Điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt trước đại dịch Covid - 19

2020-05-05 11:33:14 0 Bình luận
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động của nền kinh tế. Một trong những vấn đề đáng quan tâm và được đánh giá cao là ngành Ngân hàng và NHNN đã sớm tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh.

Đảm bảo thanh khoản của hệ thống

Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sử dụng thường xuyên và dường như là công cụ chủ lực đóng góp đáng kể trong việc điều tiết tiền tệ, ổn định hệ thống ngân hàng trong mấy năm gần đây. Việc “bơm, hút tiền” kịp thời của NHNN vừa đảm bảo tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tăng mạnh dự trữ ngoại tệ, vừa duy trì mức cung tiền phù hợp với yêu cầu ổn định vĩ mô. Vì thế kinh tế vĩ mô đã không có những “cú giật” bất thường; cả lãi suất, tỷ giá không bị điều chỉnh quá mức.

Với vai trò “người huy động và cho vay cuối cùng” của NHNN trong việc đảm bảo thanh khoản lại một lần nữa được thể hiện rõ suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua.

Nhớ lại thời điểm sau Tết Nguyên đán, thanh khoản của hệ thống dư thừa khá lớn kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Nguyên nhân của sự dư thừa này một phần do dòng tiền quay trở lại hệ thống sau tết, một phần cũng bởi việc mua vào ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối. Nhằm trung hòa lượng tiền này để không ảnh hưởng tới lạm phát và tỷ giá, NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 3, lượng tín phiếu đang lưu hành lên tới 147 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 4, thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh. Báo cáo thị trường tiền tệ trong tuần từ 30/3 đến 3/4 của SSI Research cho biết, lãi suất cho vay qua đêm tăng 114 điểm cơ bản và chốt tuần ở mức 3,32%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng 117 điểm cơ bản để chốt tuần ở mức 3,44%/năm. Chênh lệch lãi suất VND-USD vì thế đã được nới rộng lên 2,2-2,4%/năm, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối tháng 2.

Theo SSI Research, thanh khoản trên liên ngân hàng bớt dồi dào, đặc biệt trong những ngày cuối tuần do nhu cầu tiền đồng để đảm bảo dự trữ bắt buộc đầu tháng. Để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, NHNN đã tái khởi động lại công cụ cho vay cầm cố trên OMO sau 3 tháng tạm ngừng và bơm 20.836 tỷ đồng vào hệ thống thông qua công cụ này.

Động thái hỗ trợ kịp thời của NHNN đã khiến thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định trở lại. Bằng chứng là trong tuần từ 6/4 đến 10/4, mặc dù NHNN giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 19.000 tỷ đồng, song các TCTD chỉ hấp thụ có 4.656 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong tuần. Chốt phiên cuối tuần (ngày 10/4), lãi suất cho vay qua đêm đã giảm còn 1,97%, giảm 158 điểm cơ bản so với chốt phiên tuần trước đó; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng giảm còn 2,32%, giảm 123 điểm; kỳ hạn 1 tháng giảm còn 2,87%, giảm 78 điểm.

Điều đó cho thấy, nhà điều hành thường xuyên theo dõi sát và can thiệp kịp thời để đảm bảo ổn định thanh khoản cho hệ thống. Việc điều tiết thanh khoản của hệ thống là vô cùng quan trọng trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Nếu để thanh khoản dư thừa quá lớn không chỉ ảnh hưởng bất lợi tới lạm phát mà còn cả tỷ giá, khi mà chênh lệch lãi suất VND-USD giảm quá thấp sẽ kích thích nhu cầu nắm giữ ngoại tệ. Trong khi nếu thanh khoản của hệ thống căng thẳng sẽ đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao, từ đó ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Trong khi đó, hiện Chính phủ và NHNN đang có chủ trương kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc đảm bảo thanh khoản của hệ thống dư thừa ở mức hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Bởi thanh khoản dư thừa hợp lý một mặt không ảnh hưởng tới lạm phát, mặt khác cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi hiện lãi suất cho vay cầm cố trên thị trường mở đã được giảm về còn 3,5%/năm.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương cuối tuần trước, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, ngành Ngân hàng và NHNN rất quyết tâm và tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh.

“Chúng tôi “thắt lưng buộc bụng” cùng cả nước”. Đó là ý kiến của Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khi trả lời báo giới

Khởi sắc của tín dụng

Liên quan đến gói hỗ trợ từ phía các ngân hàng thương mại, nhiều người dân và doanh nghiệp đã đặt nhiều kỳ vọng vào việc các ngân hàng sẽ sớm đưa dòng vốn mới vào nền kinh tế nhiều ngân hàng thương mại đã công bố gói cho vay ưu đãi lên đến cả trăm ngàn tỉ đồng.

