Đổi mới công nghệ số để lan tỏa, phổ biến, giáo dục pháp luật
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Ngày 8/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, phổ biến, giáo dục pháp luật là lĩnh vực tác động đến mọi chủ thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và vùng miền trên cả nước, do đó, để thực hiện thành công chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự đồng thuận và vào cuộc của các chủ thể trong xã hội.
“Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, là khởi đầu cho sự đổi mới toàn diện về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, Thứ trưởng nhấn mạnh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cách tiếp cận mới và chính sự phát triển nhanh của công nghệ số đã giải quyết được một số vấn đề, như: nền tảng công nghệ số cho phép người dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào ngay từ đầu trong quá trình xây dựng văn bản; nền tảng công nghệ mạng xã hội Việt Nam cho phép thực hiện cá thể hóa phụ thuộc vào mối quan tâm của từng người, thời điểm phù hợp để truyền tải thông tin đến người dùng đạt hiệu quả…
Thông qua nền tảng số sẽ tiếp cận đến nhiều người hơn, đạt hiệu quả tốt hơn với chi phí phù hợp hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu “mỗi người dân một Smartphone, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang”, đây là một kênh thông tin quan trọng để lan tỏa, phổ biến giáo dục pháp luật.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thời gian tới.
Ông Phan Hồng Nguyên, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian tới, có thể thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: Phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi – đáp, tình huống; phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.