi trên đất Cà Mau, mùa tiếp mùa rưng rưng thương nhớ Bác.

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác Hồ, Bác vẫn ở đây, bất tử cùng dân tộc, đất nước Việt Nam. Bác là người kiến tạo, lập nước, chọn con đường cách mạng đúng đắn cho nòi giống “con Lạc, cháu Hồng” ngẩng cao đầu cùng thời đại, tiến bước vào thế giới tiến bộ, văn minh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó cũng là ước vọng mà suốt cuộc đời mình Bác Hồ khao khát để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Tháng 5 về, thổn thức nhớ Người. Quê hương Cà Mau nghiêng mình dâng lên Bác Hồ những mùa tương lai rạng rỡ.

Theo Báo Cà Mau

Hậu Giang: Khảo sát các tuyến đường cao tốc

Theo Báo Hậu Giang, sáng ngày 18/5 Đoàn công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh dẫn đầu cùng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn khảo sát tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đoàn lần lượt khảo sát một số nút giao của tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh An Giang, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ và vị trí cuối tuyến thuộc khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tại Hậu Giang, đoàn khảo sát tại vị trí giao cắt giữa tuyến cao tốc với Quốc lộ 61C (thuộc địa phận huyện Châu Thành A).

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin với đoàn công tác về tình hình chuẩn bị nguồn vốn, giải phóng mặt bằng đoạn qua địa phận tỉnh. Đồng thời, cho biết thời gian qua tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong việc chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư theo yêu cầu của Bộ.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị phía tỉnh nỗ lực đảm bảo phần kinh phí giải phóng mặt bằng như đã cam kết trước đó. Nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Lưu ý chung về tuyến cao tốc, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị đơn vị thực hiện dự án, các địa phương phải có kế hoạch dự phòng nguồn vật liệu xây dựng, chủ động phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư để sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể bắt tay triển khai ngay. Tùy theo địa chất từng đoạn, đơn vị tư vấn tính toán biện pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, đặc biệt là đối với các khu vực đất nền yếu.

Trước đó, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Chính phủ đã có Tờ trình số 156 ngày 30/4/2022 trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 ngày 10/5/2022 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 4669 ngày 12-5-2022 giải trình, làm rõ các ý kiến về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tuyến có tổng chiều dài trên 188km; đoạn qua Hậu Giang dài khoảng 37km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44 tỉ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 35.753 tỉ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỉ đồng.

Chiều ngày 18/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác khảo sát tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua địa phận tỉnh Hậu Giang.

Theo dự kiến, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua Hậu Giang sẽ giao cắt với 2 tuyến Quốc lộ 61 và Quốc lộ 1A. Cụ thể, tuyến cao tốc sẽ giao cắt với Quốc lộ 1A tại khu vực xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Trên tuyến Quốc lộ 61 sẽ có 2 điểm giao với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc khu vực xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp và khu vực xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Qua khảo sát, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần xem xét kỹ vấn đề đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao giữa cao tốc với 2 tuyến quốc lộ. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, các địa phương đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Trong phương án giải phóng mặt bằng cần bổ sung vào các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các huyện có tuyến đi qua quản lý chặt chẽ tình trạng xây dựng trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, có tổng chiều dài trên 111km, đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang khoảng 63km với diện tích thu hồi đất khoảng 420ha và được chia thành 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Đây là một trong 3 tuyến cao tốc thuộc dự án công trình đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 (gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau), tổng chiều dài toàn dự án khoảng 729km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Vĩnh Long: Các giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực

Theo Báo Vĩnh Long, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tuyển dụng, đơn vị xuất khẩu lao động khi bàn về kết nối giáo dục nghề nghiệp- việc làm đã đưa nhiều giải pháp góp phần đa dạng hoạt động đào tạo, hỗ trợ việc làm, hợp tác nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Long- cho biết năm học 2021-2022, trường có 51 lớp đào tạo 8 ngành trình độ CĐ và 14 ngành trình độ trung cấp, với 1.178 sinh viên, học sinh.

Nêu giải pháp về đào tạo nghề và tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, bà Mỹ Linh chia sẻ cần lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm cho người học trong quá trình đào tạo ngành nghề. Kế đến, điều chỉnh chương trình chi tiết một số môn học trong chương trình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, hướng tăng cường thời gian cho người học được tham gia sản xuất, thực hành, thực tập, rèn nghề tại doanh nghiệp...

