“Các dự án Luật đều đáp ứng đúng quy trình xây dựng mới được trình Quốc hội”
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo Quốc hội.
Chiều 17/11, Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV sau 18 ngày làm việc tích cực.
Thông tin cụ thể kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết: Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp, với kết quả đã thông qua 07 luật, 13 Nghị quyết và cho ý kiến về 04 dự án luật; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chất vấn và trả lời chất vấn).
Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo quan trọng khác…
Với Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội đã đề ra.
Quốc hội đã tiến hành chất vấn sôi nổi, chất lượng, hiệu quả với số lượt hỏi - đáp tăng lên đáng kể. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ tài liệu, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao, không né tránh, vòng vo…
Quốc hội đã thông qua nhiều dự án Luật, trong đó có dự án Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc(UBTVQH) hội sẽ cân nhắc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), UBTVQH sẽ chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Tại buổi họp báo, Văn phòng Quốc hội đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Quốc hội, thảo luận cho ý kiến vào dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trả lời câu hỏi của một số phóng viên về việc các dự án Luật, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, đây là ba dự án luật có liên quan đến an ninh trật tự và an toàn giao thông, cần có thời gian xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.
Các dự án Luật đều đáp ứng đúng quy trình xây dựng dự án Luật mới được trình Quốc hội và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến. Ý kiến của các ĐBQH là cơ sở để Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án luật. Đây mới chỉ là bước cho ý kiến, chứ chưa phải thông qua dự án luật, cho nên rất cần lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH; và trong phiếu xin ý kiến, ngoài đồng ý hay không đồng ý với nội dung dự án Luật, còn có những mục cho ý kiến cụ thể về nội dung đó. "Chúng tôi sẽ chuyển phiếu này cho Chính phủ", Tổng thư ký Quốc hội cho biết.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, đây là sáng kiến của Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, đó là: chủ động xin ý kiến của Quốc hội ngay từ lần đầu tiên cho ý kiến về dự án luật (trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần hai và xem xét, thông qua). Kết quả thăm dò ý kiến ĐBQH được chuyển cho cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội đã quyết định đưa vào cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Theo Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữa 2 kỳ họp, UBTVQH có quyền điều chỉnh những dự án cấp bách. Trên cơ sở kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật (UBPL) phối hợp Ủy ban Quốc phòng và An ninh tham mưu cho UBTVQH, và UBTVQH đã quyết định tách phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ Luật Giao thông đường bộ ra thành một dự án luật khác. Khi UBTVQH đưa vào chương trình cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với Cơ quan soạn thảo, Chính phủ.
Cũng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữa kỳ họp thứ nhất mà Quốc hội cho ý kiến (nếu theo quy trình 2 kỳ họp) thì khi có vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH sẽ quyết định xin ý kiến ĐBQH để làm cơ sở cho việc giữa hai kỳ họp chỉnh lý. Đây là cách làm mới, theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ và sự quyết định chung của Quốc hội./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.