Thầy giáo ngồi xe lăn, vượt khó "gieo chữ" vùng cao
Thầy giáo A Mik (36 tuổi, trú tại xã Đă Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum). Khi vừa tròn 1 tuổi, sau một trận sốt, chân phải anh mất cảm giác rồi teo dần. Từ đó, A MiK phải bám tường, bàn... để đi lại. Tuy khuyết tật nhưng, A Mik rất ham học và được bố mẹ, bạn bè cõng đến lớp.
Lên cấp 3, A Mik thi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum để ở lại bán trú. Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, gia đình, A Mik đã đậu vào ngôi trường mà bản thân hằng mong ước. Tốt nghiệp THPT, A Mik đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Sau khi ra trường, thầy giáo trẻ đã xin về gần nhà để giảng dạy tại Trường Tiểu học - THCS Đăk Rơ Wa.
Vượt qua nghịch cảnh, thầy A Mik theo đuổi khát vọng "gieo chữ" cho học sinh thôn quê (Ảnh: Dân trí)
Năm 2014, thầy A Mik lập gia đình. Ít lâu sau đó, vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ thầy đã vào miền Nam lập nghiệp để lại người con vừa tròn 2 tuổi. Vợ vắng nhà, thầy Mik vừa làm cha, vừa làm mẹ quán xuyến gia đình, chăm sóc con nhỏ. Năm 2020, thầy A Mik gặp tai nạn, chiếc chân trái từ lành lặn bỗng bị vỡ bánh chè, không thể di chuyển. Cũng từ đó mọi sinh hoạt thường ngày của thầy giáo trẻ đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn.
Mặc cảm về bản thân, vợ không liên lạc được nên nhiều lúc thầy A Mik muốn giải thoát cho mình. Nhưng may mắn có bạn bè, đồng nghiệp động viên nên thầy dần khắc phục được khó khăn.
Theo thầy Phan Đình Kiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa, thầy A Mik là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, giúp học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Bên cạnh đó, thầy còn là người truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh trong trường cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Thầy giáo A Mik là tấm gương truyền cảm hứng cho đồng nghiệp (Ảnh: Dân trí)
Tương tự, thầy giáo ngồi trên xe lăn Nguyễn Ngọc Lâm (35 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng là tấm gương nghị lực như thế. Rời quê vào TP.HCM, Lâm dạy tin học cho các em từ lớp 2 đến lớp 5, anh còn dạy thêm kỹ năng sống. Anh truyền đạt những bài học về tình người, tình thầy trò, về tình yêu quê hương đất nước, về những áng văn thơ hay bằng sự nhiệt thành và tâm huyết.
Để thao tác trên máy tính thành thạo, anh Lâm cho biết mình phải học gõ từng chữ suốt 10 năm. Những ngày đầu tiếp xúc với máy tính, anh dùng 5 ngón tay co quắp gõ bàn phím, nhưng chữ bị nhảy lung tung. Sau này anh nghĩ ra đeo một cái nẹp rồi cắm thêm chiếc đũa hoặc cây bút để gõ, nhưng rất rườm rà, mỗi lần muốn gõ phải nhờ người đeo. Cuối cùng, anh lựa chọn bó nẹp tay phải, và dùng khớp của ngón út gõ bàn phím.
Đến năm 2015, khi học sử dụng thành thạo máy tính, anh Lâm trở thành thầy giáo dạy tin học tại Trường Tiểu học Làng May Mắn. Là tình nguyện viên đi dạy, nên lương hằng tháng của anh Lâm chỉ ở mức trợ cấp 2 triệu đồng, để mưu sinh, anh phải bán thêm hàng online và làm nhiều việc khác.
"Vượt qua cửa sinh tử, được sống đến ngày hôm nay và làm giáo viên, với tôi đó là hạnh phúc rồi. Dù cuộc đời có nghiệt ngã với tôi, tôi cũng phải đi tìm ánh sáng tương lai cho học trò mình" - anh Lâm khẳng định.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.