Cùng với ký kết hợp tác toàn diện về đào tạo và tuyển dụng với doanh nghiệp, nhà trường phối hợp triển khai chương trình thực tập sinh nước ngoài, lao động nước ngoài cho người học; tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên nhằm định hướng việc làm, nghề nghiệp, tạo động lực cho người học.

Xuất khẩu lao động là một trong các giải pháp góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Trung tâm Đào tạo thường xuyên- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng nhấn mạnh việc tăng cường liên kết hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Ở đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng và nhà trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Trương Công Hào- Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên- đơn vị thiết lập bộ phận chuyên trách về hướng nghiệp liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, qua đó nắm bắt kịp thời các yêu cầu và đặc biệt chú trọng vai trò phản biện của doanh nghiệp. Từ những điểm này, trường đưa ra dự báo đúng xu hướng ngành nghề đào tạo và việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên trường, tạo ra sự cân đối giữa đào tạo của nhà trường và sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Xuất khẩu lao động cũng là một trong các giải pháp góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco)- định hướng quan trọng của đơn vị là tăng cường phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao năng lực đào tạo nghề nghiệp, ngoại ngữ, các kỹ năng cần thiết cho người lao động khi đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.

Theo bà Thanh Thủy, để tạo nguồn xuất khẩu lao động lâu dài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Mitaco có kế hoạch đào tạo tiếng Nhật kết hợp đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT theo chính sách phân luồng giáo dục gắn với xuất khẩu lao động và việc làm trong nước. Đồng thời, công ty còn tư vấn ngành nghề cho người lao động, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chế độ làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

Bà Lưu Linh- Giám đốc Nhân sự Công ty CP Vinpearl chi nhánh Kiên Giang- cho biết quá trình tuyển dụng và sử dụng nhân lực, công ty đề cao thái độ tích cực, tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực trong công việc. Thời gian qua, công ty đã có sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các trường nghề, CĐ, ĐH trên toàn quốc. Vinpearl là đầu ra và đã đón nhận khoảng 80% số lượng sinh viên thực tập và được ký hợp đồng chính thức sau khi ra trường tại các địa phương Kiên Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang và khu vực phía Bắc.

Bà Lưu Linh thông tin, hiện Vinpearl đang có nhu cầu tuyển dụng từ 1.500- 2.500 cán bộ nhân viên và khoảng 15.000 nhân viên trong 10 năm tới. Tại hội thảo chương trình kết nối giáo dục nghề nghiệp- việc làm tỉnh Vĩnh Long, đại diện Vinpearl mong muốn được giao lưu, kết nối và đồng hợp tác với các cơ quan ban ngành, các trường nghề, CĐ, ĐH tại Vĩnh Long và các tỉnh thành để bồi đắp nguồn nhân sự có tay nghề và tay nghề cao tại các địa phương.

Cần Thơ: Triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy

Theo Báo Cần Thơ, tối ngày 18/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an thành phố vừa triệt phá thành công đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ tiêu thụ. Cơ quan chức năng thu giữ 149,7464 gram ma túy đá; 0,0948 gram heroin; 1 ô tô và nhiều tang vật khác. Hiện cơ quan điều tra đang tạm giữ hình sự Nguyễn Anh Tiến (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1986, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Số ma túy tìm thấy trong xe ôtô và trong người các đối tượng. Ảnh CTV

Qua công tác nắm tình hình, vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 16/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố tổ chức lực lượng vây bắt 2 đối tượng tại một nhà nghỉ thuộc khu dân cư Hồng Loan (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) và 2 đối tượng khác tại một tuyến đường trong khu dân cư này. Khám xét tại hiện trường, phát hiện trong xe ôtô các đối tượng giấu 2 gói nilon chứa tinh thể màu trắng (các đối tượng khai là ma túy đá), trong người đối tượng Tiến cất giấu 1 đoạn ống nhựa bọc trong giấy bạc chứa heroin.

Qua đấu tranh, Tiến và Lan khai nhận số ma túy trên mua từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây để tiêu thụ.

Vụ việc đang được Công an TP Cần Thơ điều tra mở rộng.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51
Đang tải...