Cơ hội mới từ chính sách và thị trường bất động sản năm 2020
Diễn đàn Bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường với sự tham gia đông đảo của các Đại biểu và các vị khách mời.
Khai mạc diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chúng ta đang sống trong lòng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đầy thách thức, thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của Covid-19, nhưng nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản giảm là do cơ chế chính sách.
Ông Lộc cũng chỉ rõ số liệu cụ thể, vốn đầu tư FDI cho bất động sản cũng giảm mạnh trong những tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh 94% trong quý 1/2020, tồn kho bất động sản tăng.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc diễn đàn.
Chủ tịch VCCI cho rằng, điều đầu tiên cần là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có. Ông đồng thời gợi ý đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực các gói hỗ trợ, đồng thời, mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi.
“Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài nhưng nhấn mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp nội. Gói hỗ trợ mới cần được thực hiện theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa, đây là nền tảng của kinh tế tự cường” - ông Lộc nhấn mạnh.
Ông lộc cho biết VCCI đã nhắc tới 20 điểm chồng chéo trong chính sách đất đai, xây dựng và mong muốn cởi trói các chồng chéo bật cập này chính là động lực quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Đồng thời VCCI cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà xét để xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý đó.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, tăng trưởng GDP Quý II/2020 chỉ đạt 0.36%, 6 tháng chỉ 1.81%, mức thấp nhất trong nhiều năm; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài lũy kế 6 tháng giảm 4.9% so với cùng kỳ 2019.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn do dịch Covid gây ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch hiệu quả, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, hay gần nhất là Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 11/6/2020 đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như sau:
Với nhóm giải pháp về giảm thuế, phí, lãi vay, thời gian qua, Chính phủ đã giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cùng với đó là việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Với thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản.
Giải pháp về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Cùng với đó, ông Sinh cho biết, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020.
Tiếp đó, là vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Đồng thời, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, nhìn vào biểu đồ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2020 mức độ tăng trưởng GDP có sự chậm lại, thấp hơn 2019 nhưng dưới góc độ Chính phủ đã có những động thái tích cực hỗ trợ thì kỳ vọng độ tăng trưởng của GDP sẽ có phần phục hồi đáng kể trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam.
Bà Khanh cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy được thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã có sự tăng trưởng liên tục, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 đã có phần chậm lại, do hiện tại việc hạn chế di chuyển và nhà đầu tư có xu hướng đánh giá danh mục đầu tư của họ. Dự kiến nếu dịch COVID được kiểm soát thì lượng vốn FDI sẽ có xu hướng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Tiếp theo tại phiên thảo luận do ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối, các đại biểu, doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc, những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, cũng như các xu hướng đầu tư trong thời gian tới. Đồng thời có những kiến nghị, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét rà soát để xoá bỏ những chồng chéo, gỡ rối cơ chế chính sách.
ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trực tiếp điều phối phiên thảo luận tại diễn đàn.
Tại phiên thảo luận, chia sẻ dưới góc độ là nhà đầu tư nước ngoài, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Gamuda Land HCMC cho biết, đơn vị ông cũng giống các chủ đầu tư trong nước khi chia sẻ chung các quy định về pháp luật tại Việt Nam. Những chính sách đầu tư nước ngoài và các hoạt động M&A sôi động đang mở ra nhiều cơ hội. So với các nước khác, hoạt động tại Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn sau đại dịch COVID-19.
ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Gamuda Land HCMC.
"Bên cạnh đơn giản thủ tục hành chính, chúng tôi mong muốn hơn việc minh bạch các chính sách pháp luật, đồng thời các quy định về phê duyệt đầu tư nhanh chóng hơn sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường này". - ông Dennis Ng Teck Yow bày tỏ.
Kết thúc chương trình, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những ý kiến của các doanh nghiệp thông qua các chương trình hội thảo do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tập hợp và tới được các Bộ ngành liên quan.
Trên cơ sở những ý kiến được nêu, VCCI sẽ tập hợp để báo cáo với Thủ tướng một tháng một lần và báo cáo với Chính phủ một quý một lần. Đôi khi không chỉ dừng lại ở báo cáo tháng mà liên tục bất kì khi nào có vấn đề nóng cần giải quyết VCCI đều báo cáo Thủ tướng. Các vấn đề nóng của cộng đồng doanh nghiệp trong thẩm quyền giải quyết được Thủ tướng lắng nghe tích cực để có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.