Trên thực tế đến nay chính sách vay ưu đãi, giãn nợ, hoãn nợ vẫn là toàn quyền quyết định của từng ngân hàng thương mại đối với từng trường hợp cụ thể của khách hàng. Nhiều ngân hàng thậm chí còn đặt ra hẳn tiêu chí ưu tiêu cho các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt, nên chắc chắn rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước hiện nay là giảm lãi suất điều hành, từ đó giảm lãi suất đầu vào cho các ngân hàng thương mại. Tiếp đó là Thông tư 01 cho phép các ngân hàng được tái cơ cấu các khoản nợ, khoanh nợ và giảm nợ. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cắt giảm nhiều loại chi phí khác nhau để chuẩn bị ứng phó cho việc hỗ trợ nền kinh tế.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến ngày 20/3/2020 tăng 0,68% so với đầu năm, dù trước đó một tháng vẫn còn đang giảm 0,18% và đến cuối tháng 2 vẫn chỉ đang tăng thấp 0,06%. Còn số liệu cập nhật mới nhất của NHNN tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã vọt lên 1,3%. Dù tỷ lệ này vẫn thấp nhất trong sáu năm qua tính từ năm 2015, nhưng nếu nhìn vào thực trạng hiện nay thì tốc độ tăng thêm 0,62% chỉ trong 10 ngày cuối tháng là khá cao, tương ứng tăng thêm hơn 50.800 tỷ đồng, bằng đúng số tăng được trong 20 ngày đầu tiên của tháng 3. Diễn biến tăng trưởng tín dụng đột ngột khởi sắc vào thời điểm cuối quí I, giai đoạn rất “u ám” của các doanh nghiệp, trở thành một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế, nhưng cũng gợi lên ít nhiều suy nghĩ. Có nhiều khả năng lý giải cho xu hướng này:

(1) Trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lên các hoạt động kinh doanh, giao thương hàng hóa, không ít doanh nghiệp đã chứng kiến nguồn thu sụt giảm, hoặc dòng tiền kinh doanh bất ngờ bị chững lại, khi các khoản phải thu gia tăng do khách hàng, đối tác chậm thanh toán, thậm chí yêu cầu được gia hạn thời gian thanh toán vì khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Trong tình huống này, để giữ vững khả năng thanh toán, đảm bảo thanh khoản và trang trải một số khoản mục chi tiêu thiết yếu, nhiều doanh nghiệp buộc phải tích cực tìm kiếm thêm nguồn tài trợ ở các ngân hàng, từ việc ký kết các hợp đồng tín dụng mới cho đến yêu cầu được giải ngân phần còn lại trong hạn mức tín dụng đã được phê duyệt trước đây. Điều này sẽ dẫn đến con số tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng mạnh mẽ trở lại gần đây.

Đặc biệt, trước xu hướng nhiều ngân hàng giảm mạnh khung lãi suất cho vay trong những tuần gần đây theo yêu cầu của nhà điều hành, với mức giảm có thể lên đến 2-2,5%/năm, đồng thời triển khai hàng loạt gói cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm, không ít khách hàng đã tận dụng thời cơ để đảo nợ, tức tìm cách vay nợ mới để trả nợ cũ, và trong nhiều trường hợp giá trị các khoản vay mới nâng lên cao hơn để đảm bảo năng lực tài chính trong thời buổi khó khăn này, cũng như chuẩn bị đối phó thêm các thách thức trong thời gian tới.

Cụ thể theo số liệu từ NHNN, thống kê từ các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất, các TCTD đã cho vay 354.286 khách hàng mới với doanh số cho vay đạt hơn 165.000 tỷ đồng. Dư nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng); bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ đồng); nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (16.000 tỷ đồng)...;

(2) Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày 13/3/2020 và có hiệu lực ngay từ thời điểm đó (quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19), ắt hẳn nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của NHNN. Nếu như việc miễn, giảm lãi, phí có thể cần thời gian để xem xét, cân nhắc do phải đánh đổi, hy sinh lợi nhuận, thì các giải pháp cơ cấu nợ có thể được thực thi một cách nhanh chóng nhằm giúp các ngân hàng tránh phải ghi nhận nợ xấu tăng vọt, nhất là khi đã cận kề thời điểm báo cáo tài chính quí I được chốt số liệu vào ngày 31/3 hàng năm.

Theo quy định, kể từ khi Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ban hành năm 2013, việc phân loại nợ của các ngân hàng không chỉ dừng ở các phương pháp định lượng như số ngày quá hạn, mà còn phải đảm bảo được phương pháp định tính, tức phải đánh giá được những dấu hiệu cho thấy khách hàng suy giảm khả năng trả nợ để xếp vào nhóm nợ phù hợp.

