Thầy giáo khiếm thị chơi nhạc bằng 3 ngón tay, mở lớp dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật
Thầy giáo Đặng Ngọc Duy (SN 1976, trú tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam). Năm thầy lên 10, một tai nạn đã cướp đi của thầy đôi mắt cùng bàn tay trái chỉ còn 3 ngón. Cậu bé Duy ngày ấy đã phải vật lộn với nhiều khó khăn, thử thách khi vừa học chữ nổi để thêm kiến thức văn hóa, vừa dò dẫm bước vào con đường âm nhạc.
Thầy Duy tin rằng âm nhạc sẽ sưởi ấm trái tim, xoa dịu những đau buồn cho số phận (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Khi đó, thầy đã nghĩ rằng, học văn hóa để thêm kiến thức, còn âm nhạc sẽ chữa lành mọi vết thương mà những đứa trẻ như Duy không may mang trên mình.
Lần mò rồi học cách cảm nhận nhạc, mất gần một năm sau những ngày chập chững đến với guitar thì thầy Duy mới chơi được bản nhạc đầu tiên. Không chỉ chơi guitar, thầy Duy còn tập tành sáng tác những bài hát của riêng mình, chơi organ.
Bằng nghị lực vươn lên không mệt mỏi, thầy Duy đã thi đỗ vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Quảng Nam. Một chặng hành trình mới của thầy giáo trẻ lại bắt đầu.
Thầy Duy tận tình dạy trẻ khuyết tật (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Bỏ lại đằng sau những trở ngại, năm 2009, Duy tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng cử nhân Sư phạm cũng như tình yêu thương những đứa trẻ cùng cảnh ngộ, Duy thành lập "Mái ấm Hướng Dương" và nhận nuôi các em bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ… ở các huyện của Quảng Nam về nuôi dạy văn hóa miễn phí.
Để có thể duy trì cơ sở dạy học, anh Duy tìm kiếm và xin tài trợ từ các nhà hảo tâm. Năm 2018, mái ấm được đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục Hướng Dương Việt.
Ngoài văn hóa, thầy Duy còn dạy các em học đàn. Người thầy này tin rằng, âm nhạc sẽ giúp xoa dịu những thiệt thòi mà các em nhỏ đang phải gánh chịu.
Tương tự, anh Lê Minh Tâm, 30 tuổi, giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh cũng là một người như thế. Tâm sinh ra trong một gia đình nghèo khó với 11 anh chị em, 6 gái và 5 trai. Cha mẹ đều khỏe, sinh 6 người con gái cũng bình thường. Nhưng nghiệt ngã, xen kẽ từ anh hai, anh tư, anh sáu, anh mười rồi đến út Tâm cứ lần lượt được sinh ra với đôi mắt mù.
Thầy giáo tâm khiếm thị đem đến kiến thức cho học sinh cùng cảnh ngộ (Ảnh: Tuổi trẻ)
Năm lên 10, anh được gửi vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Năm 2012, anh được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Để đi hết con đường 4 năm đại học, Tâm bươn chải đủ nghề, từ hát rong đến bán vé số dạo. Cầm cây đàn guitar và xấp vé số trên tay, Tâm dò dẫm từng bước, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm bán từng tờ vé số. Có ngày Tâm đi đến tận Long An, Bình Dương để mưu sinh.
Năm 2016, Tâm tốt nghiệp đại học. Anh trở về quê hương Tây Ninh và được nhận vào làm giáo viên tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị của tỉnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.