Những dấu hiệu này có thể gồm các tín hiệu cảnh báo cho thấy hoạt động kinh doanh của khách hàng sẽ gặp khó khăn, bị đứt chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ khó, ngành nghề đối mặt nhiều sức ép suy giảm, hay thậm chí là các thông tin về lãnh đạo của doanh nghiệp bỏ trốn, bị bắt giữ,…tùy vào các chỉ tiêu định tính mà từng ngân hàng áp dụng.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, không khó để nhận ra sẽ có rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng.

Theo chia sẻ gần đây tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc NHNN cho biết dự kiến có đến 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 23% tổng dư nợ toàn hệ thống, mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với các ngân hàng. Còn theo một số dự báo, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp không thể vượt qua khó khăn hiện nay và rơi vào tình trạng phá sản có thể lên đến vài chục phần trăm.

Như vậy, nếu theo các tiêu chuẩn đánh giá định tính đã đặt ra, hầu hết các ngân hàng sẽ phải chuyển nợ đúng nhóm và có nguy cơ chứng kiến nợ xấu tăng vọt trong thời điểm quí I vừa qua, vì vậy phải nhanh chóng thực thi các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã được NHNN cho phép. Đáng lưu ý là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng có thể được áp dụng luôn cho các khoản lãi đã phát sinh. Theo đó, những khách hàng nào từ trước đến nay chậm trả lãi, thì các ngân hàng có thể tận dụng luôn cơ hội này để tính gộp các khoản lãi chưa thu được vào luôn nợ gốc khi ký các hợp đồng vay mới với khách hàng gặp khó khăn để cơ cấu nợ.

Do đó, giá trị các khoản vay sau khi cơ cấu nợ sẽ tăng lên là tất yếu, đẩy con số tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng tăng theo. Cũng theo chia sẻ từ NHNN, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng.

Chính sách tiền tệ vẫn thận trọng, linh hoạt. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khi hoạt động cho vay thông thường gặp nhiều khó khăn, cộng với xu hướng lãi suất giảm, tất yếu sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận của các ngân hàng, nhất là với các ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ hoạt động cho vay. Do đó, nhiều ngân hàng sẽ phải tìm cách kiếm thêm thu nhập từ các hoạt động khác, ngoài các nguồn thu từ dịch vụ, ngoại hối, thì kênh trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên phổ biến và được đẩy mạnh trong 2 năm trở lại đây.

Thứ nhất, trái phiếu các doanh nghiệp phát hành có thể không cần phải có tài sản đảm bảo, điều này có thể giúp các ngân hàng có thể tài trợ vốn với giá trị lớn cho các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy không ít ngân hàng sẵn sàng mua trái phiếu doanh nghiệp mà không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đánh giá các phương án kinh doanh có tiềm năng hay không, hoặc đôi khi vì những mối quan hệ sở hữu chằng chịt. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp cũng mang lại lãi suất cao hơn so với phương án cho vay thông thường, nên cũng hấp dẫn các ngân hàng, bên cạnh các khoản phí tư vấn, bảo lãnh phát hành mà công ty chứng khoán thuộc ngân hàng có thể nhận được từ doanh nghiệp.

Thứ hai, nếu không muốn giữ các trái phiếu doanh nghiệp này, hoặc để mở rộng hạn mức cho vay khi tăng trưởng tín dụng sắp đạt chỉ tiêu được giao, các ngân hàng có thể phân phối lại cho các đối tượng khác, mà các khách hàng cá nhân đang gửi tiền tại ngân hàng được xem là tiềm năng nhất.

Hoạt động mua sỉ bán lẻ trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán phối hợp với ngân hàng cũng đã trở thành xu hướng chính trong 2 năm qua, thúc đẩy kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, mang lại thêm nguồn thu cho các định chế tài chính này đồng thời đa dạng cơ hội đầu tư cho các khách hàng cá nhân.

Một báo cáo cập nhật gần đây của công ty chứng khoán SSI cũng cho thấy một số ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng “bùng nổ” ngay từ những tháng đầu năm nay, ngược với xu hướng chung, bao gồm khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2/2020 đối với VPBank, 5% đối với HDBank và 9% đối với TPBank tính đến hết tháng 3/2020.

Cuối cùng, với con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu của NHNN cho nền kinh tế trong năm nay dự kiến từ 900.000 đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức mức tăng trưởng khoảng 11-14% so với cuối năm 2019, các ngân hàng sẽ còn nhiều động lực để đẩy mạnh cho vay ra từ nay đến cuối năm, bất chấp những khó khăn mà các doanh nghiệp, người tiêu dùng đang phải đối mặt. Tuy nhiên, trong thời điểm khủng hoảng, dường như lựa chọn nới lỏng chính sách, đẩy mạnh tín dụng qua các giải pháp hỗ trợ vay vốn vẫn được xem là liều thuốc cần thiết.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...